Dù có cả trăm doanh nghiệp đang “xếp hàng” lên UPCoM, song không có cái tên nào thực sự có “số má”

Dù có cả trăm doanh nghiệp đang “xếp hàng” lên UPCoM, song không có cái tên nào thực sự có “số má”

Điểm danh những cổ phiếu đáng chú ý lên sàn UPCoM trong tháng 4

(ĐTCK) Với việc có 24 doanh nghiệp lên UPCoM trong tháng 3, nhiều khả năng tháng 4 này, số lượng doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên UPCoM vẫn sẽ tấp nập, khi lãnh đạo Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, hiện có khoảng 100 doanh nghiệp đang “xếp hàng” chờ lên sàn này. Tuy nhiên, trong số đó, đâu là những cái tên đáng chú ý? 

Theo công bố của HNX, đến thời điểm hiện tại, mới có 5 doanh nghiệp được chấp thuận lên UPCoM trong tháng 4, đó là CTCP Vật tư – TKV (mã MTS), CTCP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 (mã QLT), CTCP Môi trường đô thị Đà Nẵng (mã DNE), CTCP Cấp nước Cà Mau (mã CMW) và CTCP Xây dựng và thiết bị công nghiệp CIE1 (mã CE1). 

Mới nhất, ngày 3/4, CTCP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 10 (mã QLT) đã đưa 1,5 triệu cổ phiếu chào sàn UPCoM với giá 11.600 đồng/CP. QLT tiền thân là đơn vị quản lý đường thủy nội địa số 10. Cuối năm 2014, QLT tiến hành IPO bằng việc đấu giá là 225.000 cổ phần, với giá đấu thành công bình quân khi đó là 13.320 đồng/CP. Sau khi hoàn tất cổ phần hóa vào năm 2015, vốn điều lệ của QLT là 15 tỷ đồng và từ đó đến nay chưa thực hiện tăng vốn. Hiện Bộ Giao thông vận tải vẫn nắm 51% cổ phần doanh nghiệp này.

QLT có hoạt động chính là bảo trì và đảm bảo điều tiết giao thông đường thủy. Phạm vi quản lý bao gồm các tuyến sông, kênh rạch trên địa bàn 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Giai đoạn sau cổ phần hóa, từ 13/3-31/12/2015, QLT đạt doanh thu thuần 28,4 tỷ đồng và lãi sau thuế 803 triệu đồng. Năm 2016, QLT có doanh thu thuần vào khoảng 43,27 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2,17 tỷ đồng.

Tiếp đến, vào ngày 5/4, toàn bộ 5,77 triệu cổ phiếu của CTCP Môi trường đô thị Đà Nẵng (mã DNE) sẽ giao dịch trên UPCoM với giá khởi điểm là 10.400 đồng/CP.

Là một doanh nghiệp công ích trên địa bàn TP.Đà Nẵng, DNE được cổ phần hóa từ năm 2015. Công ty hiện có vốn điều lệ 57,7 tỷ đồng, trong đó 2 cổ đông lớn nhất là UBND TP.Đà Nẵng nắm 51% và CTCP Môi trường Việt Nam nắm 13,37%. Theo kết quả công bố mới nhất, năm 2015, DNE đạt doanh thu 185 tỷ đồng và lãi ròng 3,7 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016, DNE đạt 93,78 tỷ đồng doanh thu và 2,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Ngày 10/4 tới là ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu của CTCP Cấp nước Cà Mau (mã CMW). CMW mới chuyển sang mô hình CTCP từ 17/2/2016. Sau hơn 1 năm cổ phần hóa, CMW đăng ký giao dịch 15,53 triệu cổ phiếu tại UPCoM. Cổ phiếu CMW được định giá 11.000 đồng/CP trong ngày giao dịch đầu tiên.

Được biết, CMW là doanh nghiệp cung cấp nước sạch cho tỉnh Cà Mau, hiện có vốn điều lệ 155,3 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Cà Mau nắm 86,49% cổ phần. Do đặc thù quá trình cổ phần hóa kéo dài qua 3 đợt, nên CMW chỉ công bố kết quả kinh doanh của các giai đoạn ngắn. Thời điểm mới nhất, trong vòng hơn 4 tháng từ 17/2 đến 30/6/2016, CMW đạt doanh thu 42,98 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3,49 tỷ đồng.

Cũng trong ngày 10/4, CTCP Xây dựng và thiết bị công nghiệp CIE1 (mã CE1) sẽ đưa 6 triệu cổ phiếu CE1 lên giao dịch tại UPCoM, với giá khởi điểm 14.400 đồng/CP. Đây là doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động tốt nhất trong số “tân binh” ra nhập UPCoM.

CE1 được thành lập từ năm 2008, là đơn vị trực thuộc của CTCP Tập đoàn xây dựng và thiết bị Công nghiệp (CIE Group). Hiện tại, CE1 có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, với 54% cổ phần thuộc về CIE Group. Hoạt động chính của CE1 là kinh doanh sản phẩm trạm trộn bê tông, bơm bê tông… cùng với các dịch vụ lắp đặt, bảo trì đi kèm. Hai năm 2015 và 2016, CE1 cùng đạt doanh thu xấp xỉ 212 tỷ đồng, lợi nhuận tương ứng lần lượt là 17,6 tỷ đồng và hơn 11 tỷ đồng. ROE tương ứng là 23,4% và 13,13%. Cổ tức các năm gần đây (2014-2016) của CE1 được giữ ở mức từ 10-15%.

Sau tháng 1 đón nhiều doanh nghiệp quy mô “khủng” như Vietnam Airlines, Vinatex…, thì từ tháng 2 đến nay, UPCoM chưa đón thêm doanh nghiệp thực sự có “số má” nào.

Trong tháng 4 này, ngoài hoạt hàng mới kể trên, một số doanh nghiệp bị hủy niêm yết tại 2 sàn HNX và HOSE cũng sẽ tự động đăng ký giao dịch tại UPCoM theo quy định như CTCP Đầu tư tài chính giáo dục (mã EFI-sàn HNX), CTCP Vận tải biển Vinaship (mã VNA-sàn HOSE)... Các cổ phiếu này sẽ kéo theo lượng giao dịch mới cho UPCoM từ các cổ đông hiện hữu của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp khác có khả năng gia nhập UPCoM trong thời gian tới là nhóm các doanh nghiệp vừa thực hiện lưu ký và được Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp mã chứng khoán như CTCP Mía đường Cao Bằng (mã CBS); CTCP Xây dựng cấp thoát nước số 1 (mã VW1); CTCP Xây lắp và sản xuất công nghiệp (mã CIP); CTCP Vận tải dầu Phương Đông Việt (mã PDV), CTCP Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn (mã HLS)…

Tin bài liên quan