VN-Index nối dài chuỗi giảm điểm trong những phiên giao dịch đầu tuần, trước khi hồi phục vào phiên 27/10. Ông có đánh giá như thế nào về xu hướng và các yếu tố hỗ trợ thị trường trong thời gian tới?
Sau khi giảm về vùng hỗ trợ mạnh quanh mức 670 điểm, VN-Index đã có phản ứng hồi phục. Vùng hỗ trợ này được xem là ranh giới quyết định khả năng sống còn của xu hướng tăng ngắn hạn, chừng nào chỉ số chưa xuyên thủng ngưỡng điểm này thì xu hướng tăng ngắn hạn sẽ vẫn được duy trì. Trong đà phục hồi, VN-Index sẽ gặp phải thử thách ở vùng kháng cự khá gần quanh 680 - 685 điểm. Thị trường cần vượt qua được vùng điểm này nếu muốn hướng đến một nhịp tăng mới trong thời gian tới.
Các yếu tố sẽ hỗ trợ cho diễn biến tích cực của thị trường bao gồm: chính sách mở rộng cung tiền của Chính phủ, mặt bằng lãi suất giảm, cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào cuối tháng 11 có thể đi đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng, các ngân hàng trung ương Nhật Bản và châu Âu tăng cường các gói nới lỏng tiền tệ...
Mặc dù vậy, đánh giá triển vọng trong quý IV, tôi cho rằng các yếu tố thuận lợi đã được phản ánh đáng kể vào diễn biến giá của các cổ phiếu và đang có dấu hiệu giảm dần, trong khi những yếu tố bất lợi tăng lên về cuối năm. Cụ thể, áp lực mang tính mùa vụ của tỷ giá, lạm phát cùng với khả năng nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Kể cả trong kịch bản thị trường tiếp tục tăng điểm thì cũng sẽ mang tính phân hóa theo từng dòng cổ phiếu với từng nhịp ngắn.
Ông Trần Xuân Bách
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh khá tích cực. Tuy nhiên, hiệu ứng lan tỏa trên thị trường là chưa rõ ràng, ông đánh giá thế nào về hiện tượng này?
Đây là một hiện tượng bình thường và có thể dự đoán được. Trong suốt quá trình tăng điểm vừa qua của các nhóm cổ phiếu, bên cạnh các yếu tố hỗ trợ khác như chia cổ tức, thanh lý tài sản, tăng vốn… thì các thông tin về triển vọng kết quả kinh doanh quý III đã dần được phản ánh đáng kể vào diễn biến giá của các nhóm cổ phiếu này.
Do đó, khi các thông tin được công bố cũng là lúc kỳ vọng của các nhà đầu tư tạm thời kết thúc, áp lực chốt lời tất yếu sẽ được đẩy mạnh khiến cho giá cổ phiếu không tăng được bao nhiêu, thậm chí là giảm.
Trong tuần này, nhiều tên tuổi lớn như VNM, HPG, FPT… đã công bố kết quả kinh doanh khả quan, nhưng các mã này đều bị bán mạnh và giảm giá. Diễn biến này có đơn thuần được lý giải bởi câu chuyện “tin ra là bán” trong chứng khoán?
Tôi cho rằng, câu chuyện “tin ra là bán” ở các cổ phiếu trên chỉ là hiện tượng chốt lời ngắn hạn của nhà đầu tư khi kỳ vọng về kết quả kinh doanh được cụ thể hóa. Về trung, dài hạn, các cổ phiếu trên vẫn sẽ tạo được sức hấp dẫn với dòng tiền trên thị trường nhờ vào tiềm năng tăng trưởng và lộ trình thoái vốn nhà nước.
Mặc dù đa số các cổ phiếu trong danh sách thoái vốn của SCIC đã có nhịp tăng trưởng khá ấn tượng thời gian vừa qua, nhưng yếu tố này sẽ còn tạo thêm kỳ vọng trong thời gian tới.
Theo ông, nhóm cổ phiếu nào nhà đầu tư nên quan tâm trong giai đoạn này?
Tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể quan tâm đến các nhóm ngành như bất động sản - xây dựng, ngân hàng, dầu khí và công nghệ thông tin trong thời gian tới.
Nhóm bất động sản - xây dựng (VIC, KDH, CTD…) sẽ được hỗ trợ từ việc mặt bằng lãi suất tương đối thấp, kết hợp với sự phục hồi của nền kinh tế giúp kích thích nhu cầu mua nhà. Tuy nhiên, nhóm này sẽ mang tính phân hóa tùy vào quỹ đất và phân khúc dự án của từng doanh nghiệp. Tiếp đến là nhóm cổ phiếu dầu khí (GAS, PVD, PVS…) với kỳ vọng đà hồi phục của giá dầu, đặc biệt sau khi OPEC đạt được thỏa thuận sơ bộ về cắt giảm sản lượng trong kỳ họp vừa qua.
Các cổ phiếu công nghệ như FPT, CMG, ELC... sẽ nhận được cơ hội tăng trưởng từ hội nhập; tăng chi tiêu đầu tư từ khối ngân hàng và Chính phủ; dịch vụ 3G và các dịch vụ giá trị gia tăng khác tăng trưởng tốt.
Tín hiệu tích cực từ mặt bằng lãi suất huy động (giúp tăng biên lãi ròng - NIM), cùng với lộ trình tái cơ cấu đang trong giai đoạn then chốt và kỳ vọng từ việc nới room lĩnh vực ngân hàng sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho nhóm ngân hàng (VCB, CTG, BID...).