Điểm danh loạt doanh nghiệp lỗ hàng trăm tỷ đồng trong quý II/2024

Điểm danh loạt doanh nghiệp lỗ hàng trăm tỷ đồng trong quý II/2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo thống kê của Wichart, tính đến ngày 05/08, đã có 1.079 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Đáng nói, trong danh sách có nhiều doanh nghiệp lỗ khủng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Kỳ lân công nghệ VNG lỗ thêm 462 tỷ đồng do quảng cáo

CTCP VNG (mã VNZ) cho biết, trong quý II/2024, doanh nghiệp mang về 2.054 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với việc chi lớn cho các chi phí khiến doanh nghiệp lỗ 462 tỷ đồng, tăng nhẹ so với khoản lỗ 457 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.

Trong 6 tháng đầu năm, VNZ mang về gần 4.314 tỷ đồng doanh thu thuần. Trong đó, dịch vụ trò chơi trực tuyến vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 72%, đạt 3.112 tỷ đồng; dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet đạt 653 tỷ đồng, chiếm hơn 15%; dịch vụ quảng cáo trực tuyến đạt 436 tỷ đồng, chiếm hơn 10%; còn lại là các mảng khác. Kết quả, VNZ lỗ sau thuế 548,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 1.105 tỷ đồng).

VNZ cho biết, lỗ luỹ kế chủ yếu do nhóm Công ty tiếp tục thúc đẩy hoạt động quảng cáo các sản phẩm mới và sản phẩm chiến lược.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, VNZ đã thông qua kế hoạch doanh thu 11.069 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước và kỳ vọng có lãi sau thuế hợp nhất 150 tỷ đồng và lãi Công ty mẹ đạt 195 tỷ đồng. Như vậy, kết quả trên giúp VNZ hoàn thành gần 39% mục tiêu doanh thu nhưng còn cách xa mục tiêu lợi nhuận.

PSH lỗ kỷ lục quý II, nợ thuế gần 1.140 tỷ đồng

Trong quý II, doanh thu thuần của CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (mã PSH) giảm mạnh đến 92%, về còn 49 tỷ đồng. Nhưng với giá vốn tới 123 tỷ đồng khiến PSH lỗ gộp 73 tỷ đồng, cộng thêm các chi phí kéo theo PSH lỗ sau thuế 344 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái lãi 68 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lỗ hàng quý nặng nhất của PSH từ năm 2018 tới nay.

Tính chung 2 quý đầu năm, doanh thu thuần của PSH giảm 88%, về còn 525 tỷ đồng và lỗ sau thuế 368 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 267 tỷ đồng) do các các chí phí đồng loạt tăng. Với mục tiêu lợi nhuận năm nay xấp xỉ 328 tỷ đồng, PSH còn cách mục tiêu rất xa.

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 6/2024, NSH Petro đang có khoản nợ thuế lên đến 1.247 tỷ đồng. Cập nhật vào tháng 7/2024, Công ty đang nợ gần 1.140 tỷ đồng tiền thuế tại Cục Thuế tỉnh Hậu Giang và 93 tỷ đồng tại Cục Thuế TP Cần Thơ.

Mặc dù PSH đã được Bộ Tài chính đã gia hạn thanh toán, nhưng việc nợ thuế đã khiến các Cục Thuế địa phương tiến hành cưỡng chế hóa đơn đối với Công ty. Đồng thời, cổ phiếu PSH cũng bị đưa vào diện cảnh báo do báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 nêu ý kiến ngoại trừ.

Mới đây, PSH đã đưa ra lộ trình khắc phục và cho biết vào ngày 27/06/2024 đã ký hợp đồng tín dụng với Acuity Funding - đơn vị hợp tác tài trợ vốn cho Doanh nghiệp phát triển các dự án trong và ngoài Hậu Giang. Gói tài trợ trị giá khoảng 720 triệu USD, trong đó giai đoạn 1 sẽ giải ngân 290 triệu USD để doanh nghiệp xử lý các khoản nợ và bổ sung vốn lưu động.

PSH nhấn mạnh, nguồn tài trợ tín dụng dài 20 năm của Acuity Funding sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc tái cơ cấu thanh toán các khoản nợ thuế, nợ trái phiếu, bổ sung vốn lưu động… còn tồn đọng hiện nay.

KPF: Lỗ kỷ lục xoá bay của để dành

Quý II/2024 là quý thứ 5 liên tiếp CTCP Đầu tư tài sản Koji (mã KPF) trắng doanh thu. Tuy nhiên, với khoản chi phí tài chính tăng đột biến, gấp 342 lần so với cùng kỳ, lên hơn 290 tỷ đồng dẫn đến KPF lỗ sau thuế kỷ lục 282 tỷ đồng (cùng kỳ vẫn có lãi 8,3 tỷ đồng nhờ doanh thu tài chính).

Giải trình về kết quả này, KPF cho biết, trong quý II/2024, Công ty đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi và tạm ứng có khả năng không thu hồi được. Vì vậy, lợi nhuận trong kỳ giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đến cuối quý II, KPF phải trích lập phải thu khó đòi gần 324 tỷ đồng, bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm 91 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu gần 80 tỷ đồng, CTCP Dịch vụ và Công nghiệp Bình Dương gần 57 tỷ đồng. Ngoài ra, hai cá nhân đáng chú ý trong danh sách của KPF gồm có ông Nguyễn Khánh Toàn hơn 71 tỷ đồng và bà Nguyễn Thị Thuỷ gần 24 tỷ đồng.

Đáng chú ý, với kết quả lợi nhuận âm kỷ lục 282 tỷ đồng, KPF đã xoá bay “của để dành” từ các năm trước và báo lỗ luỹ kế cuối kỳ này là gần 140 tỷ đồng.

LDG lỗ 7 quý liên tiếp, bị yêu cầu mở thủ tục phá sản

Theo BCTC quý II/2024, CTCP Đầu tư LDG (mã LDG) công bố doanh thu đạt 156 tỷ đồng, tăng mạnh so với xấp xỉ 1 tỷ đồng năm ngoái. Nhưng với việc hàng bán bị trả lại đến 176 tỷ đồng dẫn đến doanh thu thuần LDG âm hơn 19 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là dương 331 triệu đồng).

Chưa kể, LDG còn tiếp tục chi cho các chi phí dẫn đến lỗ sau thuế hơn 171 tỷ đồng, gấp 2,3 lần khoản lỗ năm ngoái là hơn 74 tỷ đồng. Như vậy, đây là quý thứ 7 liên tiếp LDG báo lỗ.

Luỹ kế nửa đầu năm, LDG ghi nhận doanh thu thuần âm 149 tỷ đồng, lỗ ròng 296 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II, lỗ luỹ kế của LDG là 175 tỷ đồng.

Ngày 22/07/2024, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định về việc mở thủ tục phá sản đối với LDG liên quan đến khoản nợ chưa thống nhất giữa LDG và CTCP Thương mại và Xây dựng Phúc Thuận Phát.

Trước đó, LDG đã ký kết các hợp đồng với Phúc Thuận Phát để thực hiện thi công một số hạng mục công trình tại dự án khu dân cư Tân Thịnh. Trong quá trình thực hiện, dự án này đã gặp phải vướng mắc về thủ tục pháp lý đầu tư dự án.

Đến thời điểm hiện tại, các vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ, ảnh hưởng đến quá trình triển khai đầu tư xây dựng dự án. LDG đã thực hiện thanh toán cho phúc Thuận Phát 95% giá trị quyết toán các hợp đồng. Nhưng giữa hai bên vẫn còn một số khoản nợ đọng chưa được hoàn tất.

LDG khẳng định không mất khả năng thanh toán và vẫn đang đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Công ty đã và đang tiếp tục nỗ lực đàm phán, trao đổi để thống nhất với các đối tác nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của tất cả các bên có liên quan.

NOS: Khấu hao ăn mòn lợi nhuận cả thập kỷ

CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (mã NOS) là trường hợp hiếm hoi của nhóm vận tải biển báo lỗ khi gần như toàn bộ các doanh nghiệp trong ngành đều có lãi. Quý II vừa qua, NOS mang về hơn 47,5 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 64% so với cùng kỳ, nhưng với việc kinh doanh dưới giá vốn và các chi phí ở mức cao, NOS lỗ khủng gần 154 tỷ đồng, trong khi mức lỗ năm ngoái chỉ là 68 tỷ đồng.

Trong cả 6 tháng đầu năm 2024, NOS thông báo doanh thu thuần đạt hơn 91 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế tới 204 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 130 tỷ đồng. Kết quả này cũng đánh dấu năm thứ 13 liên tiếp báo lỗ của NOS.

Theo giải trình của NOS, đội tàu của Công ty được đầu tư vào thời điểm thị trường vận tải biển đang phát triển giai đoạn trước nên giá đầu tư tàu cao hơn, dẫn đến chi phí khấu hao cao. Thực tế, hàng chục năm qua, NOS phải ra sức trích khấu hao cho các khoản đầu tư đội tàu của mình khiến tình trạng thua lỗ đã kéo dài suốt nhiều năm.

Thêm vào đó, từ đầu năm 2024, thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường khiến đồng USD tăng giá mạnh, dẫn đến chi phí lãi vay cao. Tuy nhiên, NOS tin rằng trong năm 2024 và những năm tiếp theo, với nỗ lực của tập thể Công ty, những khó khăn trên sẽ được khắc phục.

Ngoài những cái tên điểm trên, trong danh sách các doanh nghiệp báo lỗ trên trăm tỷ quý II vẫn còn một vài doanh nghiệp như HNG, SMC, PVG, TIN, DHB, TMT, TLH, VVN, AMV...

Tin bài liên quan