Vinapharm…
Tuần này, Tổng công ty Dược Việt Nam - Vinapharm (DVN) và CTCP Dược phẩm Trung Ương 2 (DP2) sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch tại sàn UPCoM. Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), ngày giao dịch đầu tiên của DVN và DP2 là 19/5/2017.
Đáng chú ý, trước đó, DVN là một “món hàng” nóng trên thị trường OTC thời điểm đầu năm nay, cùng với cổ phiếu của những DN đầu ngành khác như Vietjet Air, VEAM, Petrolimex.
Ngoài lý do tên tuổi lớn của ngành dược, DVN cũng được biết đến là DN nắm trong tay quyền quản lý sử dụng quỹ đất lên tới 9.869 m2, với hàng loạt dự án bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM như tại 95 Láng Hạ, quận Đống Đa; 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân; 178 Điện Biên Phủ và 126A Trần Quốc Thảo (Quận 3)...
Điều thú vị là 237 triệu cổ phiếu DVN sẽ chào sàn UPCoM với giá tham chiếu ban đầu chỉ 10.400 đồng/CP. Mức giá này tương đương giá đấu thành công bình quân (10.443 đồng/CP) trong đợt đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) của DVN hồi tháng 6/2016.
Sau cổ phần hóa, DVN có vốn điều lệ 2.370 tỷ đồng, trong đó 2 cổ đông lớn sở hữu tới 82% gồm Bộ Y tế (65%) và cổ đông chiến lược CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương (17%).
Các lĩnh vực hoạt động chính của DVN bao gồm kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế và nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ dược. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chủ yếu phát triển ở các công ty con, công ty liên kết.
Tính đến thời điểm hiện tại, DVN có 4 công ty con và 9 công ty liên kết, trong đó có cả DP2 và 2 DN đáng chú ý đã niêm yết trên sàn là Imexpharm (IMP-HOSE) và Dược phẩm Trung ương 3 (DP3-HNX).
Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 2 năm 2015 và 2016 (giai đoạn 1/1 đến 7/12/2016), DVN đạt doanh thu lần lượt 7.281 tỷ đồng và 6.036 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 350 tỷ đồng và 661,8 tỷ đồng, ROE bình quân đạt lần lượt 9,93% và 18,39%.
Tuy nhiên, lợi nhuận 2016 tăng mạnh nhờ đóng góp lớn của khoản lợi nhuận khác, ghi nhận từ việc tăng thu nhập từ định giá lại các khoản đầu tư tài chính (191 tỷ đồng) tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần theo quy định của Chính phủ.
Năm 2017, DVN đặt kế hoạch kinh doanh tổng hợp (Công ty mẹ và Trung tâm Dịch vụ thương mại Dược mỹ phẩm) với chỉ tiêu doanh thu 238,3 tỷ đồng, tăng 40,43% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 25,8 tỷ đồng, giảm mạnh 94,6% so với năm 2016 (478,2 tỷ đồng).
Quý I/2017 (tính từ 8/12/2016-khi bắt đầu trở thành công ty cổ phần), DVN báo cáo kết quả kinh doanh tổng hợp với doanh thu thuần 29,5 tỷ đồng và lợi nhuận 3,3 tỷ đồng.
…và những cái tên khác
Lên UPCoM cùng ngày với DVN, DP2 sẽ đăng ký giao dịch 20 triệu cổ phiếu với giá chào sàn 10.200 đồng/CP. Trong cơ cấu vốn (200 tỷ đồng), CTCP Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Sài Gòn (Artexport) nắm 75%, CTCP Đầu tư tài chính Đất Việt nắm 12,37%, Vinapharm cũng sở hữu 6,78%.
DP2 hiện có hoạt động chính là sản xuất thuốc tân dược. Từ 2015 đến 2016, doanh thu DP2 tăng từ 77 tỷ đồng lên 106,4 tỷ đồng, tuy nhiên, năm 2016 bất ngờ báo lỗ hơn 7,5 tỷ đồng, trong khi 2015 lãi ròng 23 tỷ đồng.
Ngoài DVN và DP2, CTCP Dược phẩm Trung ương Vidipha (VDP) là cái tên có triển vọng lên sàn cao nhất khi mới đây, HOSE thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của DN này. Việc niêm yết của VDP đã được Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) mới diễn ra vào cuối tháng 4 thông qua. Thực tế, năm 2015, VDP đã nộp hồ sơ niêm yết nhưng do vướng mắc từ cổ đông nhà nước và cổ đông lớn nên bị kéo dài đến hiện tại.
Trên thị trường OTC, hiện có những tin đăng mua đăng bán cổ phiếu VDP với mức giá dao động từ 37.000 đồng - 39.000 đồng/CP.
Năm 2017, Vidipha đặt kế hoạch tổng doanh thu 467 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,5% so với năm 2016 (444,94 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế đạt 60 tỷ đồng (bằng 80% thực hiện 2016 là 74,99 tỷ đồng), cổ tức từ 20-22% vốn điều lệ.
Tại một DN ngành Dược khác - CTCP Xuất nhập khẩu Y tế TPHCM (Yteco). Thông tin bên lề ĐHCĐ Yteco diễn ra vào ngày 13/5 vừa qua cho thấy, DN cũng đang lên kế hoạch đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM trong năm nay.
Điểm đáng lưu ý trong hoạt động của DN này là tỷ lệ vay nợ rất cao. Như ở thời điểm cuối năm 2016, nợ vay của Yteco gấp 10 lần vốn chủ sở hữu, hệ số nợ trên tổng tài sản tăng từ 90,42% đầu kỳ lên 90,97%. Mặc dù vậy, lãnh đạo Yteco tự tin về nguồn vốn khi cho biết, các ngân hàng cho vay đều sẵn sàng nâng hạn mức tín dụng cho Yteco.