Huỳnh Thị Huyền Như bị xét xử từ hôm nay (6/1)
Năm 2010, khi có hành vi phạm tội, người phụ nữ này mới chỉ 32 tuổi và đang là quyền Trưởng phòng giao dịch thuộc Vietinbank - Chi nhánh TP. HCM. Thế nhưng, Huyền Như có thể lừa đảo được vài nghìn tỷ đồng từ tay những chuyên gia tài chính, các ngân hàng.
Chiêu bài chính của Huyền Như là dựa vào uy tín của ngân hàng để huy động tiền gửi. Những công ty, cá nhân gửi tiền qua Huyền Như đều tin tưởng là đang gửi tiền vào ngân hàng, mà không hề biết hợp đồng, chữ ký của những người có thẩm quyền đều bị Huyền Như làm giả.
Vụ án có tới 23 bị cáo, bị truy tố với 6 tội danh, có 9 nguyên đơn dân sự và 3 bị hại. Ngoài ra, còn nhiều bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã được tòa án triệu tập. Phiên tòa dự kiến kéo dài kỷ lục, với thời gian xét xử lên tới 3 tuần làm việc, từ ngày 6 - 25/1/2014.
Trong vụ án này, Huyền Như đã dùng miếng mồi nhử là chênh lệch lãi suất để huy động được tiền gửi từ nhiều công ty. Đơn cử như Công ty Thái Bình Dương đã gửi vào Vietinbank Nhà Bè số tiền 1.493 tỷ đồng, qua 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn để hưởng lãi suất chênh lệch từ 1 - 4%/năm. Các công ty gồm Công ty Phúc Vinh, Công ty Thịnh Phát, Công ty Hưng Yên gửi số tiền 2.496 tỷ đồng, bị chiếm đoạt 1.598 tỷ đồng.
CTCK Saigonbank – Berjaya (SBBS) đã gửi 225 tỷ đồng vào Vietinbank Nhà Bè, với lãi suất theo hợp đồng là 14%/năm và ngoài hợp đồng từ 16 - 18%/năm, tổng cộng là 32 - 36%/năm, bị chiếm đoạt 210 tỷ đồng.
CTCK Phương Đông (ORS) và CTCP Đầu tư An Lộc đã gửi vào Vietinbank TP. HCM 1.860 tỷ đồng, lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng là 5 - 5,5%/năm, bị chiếm đoạt 550,3 tỷ đồng.
Ngân hàng ACB gửi 1.101,4 tỷ đồng vào Vietinbank, với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài từ 3,8 - 4,5%/năm và bị chiếm đoạt 718 tỷ đồng. Ngân hàng Navibank đã gửi 1.543 tỷ đồng, bị chiếm đoạt 200 tỷ đồng.
Nhiều pháp nhân và cá nhân khác cũng gửi hàng trăm tỷ đồng vào “chỗ” Huyền Như. Tổng cộng số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt lên tới gần 4.000 tỷ đồng.
Xét xử Dương Tự Trọng từ 7/1
Vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi liên quan đến vụ án Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines phạm tội tham ô.
Trước đó, trong các ngày 12, 13, 14 và 16/12/2013, Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm đã bị đưa ra xét xử vì đã có hành vi cố ý làm trái các quy định quản lý của Nhà nước, kê khống giá ụ nổi 83M để tham ô 1,666 triệu USD. Trong quá trình điều tra, khởi tố vụ án, Dương Chí Dũng đã nghe được tin sắp bị bắt và bỏ trốn ra nước ngoài. Sau 3 tháng lẩn trốn, Dương Chí Dũng đã bị bắt ở Campuchia và đưa về Việt Nam.
Quá trình chạy trốn của Dương Chí Dũng được CQĐT xác định là có sự giúp đỡ, tổ chức của Dương Tự Trọng, em trai Dũng, khi đó đang là Phó giám đốc Công an TP. Hải Phòng. 6 bị can khác, trong đó có nhiều cán bộ công an, đã tham gia vào việc tổ chức cho Dũng chạy trốn.
Đáng chú ý, trong 2 vụ án này, có chi tiết về cuộc điện thoại mật báo cho Dương Chí Dũng về việc sắp bị bắt rồi từ đó Dũng nghĩ cách bỏ trốn. Ông Dương Tự Trọng không phải là người đã gọi điện báo. Trong phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng, tình tiết này chưa được làm rõ, trong cáo trạng truy tố Dương Tự Trọng và đồng phạm, cơ quan công tố chỉ đề cập “chiều ngày 17/5, Dương Chí Dũng biết được thông tin Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam”.
Bầu Kiên sẽ bị xét xử sau Tết?
Đến nay, vẫn chưa có lịch xét xử đối với Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng ACB và các công ty do bầu Kiên thành lập. Được biết, một số luật sư tham gia bào chữa và bảo vệ trong vụ án Nguyễn Đức Kiên cũng tham gia bào chữa cho vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Với lịch xét xử Huỳnh Thị Huyền Như từ 6 - 25/1, khả năng rất lớn là vụ bầu Kiên sẽ được xét xử sau Tết âm lịch.
Trong vụ án này, bầu Kiên bị truy tố vì 4 tội danh, gồm kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo và cố ý làm trái. Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tổng số tiền thiệt hại do Nguyễn Đức Kiên gây ra được xác định là 1.696 tỷ đồng, chưa kể hơn 433 tỷ đồng tiền lỗ kinh doanh vàng của Công ty Thiên Nam đến nay chưa trả được.
Tâm điểm của vụ án không chỉ là số tiền thiệt hại bầu Kiên gây ra mà còn là sự thao túng của ông bầu này đối với Ngân hàng ACB. Nguyễn Đức Kiên là cổ đông của ACB từ năm 1993. Ông Kiên và gia đình sở hữu gần 937,6 triệu cổ phần (tương đương 9%) của ACB, trong đó, cá nhân ông Kiên sở hữu 31,5 triệu cổ phần (tương đương 3,37%).
Từ cuối năm 2007, ông Kiên không còn tham gia HĐQT Ngân hàng ACB, nhưng lại đề nghị HĐQT ra quyết định thành lập Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, có chức năng tư vấn cho HĐQT và tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT, được cung cấp đầy đủ tài liệu về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Theo Viện KSND Tối cao, trên cơ sở kết quả điều tra xác minh, có đủ căn cứ để xác định, dù không giữ chức danh nào trong HĐQT, nhưng với cương vị là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB, đại diện nhóm cổ đông chiếm 9% vốn điều lệ, ông Kiên có vai trò chỉ đạo chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB.
Ngoài ra, ông Kiên còn thành lập 6 công ty khác và với quyền lực trong tay tại ACB và ở 6 công ty của mình, bầu Kiên đã thực hiện việc kinh doanh trái phép hàng chục nghìn tỷ đồng và nhiều hành vi phạm tội khác.