Didi Global bị nhà đầu tư Mỹ kiện vì lừa gạt IPO

0:00 / 0:00
0:00
Didi Global bị cáo buộc che giấu và không tuân thủ yêu cầu của chính quyền Trung Quốc về việc hoãn IPO trong năm 2021 cho đến khi giải quyết vấn đề an ninh mạng và quyền riêng tư.
Didi Global huy động được hơn 4,4 tỷ USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 30/6/2021. Ảnh: Reuters

Didi Global huy động được hơn 4,4 tỷ USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 30/6/2021. Ảnh: Reuters

Trong một quyết định dài 54 trang công bố hôm 14/3, Thẩm phán cấp cao Lewis Kaplan thuộc tòa án liên bang Manhattan cho biết các nhà đầu tư đưa ra vụ kiện tập thể với đầy đủ biện hộ rằng Didi và nhiều quan chức chủ đích lừa gạt họ để huy động hơn 4,4 tỷ USD trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 30/6/2021, theo hãng tin Reuters.

Thương vụ IPO trên giúp giá trị thị trường của Didi đạt khoảng 67,5 tỷ USD.

Thẩm phán Kaplan cho biết ý đồ bán cổ phiếu lưu ký tại Mỹ trước khi chính quyền Trung Quốc "nắn gân" các công ty công nghệ trong nước đã tạo cho Didi và các quan chức một "động cơ kinh tế cá nhân và cụ thể" để IPO trước khi "cơ hội IPO định giá cao tại Mỹ của doanh nghiệp Trung Quốc" bị khép lại.

Các luật sư của Didi đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về vụ kiện. Trong khi đó, các luật sư từ phía nhà đầu tư cũng đã không đưa ra bình luận ngay.

Thẩm phán Kaplan đã từ chối bác bỏ các khiếu nại chống lại các ngân hàng đã giúp Didi niêm yết cổ phiếu.

Năm 2021, Didi rơi vào tầm ngắm của Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) vì theo đuổi việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ mà không được chấp thuận.

Cổ phiếu của Didi Global lao dốc vào tháng 7/2021 sau khi Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc cấm công ty này tiếp nhận đăng ký người dùng mới và yêu cầu xóa ứng dụng Didi Travel khỏi các cửa hàng ứng dụng dành cho điện thoại thông minh.

Sau đó, Didi đã công bố kế hoạch hủy niêm yết các cổ phiếu đã niêm yết tại Mỹ vào tháng 12/2021. Đến tháng 7/2022, Cơ quan chức năng Trung Quốc đã xử phạt Didi 1,2 tỷ USD.

Theo dữ liệu của tập đoàn chứng khoán London (LSEG), giá trị thị trường của Didi hiện đạt khoảng 19 tỷ USD.

Quý III/2023, Didi Global, nền tảng gọi xe công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đã báo lãi quý đầu tiên kể từ năm 2021 nhờ nhu cầu dịch vụ di chuyển trong nước tiếp tục phục hồi.

Didi Global cho biết thu nhập ròng dành cho các cổ đông đạt 107 triệu nhân dân tệ (tương đương 14,66 triệu USD) vào quý III/2023, trong khi cùng kỳ năm trước báo lỗ 2 tỷ nhân dân tệ. Doanh thu quý III/2023 của nền tảng gọi xe này đã tăng 25% lên 51,40 tỷ nhân dân tệ.

Năm 2022, Didi Global, nền tảng dịch vụ gọi xe được hậu thuẫn bởi Alibaba, Tencent và SoftBank, đã không báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý, nhưng ghi nhận khoản lỗ ròng hàng năm là 23,78 tỷ nhân dân tệ.

Didi Global đã thực hiện các bước để hợp lý hóa hoạt động kinh doanh và tập trung vào các dịch vụ gọi xe cốt lõi. Tháng 8/2023, Didi Global thông báo sẽ bán đơn vị kinh doanh xe điện của mình cho công ty khởi nghiệp xe điện hàng đầu Trung Quốc Xpeng với giá lên tới 744 triệu USD.

"Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình đồng thời nâng cao năng lực sản phẩm và dịch vụ để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, tài xế và đối tác hệ sinh thái", Chủ tịch và Giám đốc điều hành Didi Wei Cheng cho biết.

Tin bài liên quan