Chậm cắt giảm nhiều điều kiện
Nội dung được Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ vừa nêu ra tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 cho thấy, việc đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các ngành, lĩnh vực đạt thấp, khi đến nay mới cắt giảm được 900/5.905 điều kiện kinh doanh (15,2%).
2.363 điều kiện kinh doanh (40%) đã có phương án tiếp tục cắt giảm, nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 bộ, trong đó có Bộ Tài chính…
Là bộ quản lý đa ngành, sức ép cắt giảm điều kiện kinh doanh với Bộ Tài chính đang lớn dần, khi thời gian không còn nhiều, trong khi số lượng các điều kiện cần rà soát để đơn giản hóa, cắt giảm rất lớn.
Theo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/8 tới là thời hạn Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan kết thúc rà soát về cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Để cụ thể hóa việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Theo ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh một số điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, cắt giảm, vẫn còn nhiều điều kiện lẽ ra nên xóa, nhưng lại chưa nêu ra.
Chẳng hạn, được nhìn nhận là đang tồn tại nhiều điều kiện đầu tư, kinh doanh gây khó cho doanh nghiệp, dẫn đến không ít nhũng nhiễu, tiêu cực khiến không ít cán bộ thuế, hải quan bị xử lý dưới nhiều hình thức, nhưng tại dự thảo Nghị định không đưa ra phương án đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc hai lĩnh vực “nóng” là thuế và hải quan.
Chưa ổn với điều kiện kinh doanh về giá
Về điều kiện hoạt động trong lĩnh vực giá, dự thảo Nghị định chỉ sửa đổi duy nhất một nội dung tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá.
Cụ thể, liên quan đến thành viên là tổ chức của công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần thẩm định giá, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi theo hướng: Tổng số vốn góp của cổ đông, thành viên góp vốn là tổ chức tối đa không quá 35% vốn điều lệ của công ty cổ phần thẩm định giá, công ty TNHH thẩm định giá hai thành viên trở lên.
Với phương án sửa đổi này, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng chưa ổn, do việc hạn chế số vốn góp của tổ chức chưa hợp lý, vì không rõ mục tiêu.
Nếu lo ngại về tính khách quan của doanh nghiệp thẩm định giá với khách hàng, thì pháp luật về giá đã có quy định các trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá không được thẩm định giá, nên không cần thiết phải chặn ở điều kiện thành lập doanh nghiệp thẩm định giá.
Trường hợp công ty cổ phần, quy định khống chế mức vốn góp chỉ áp dụng đối với cổ đông sáng lập sẽ không có ý nghĩa khi trong quá trình hoạt động, các cổ đông có thể chuyển nhượng cổ phần cho các tổ chức. Bởi vậy cần bỏ giới hạn về mức vốn của tổ chức trong doanh nghiệp thẩm định giá.
Mặt khác, theo VCCI, phần lớn các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giá chưa được xem xét để bãi bỏ. Bởi vậy, để đảm bảo tinh thần đơn giản hóa và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị Bộ Tài chính xem xét cắt giảm nhiều điều kiện.
Đầu tiên là điều kiện về số lượng thẩm định viên về giá. Quy định hiện tại yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này phải có tối thiểu 3 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.
Điều kiện này cần cân nhắc bỏ, vì không rõ về căn cứ để yêu cầu số lượng tối thiểu thẩm định viên giá này như thế nào. Nếu doanh nghiệp chỉ có 1 hoặc 2 thẩm định viên về giá, thì lợi ích công cộng nào sẽ bị ảnh hưởng?
Nói cách khác, số lượng thẩm định viên về giá có gắn liền với quy trình kiểm soát để đảm bảo hoạt động thẩm định giá an toàn, chính xác không?
Theo quy định của pháp luật về giá, quy trình thẩm định giá chỉ do thẩm định viên về giá thực hiện, không đòi hỏi sự giám sát hay kiểm soát bởi các thẩm định viên về giá khác.
Báo cáo thẩm định giá cũng do thẩm định viên thẩm định ký. Điều này có nghĩa là công việc và trách nhiệm của thẩm định viên về giá là độc lập, không phụ thuộc vào thẩm định viên về giá nào khác.
Theo logic này thì việc đặt ra điều kiện về số lượng tối thiểu thẩm định viên về giá không gắn với quy trình thẩm định giá, cũng không ảnh hưởng tới lợi ích công cộng liên quan.
Điều kiện kinh doanh xếp hạng tín nhiệm còn bó
Liên quan đến quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Điều 14 Nghị định 88/2014 về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm quy định, để được cấp phép hoạt động, đối tượng xin phép phải có phương án kinh doanh bao gồm các nội dung: Kế hoạch kinh doanh; dự kiến doanh thu và chi phí hoạt động; kế hoạch nhân sự…
Qua rà soát, Bộ Tài chính đề xuất bỏ nội dung: “Dự kiến doanh thu và chi phí hoạt động”… Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cắt giảm như vậy là chưa đủ, mà cần bỏ thêm điều kiện “có kế hoạch kinh doanh”, vì điều kiện này can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp.
Ngoài ra, về điều kiện mức vốn pháp định của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm là 15 tỷ đồng, có ý kiến đề nghị bỏ điều kiện này bởi không rõ mục tiêu quản lý nhà nước khi yêu cầu như vậy đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là gì?
Với hoạt động kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, vốn điều lệ không phải là yếu tố quyết định đến tính an toàn, chính xác của hoạt động xếp hạng tín nhiệm, mà quan trọng là trình độ của nhân lực, cũng như nguồn thông tin mà doanh nghiệp có được...
Tại dự thảo Nghị định vẫn duy trì điều kiện hiện hành về chuyên môn, kinh nghiệm và nơi cư trú đối với tổng giám đốc của doanh nghiệp. Ý kiến từ người trong cuộc đề nghị bỏ các điều kiện này, bởi việc áp đặt điều kiện, tiêu chuẩn của giám đốc, tổng giám đốc là chưa hợp lý.
Về mặt pháp lý, chủ thể chịu trách nhiệm trước pháp luật cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm là doanh nghiệp, không phải là giám đốc, tổng giám đốc. Mặt khác, trong quy trình xếp hạng tín nhiệm, có sự tham gia của chuyên gia phân tích, sự thống nhất của hội đồng xếp hạng tín nhiệm, vai trò của giám đốc, tổng giám đốc là ít liên quan đến kết quả, chất lượng của báo cáo xếp hạng.
Cần cắt thêm điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán
Liên quan đến các điều kiện kinh doanh với lĩnh vực kế toán, dự thảo Nghị định vẫn duy trì nhiều điều kiện mà nhìn nhận từ phía các thành viên thị trường là gây vướng mắc.
Chẳng hạn, điều kiện doanh nghiệp kế toán không được thành lập theo hình thức công ty cổ phần. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tính chịu trách nhiệm của các thành viên góp vốn (trong công ty TNHH) và các cổ đông (trong công ty cổ phần) là tương tự nhau, đều chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn góp.
Về mặt pháp lý, khi thực hiện các giao dịch thì doanh nghiệp (dù được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hay công ty cổ phần) đều sẽ có chủ thể chịu trách nhiệm cụ thể theo quy định của pháp luật, không phải là cá nhân từng thành viên góp vốn/cổ đông chịu trách nhiệm. Vì vậy, rất khó lý giải tại sao được thành lập công ty TNHH, nhưng không được thành lập công ty cổ phần…
Từ những phân tích như vậy, một số ý kiến đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc bãi bỏ điều kiện này.
Về điều kiện hạn chế tỷ lệ góp vốn của thành viên là tổ chức của công ty TNHH hai thành viên trở lên ở mức không quá tối đa 35%, việc hạn chế số vốn góp của tổ chức dường như chưa hợp lý, vì không rõ mục tiêu.
Nếu lo ngại về tính khách quan của doanh nghiệp kế toán với khách hàng, pháp luật đã có quy định đảm bảo yếu tố này. Do đó, điều kiện này ít có ý nghĩa trên thực tiễn, Bộ Tài chính nên cân nhắc bãi bỏ.
Với điều kiện: “Công ty TNHH dịch vụ kế toán phải có ít nhất 2 thành viên góp vốn là kế toán viên đăng ký hành nghề tại công ty. Vốn góp của các kế toán viên hành nghề phải chiếm trên 50% vốn Điều lệ của công ty” (khoản 1 Điều 27 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán), quy định này không rõ mục tiêu quản lý đối với việc ràng buộc tỷ lệ vốn góp của các thành viên góp vốn.
Nếu quy định nhằm hướng đến việc ràng buộc trách nhiệm của các thành viên đối với hoạt động của doanh nghiệp (tương ứng với trách nhiệm của công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân) thì ít có ý nghĩa. Bởi về mặt pháp lý, doanh nghiệp (dưới loại hình là công ty TNHH) là chủ thể chịu trách nhiệm chứ không phải các thành viên góp vốn... Bởi vậy, đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc bỏ điều kiện này.