SDV có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, các cổ đông lớn của công ty bao gồm Tổng công ty Sonadezi nắm giữ 20%, CTCP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 (mã D2D - sàn HOSE) nắm giữ 5%, CTCP Môi trường Sonadezi (mã SZE - sàn UPCoM) nắm giữ 10% và CTCP Sonadezi Long Thành (mã SZL - sàn HOSE) nắm giữ 5%.
Tuy vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 50 tỷ đồng nhưng các năm vừa qua SDV có lợi nhuận cao và tăng trưởng tích cực, cổ tức tiền mặt cũng tăng từ mức 15% vào năm 2017 lên mức 30%. Năm 2022, SDV đạt doanh thu hợp nhất 512 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 29,5 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của SDV
Năm |
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
2022 |
Lợi nhuận sau thuế (tỷ đồng) |
14,8 |
17,1 |
21,3 |
26,1 |
32,3 |
29,5 |
Công ty cổ phần Dịch vụ Sonadezi là công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi trường. Các năm qua, Công ty đã từng bước khẳng định thế mạnh trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý nước thải, chất thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn đô thị... Ngoài ra, SDV còn có hoạt động dịch vụ vệ sinh công nghiệp và dịch vụ bảo vệ.
Theo Báo cáo thường niên năm 2022, trong năm này, doanh thu dịch vụ xử lý nước thải công nghiệp và xử lý chất thải của SDV đạt hơn 445 tỷ đồng, tăng 5,62% so với năm 2021, trong đó doanh thu dịch vụ xử lý chất thải đạt 328,98 tỷ đồng.
Hiện tại, SDV đang thực hiện tiếp nhận rác thải sinh hoạt phát sinh từ một số địa phương thuộc Đồng Nai để xử lý tại Trạm tái chế chất thải làm phân compost - Khu xử lý chất thải Quang Trung với công suất trung bình 1.200 tấn/ngày.
Bên cạnh đó, Công ty đang thu gom chất thải công nghiệp nguy hại và không nguy hại của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với khối lượng trung bình 1630 tấn/ngày xử lý bằng các phương pháp tái chế, súc rửa chôn lấp hợp vệ sinh, thiêu đốt, hóa rắn, nghiền bóng đèn, xử lý chất thải.
Trong năm 2022, Công ty đã cung cấp các dịch vụ liên quan đến thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp cho 290 khách hàng trên 28 Khu công nghiệp; sản lượng chất thải công nghiệp thực hiện trong năm 2022 bằng 103,4% sản lượng chất thải năm 2021.
Đến nay, ngoài SDV còn có một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư dự án khu xử lý chất thải, chẳng hạn như CTCP Môi trường Sonadezi (SZE - UPCoM), CTCP Nước và môi trường Bình Dương Biwase (BWE - sàn HOSE). Dự án của BWE đã đi vào hoạt động được một thời gian, còn dự án của SZE cũng đã bắt đầu đi vào hoạt động.
Ngành dịch vụ môi trường đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế, dân số gia tăng, xu hướng đô thị hóa… dẫn tới môi trường sống chịu nhiều tác động.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các nội dung về môi trường nằm trong số những nội dung quan trọng trong quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương, cũng như các khuôn khổ hợp tác quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết hàng chục Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán nhiều FTA khác. Nhiều doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về môi trường khi sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường của các nước phát triển, điều này tạo ra nhu cầu ngày càng lớn đối với các dịch vụ môi trường.
Hiện nay nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ môi trường đã được Việt Nam ban hành và đang được triển khai nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp môi trường. Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản liên quan đã có các quy định về việc nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ môi trường với nhiều ưu đãi hấp dẫn như miễn thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…