Dịch vụ quản lý quỹ: Mở cửa sớm

(ĐTCK-online) Theo cam kết gia nhập WTO thì tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài chỉ được thành lập chi nhánh hoặc công ty 100% vốn nước ngoài tại VN sau 5 năm kể từ ngày VN gia nhập (sau ngày 11/1/2012).

Thực hiện cam kết này, VN vẫn chưa chính thức mở cửa cho công ty quản lý quỹ đầu tư nước ngoài (QLQNN) được mở chi nhánh hoặc thành lập công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài, tuy nhiên, do sức hấp dẫn quá lớn của TTCK VN nên nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài không thể “cầm lòng”. Và trên thực tế, sự ảnh hưởng của nhà đầu tư nước ngoài tới sự phát triển của TTCK VN ngày càng lớn. Theo Bộ Tài chính (BTC), việc thắt chặt không cho phép văn phòng đại diện (VPĐD) công ty QLQNN kinh doanh mà không có các hình thức hợp pháp khác để thay thế thì ngoài việc khó kiểm soát và gây thất thu thuế, còn có thể tác động đến luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang được đầu tư thông qua các VPĐD và từ đó ảnh hưởng đến diễn biến của TTCK.

Theo thống kê mới nhất của BTC, tính đến tháng 11/2007, có 505 tổ chức đầu tư nước ngoài đăng ký giao dịch chứng khoán, đầu tư trên TTCK VN, các tổ chức đầu tư nước ngoài thường xuyên thực hiện khối lượng giao dịch lớn trên TTCK và hiện đang nắm giữ lượng chứng khoán (tính theo giá trị thị trường) xấp xỉ 8 tỷ USD.

Cũng theo thống kê của BTC, hiện có 35 VPĐD công ty QLQNN được cấp phép hoạt động tại VN, trong đó có 15 VPĐD được thành lập trước khi Luật Chứng khoán có hiệu lực do Bộ Thương mại (cũ) và UBND các tỉnh, thành phố cấp phép; 20 VPĐD được thành lập theo Luật Chứng khoán do UBCKNN cấp phép. Hoạt động đầu tư vào VN của các công ty QLQNN chủ yếu thực hiện thông qua VPĐD đang hoạt động tại VN, mặc dù theo quy định của Luật Thương mại và Luật Chứng khoán thì VPĐD không được thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán. Nhằm “lách luật”, các VPĐD thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán dưới hình thức ủy quyền một cá nhân (thường là trưởng VPĐD hoặc nhân viên làm việc tại VPĐD) hoặc hoạt động như một doanh nghiệp. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ tính riêng trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM, số cổ phiếu do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ chiếm gần 1/4 tổng giá trị thị trường, tương đương 5,3 tỷ USD. “Số tiền này cao hơn nhiều so với số vốn mà nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ ra để mua cổ phiếu”, báo cáo của WB kết luận. “Việc công ty QLQNN ủy quyền kinh doanh chứng khoán cho cá nhân dẫn đến Nhà nước khó quản lý và kiểm soát, đặc biệt là việc kiểm soát những vấn đề nhạy cảm như việc thao túng thị trường. Mặt khác, nguồn thu nhập từ kinh doanh chứng khoán không được hạch toán tại VN nên các tổ chức đầu tư nước ngoài không phải nộp thuế, không chỉ gây thất thu thuế, mà còn tạo ra sân chơi không bình đẳng cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán trong nước”, một quan chức BTC nhận định.

Đứng trước thực tế trên, BTC dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ cho phép mở cửa thị trường dịch vụ quản lý tài sản sớm hơn cam kết gia nhập WTO bằng việc cho phép công ty QLQNN được mở chi nhánh hoặc thành lập công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài. Việc mở cửa thị trường sớm hơn cam kết, đồng thời với việc củng cố hoạt động của VPĐD, không cho phép VPĐD hoạt động kinh doanh dưới mọi hình thức, kể cả việc ủy thác cho cá nhân đầu tư hộ, theo nhận định của BTC, sẽ loại bỏ hoàn toàn tình trạng kinh doanh trá hình của VPĐD cho công ty QLQNN; tiếp tục duy trì và khơi thông một kênh dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài mới, bền vững và hợp pháp thông qua chi nhánh của công ty QLQNN hoặc công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài; chủ động thiết lập được cơ chế hoạt động thống nhất cho các tổ chức đầu tư nước ngoài, nâng cao khả năng giám sát và quản lý dòng vốn đầu tư gián tiếp…

Mở cửa cho công ty QLQNN đồng nghĩa với việc BTC tạo ra sức ép cạnh tranh không cân sức cho các công ty quản lý quỹ trong nước. Để tạo điều kiện cho công ty quản lý quỹ trong nước có điều kiện phát triển, BTC sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ hạn chế phạm vi hoạt động, đối tượng được cấp phép thành lập chi nhánh hoặc công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài. Theo đó, trong giai đoạn mở cửa sớm, các tổ chức nước ngoài chỉ được phép quản lý tài sản huy động của nhà đầu tư nước ngoài, không được huy động và quản lý tài sản của nhà đầu tư trong nước. Để được thành lập công ty quản lý quỹ, công ty QLQNN phải bảo đảm không bị xử lý vi phạm các quy định về hoạt động chứng khoán và các quy định khác của nước ngoài trong vòng 3 năm liền kề trước khi được thành lập; đang quản lý lượng tài sản là chứng khoán tối thiểu 300 triệu USD. Và để được thành lập chi nhánh tại VN, công ty QLQNN phải bảo đảm điều kiện là công ty quản lý quỹ có tối thiểu 3 năm kinh nghiệm trong quản lý quỹ đầu tư đại chúng và giá trị thị trường của các quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng mà công ty đang quản lý tối thiểu là 500 triệu USD.