Dừng phân phối Apple
Tại đại hội cổ đông thường niên 2024 vừa qua, một vấn đề được thảo luận sôi nổi là PSD sẽ dừng kinh doanh các dòng sản phẩm Apple non-iPhone (không phải iPhone như Ipad, iMac, Macbook), sau nhiều năm làm đại lý phân phối.
Ông Vũ Tiến Dương, Tổng giám đốc PSD cho biết, Apple ký hợp đồng phân phối với công ty mẹ của PSD là Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) từ tháng 6/2020. Sau đó, PSD được Petrosetco giao phân phối mảng non-iPhone, trong khi Công ty cổ phần Phân phối Sản phẩm Công nghệ cao Dầu khí (PHTD) được phân phối các sản phẩm iPhone của Apple.
Sau khoảng thời gian kinh doanh các sản phẩm non-iPhone, PSD nhận thấy cách phân chia đó không phù hợp và không mang lại hiệu quả. Doanh thu từ các sản phẩm iPhone lớn hơn nhiều so với non-iPhone, đặc biệt năm 2023, thị trường không thuận lợi khiến cho việc kinh doanh non-iPhone gặp khó khăn.
Lãnh đạo PSD chia sẻ, các sản phẩm “táo khuyết” chỉ đóng góp về doanh thu cho PSD, còn lợi nhuận không đáng kể, thậm chí lỗ nhẹ. Vậy nên, từ năm nay, Công ty sẽ chuyển các sản phẩm của Apple sang cho PHTD phân phối. Quyết định này còn có hai lý do khác.
Thứ nhất, sản phẩm iPhone có tính mùa vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau, thời gian đó để iPhone bán kèm các sản phẩm non-iPhone sẽ mang lại hiệu quả, còn các tháng 7, 8, 9 là mùa “back to school” (tựu trường) thì non-iPhone sẽ bán được nhiều hơn. Do đó, việc tách bạch 2 đơn vị phân phối khiến các sản phẩm không có sự tương tác với nhau, đồng thời ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận mảng non-iPhone của PSD.
“Cần nhập lại cho một đơn vị vừa bán iPhone, vừa bán non-iPhone để hai mảng hỗ trợ nhau, nên chúng tôi quyết định chuyển non-iPhone sang cho một đơn vị khác của Petrosetco phân phối”, ông Dương nói.
Thứ hai, trên thị trường hiện nay, 2 đối thủ cạnh tranh rất lớn với nhau là Apple và Samsung. PSD đang là nhà phân phối độc quyền với Samsung nên khi PSD làm với Apple, Samsung cũng có sự quan ngại. Đơn cử, dòng sản phẩm non-iPhone của Apple có iPad cạnh tranh trực tiếp với Tablet của Samsung nên phần nào gây sức ép cho PSD.
Không thể phủ nhận, từ khi có sự đóng góp của Apple, doanh thu mảng công nghệ thông tin (IT - chủ yếu là điện thoại) của PSD tăng trưởng liên tục. Đặc biệt, năm 2021, nhờ nhu cầu làm việc và học online tăng đột biến, việc phân phối các dòng sản phẩm laptop và máy tính bảng tăng cao, tạo ra kỷ lục doanh thu mảng IT của PSD, đạt 5.545 tỷ đồng (so với 3.166 tỷ đồng năm 2020).
“Thực ra, non-iPhone cũng mang lại doanh thu, nhưng điều quan trọng là phải vừa có doanh thu vừa có lợi nhuận, đặc biệt với mảng non-iPhone thì Apple không có chính sách bảo vệ giá như các hãng máy tính khác. Các hãng máy tính khi có chương trình khuyến mãi sẽ bảo vệ giá cho nhà phân phối, nhưng Apple thì không. Đó là rủi ro cho PSD nên nhập lại 2 mảng để kinh doanh tốt hơn”, ông Dương nhấn mạnh.
Tìm hướng bù đắp
Ngành hàng IT dự kiến vẫn sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận chính cho PSD trong năm 2024, sau khi chia tay Apple.
Năm 2023, hoạt động phân phối của PSD đối mặt với nhiều thách thức, nhu cầu thị trường giảm mạnh do thiết bị đã mua sắm trong thời gian dịch Covid-19 còn sử dụng được trong vài năm, khiến doanh thu, lãi ròng của Công ty lần lượt giảm 23% và 44%, xuống 6.938 tỷ đồng và 63 tỷ đồng.
Năm 2024, PSD đặt mục tiêu đạt doanh thu 7.203 tỷ đồng, tăng 4% và lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2023. Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, PSD vừa phải bù đắp khoảng trống từ Apple, vừa phải tìm ra động lực tăng trưởng mới.
Trong cơ cấu doanh thu của PSD trước đây, mảng điện thoại Samsung chiếm 60% và IT chiếm 40%, nhưng giờ đây ngược lại, IT chiếm đến 70%, còn điện thoại giảm xuống 30%.
Với ngành hàng điện thoại Samsung, sau khi đạt đỉnh doanh thu vào năm 2020 với 5.200 tỷ đồng, thì nhiều năm trở lại đây, mảng này có dấu hiệu bão hoà và giảm về gần 1.912 tỷ đồng vào năm 2023. Hiện tại, mảng này được PSD đánh giá “tương đối ổn định”, dự kiến mang lại doanh thu 2.000 - 2.500 tỷ đồng trong năm 2024, nên khó có thể bù đắp cho sự thiếu hụt từ Apple.
Trong ngành hàng IT, ông Vũ Tiến Dương đánh giá, từ đầu năm 2024 đến nay, mảng này chưa có sự cải thiện rõ nét, nhưng triển vọng tương đối khởi sắc, bởi sau giai đoạn sử dụng từ 2021 - 2023, hy vọng năm 2024 sẽ có đợt thay đổi thiết bị mới, cùng với mùa tựu trường sắp tới sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Do đó, PSD dự kiến doanh thu ngành hàng IT năm nay sẽ đạt khoảng 4.000 tỷ đồng.
Trước đây, Dell, Apple, Lenovo và Asus là 4 nhãn hàng chủ chốt trong ngành hàng IT của PSD. Như vậy, sau khi chia tay Apple, gánh nặng trong mảng IT có thể sẽ được PSD san sẻ cho các nhãn hàng khác. Trong các nhãn hàng này, PSD đang chiếm gần 30% thị phần của Dell (trong 5 nhà phân phối), 40% thị phần của Lenovo (trong 3 nhà phân phối), nhưng hãng Asus thì thấp hơn. Mới đây, PSD được Dell chỉ định là nhà phân phối cho mảng server (máy chủ) và storage (lưu trữ); Lenovo chỉ định PSD làm mảng B2B, kỳ vọng đóng góp vào kết quả kinh doanh chung và mang tính lâu dài hơn.
Ngoài ra, những năm gần đây, PSD mở rộng phân phối thêm các sản phẩm thuộc ngành hàng điện tử, điện máy (CE), thông qua mua 51% cổ phần Công ty cổ phần Công nghệ điện lạnh Bình Minh vào cuối năm 2016. Trong những năm đầu, PSD liên tục cơ cấu lại ngành hàng phân phối, giải quyết hàng tồn kho lâu ngày, khó bán dẫn đến thua lỗ. Đến nay, công ty con đó mới dần đạt đến điểm hoà vốn.
So với mảng điện thoại và IT, mảng CE chiếm chưa tới 5% cơ cấu doanh thu của PSD năm 2023. Nhưng năm 2024, PSD muốn tăng tỷ trọng mảng CE lên 6,9% (so với kế hoạch doanh thu), đạt 500 tỷ đồng và lợi nhuận từ 4 - 5 tỷ đồng. Trong giai đoạn tới, PSD muốn đưa ngành hàng CE trở thành ngành hàng quan trọng, song song với IT và điện thoại.
Theo Ban lãnh đạo PSD, đầu năm 2024, Công ty có thêm thương hiệu mới trong ngành hàng CE như Aqua, Daikin; đồng thời mở thêm dự án cho thiết bị Samsung như tivi cho khách sạn, nhà hàng; thiết bị chiếu trong phòng họp…, kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực vào tổng doanh thu.
Bên cạnh khả năng tăng trưởng, chi phí lãi vay cũng là băn khoăn của một số cổ đông PSD khi năm 2023 tăng gấp đôi so với năm 2022, lên mức 114,3 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, toàn bộ các khoản nợ vay của PSD là ngắn hạn, với 1.527,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo PSD, kiểm soát chi phí tài chính chủ yếu phải kiểm soát chi phí hàng tồn kho. Cuối năm 2023, hàng tồn kho đã được PSD đưa về mức hợp lý với 863,7 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối năm 2022, giúp vòng quay hàng tồn kho đạt 5,62 lần (tương đương các doanh nghiệp cùng ngành).
Một vấn đề khác đáng lưu ý là biến động tỷ giá, nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng sẽ duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Với đặc thù là doanh nghiệp phân phối, tỷ giá có ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của PSD, bởi Công ty phải mua hàng bằng ngoại tệ, nhưng bán bằng tiền đồng.