Ảnh minh họa.
Loạn giá dịch vụ lấy lại tài khoản
Khoảng 1 tuần nay, hàng trăm ngàn tài khoản Facebook Việt Nam bị tạm ngừng tài khoản. Lý do có thể là, nhiều tài khoản đã share (chia sẻ) link video có chứa hình ảnh nhạy cảm liên quan đến trẻ em.
Ngay sau sự cố này, trên nhiều fanpages, diễn đàn xuất hiện dịch vụ “lấy lại nick (tài khoản - PV) Facebook”. Một tài khoản có tên là “Dịch vụ Facebook” đăng: “Nhận lấy lại nick Facebook trong 30 ngày với giá 500k, 20 ngày giá 1 triệu đồng, 10 ngày giá 5 triệu đồng”; tài khoản H.K.K rao: “nhận mở nick nhanh, giá 2 triệu/nick. Yêu cầu mail gốc, số điện thoại, chứng minh nhân dân chính chủ”…
Thậm chí, có nơi còn cam kết mở lại tài khoản trong 3 ngày với giá 20 - 30 triệu đồng/ tài khoản, kể cả tài khoản tích xanh (dấu xác nhận chính chủ của Facebook cung cấp cho các fanpage, tài khoản cá nhân)…
Nguy hiểm là, các dịch vụ này đều yêu cầu cung cấp mật khẩu, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu… đồng nghĩa với việc đưa toàn bộ thông tin, hình ảnh của mình cho người không quen biết. Điều này có thể dẫn đến rủi ro rất cao.
Anh Hoàng Anh Tuấn, chuyên gia bảo mật của một công ty tại Hà Nội phân tích, sẽ có 2 tình huống mang lại rủi ro cao cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ này. Thứ nhất, người dùng được đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển khoản trước, đưa đầy đủ thông tin cá nhân và sau khi nhận được tiền, thông tin, kẻ lừa đảo sẽ chặn, block điện thoại, tài khoản của người dùng. Thứ hai, những kẻ lừa đảo sẽ vào dữ liệu, email… lấy các hình ảnh, thông tin cá nhân để tống tiền nạn nhân.
Đây là tình huống có thực đã xảy ra tại Hà Nội cách đây không lâu. Cơ quan điều tra đã bắt giữ chủ tài khoản “Căn Nguyên” khi đối tượng này nhận lấy lại tài khoản Facebook chuyên bán mỹ phẩm xách tay của H.A (sinh năm 1988, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội). Sau khi có được thông tin của chị H.A, chủ tài khoản “Căn Nguyên” yêu cầu chị chuyển số tiền 1,1 tỷ đồng và chiếm đoạt.
Không dễ lấy lại tài khoản
Việc lấy lại tài khoản Facebook không dễ, nhất là những tài khoản mà Facebook cho là có hành vi vi phạm đến trẻ em. Hành vi này bị Facebook xếp vào lỗi rất nặng và có thể sẽ khóa tài khoản vĩnh viễn. Trong bộ tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, có các mục quy định rõ: cấm lan truyền hình ảnh khỏa thân người lớn và hoạt động tình dục, đặc biệt nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ vị thành niên.
“Người dùng có thể chủ động gửi giấy tờ tùy thân theo quy định của Facebook, nhưng vì đã vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng này, thì khả năng được mở tài khoản là rất thấp. Vì vậy, việc lấy lại được nick Facebook là rất khó; người sử dụng dịch vụ lấy lại tài khoản dễ bị lừa đảo, mất tiền, mất thông tin cá nhân”, ông Tuấn đánh giá.
Hơn nữa, khi giao thông tin cho người khác, sẽ khó có cơ hội khiếu nại thành công, bởi hệ thống sẽ nhận dạng được thiết bị lạ cũng như địa chỉ IP không trùng khớp với lưu trữ từ lịch sử phiên đăng nhập trước đây. Mặt khác, việc truy quét vi phạm hiện nay do trí tuệ nhân tạo (AI) của Facebook đảm trách và tự đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu nạp sẵn, nhân sự chỉ thực hiện xem xét lại đối với các trường hợp còn nghi vấn hoặc xử lý khiếu nại từ người dùng.
Theo các chuyên gia, người dùng cần tránh xa clip “nhạy cảm”, hay nhấp vào các đường link lạ được gửi tới tài khoản của mình; không chia sẻ các hình ảnh hay nội dung đồi truỵ. Tài khoản cần bật xác thực 2 yếu tố khi đăng nhập, bật cảnh báo đăng nhập, thiết lập mật khẩu mạnh và thêm liên hệ tin cậy khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, không nên chia sẻ mật khẩu, chứng minh nhân dân cho người không đáng tin cậy khi nhờ hỗ trợ.
“Mọi người nên cẩn trọng, không vội tin và nghe lời của kẻ xấu, kẻo tiền mất tật mang; đồng thời, nên hạn chế share link xấu, đặt mật khẩu có độ khó cao, bảo mật hai bước; tránh thường xuyên đổi IP và thiết bị để vào tài khoản Facebook”, chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu khuyến cáo.
Bài viết vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng Facebook là những bài có nội dung được Facebook cho là có liên quan đến các vấn đề sau:
- Ảnh khỏa thân hoặc nội dung khiêu dâm khác.
- Ngôn từ kích động thù địch, đe dọa có thể xảy ra hoặc tấn công trực tiếp một cá nhân hay một nhóm.
- Nội dung chứa bạo lực quá mức hoặc tự làm hại bản thân.
- Trang cá nhân giả hoặc mạo danh.
- Spam.