Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS): Lợi nhuận 9 tháng vượt kế hoạch năm

Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS): Lợi nhuận 9 tháng vượt kế hoạch năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS - sàn HNX) mới công bố BCTC hợp nhất quý III và luỹ kế 9 tháng năm 2023.

Trong quý III, doanh thu thuần PVS đạt 4.175,5 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn cũng tăng đến 21% lên 3.994,9 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm 10%, về còn 180,6 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 5,8% về còn 4,3%.

Kỳ này, doanh thu tài chính của PVS tăng 56%, đạt 211,4 tỷ đồng. Các chi phí trong kỳ cũng đồng loạt tăng mạnh với chi phí tài chính tăng tới 138% lên 46,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 18%, lên 22 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 55%, lên 261,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty có khoản lỗ khác 21,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 8,1 tỷ đồng.

Kết quả, Công ty lãi sau thuế hợp nhất 143,6 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 141 tỷ đồng, giảm 27%.

Luỹ kế 9 tháng 2023, PVS mang về 12.591 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu dịch vụ tàu kỹ thuật dầu khí đạt 1.124,6 tỷ đồng; dịch vụ FSO và FPSO đạt 1.297,2 tỷ đồng; dịch vụ cơ khí, đóng mới và xây lắp đạt 7.085 tỷ đồng; dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí biển đạt 1.222,2 tỷ đồng… Nhờ đó, Công ty lãi sau thuế 606,2 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, PVS đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 13.200 tỷ đồng, giảm 22,7% so với thực hiện năm trước và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 560 tỷ đồng, giảm 40,7% so với năm 2022. Như vậy, với kết quả trên, PVS đã hoàn thành đến 95% mục tiêu doanh thu và vượt hơn 8% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tính đến cuối quý III, quy mô tài sản của PVS đạt 28.564,2 tỷ đồng, tăng 10,6% so với hồi đầu năm, Trong đó, Công ty sở hữu hơn 11 tỷ đồng tiền mặt và 3.183 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là hơn 5.183,4 tỷ đồng.

Khoản phải thu ngắn hạn khách hàng của PVS còn tới 5.883,6 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với đầu năm. Trong đó, phần lớn đến từ Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí 1.746 tỷ đồng; PTSC Asia Pacific Private Limited 1.439,2 tỷ đồng; Tổng Công ty Khí Việt Nam 330,1 tỷ đồng; North Oil Company 295,5 tỷ đồng… Công ty cũng có 535,3 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác là các khoản trích trước doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.

Hàng tồn kho của PVS còn 1.442 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ, phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và nguyên vật liệu. Đối với chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chủ yếu gồm các dự án: Hải Long OSS (265 tỷ đồng); Dự án Tổ hợp Hoá dầu Miền Nam (197,5 tỷ đồng); Dự án gia công kết cấu thép cho GE (52,8 tỷ đồng); Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 (30,8 tỷ đồng); Kho chứa LNG Thị Vải (23,8 tỷ đồng)…

Ở bên kia bảng cân đối, PVS còn 15.164,7 tỷ đồng các khoản nợ phải trả, phần lớn là nợ ngắn hạn. Riêng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Công ty còn 788 tỷ đồng và hơn 606 tỷ đồng.

Đánh giá về cổ phiếu PVS, TPS cho biết triển vọng giá dầu trung bình dự báo ở mức trên 70 USD/thùng là động lực cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí (E&P) trên toàn cầu tăng tốc hơn nữa trong thời gian tới. Điều này sẽ tạo ra cơ hội bứt phá kết quả kinh doanh cho PVS trong hoạt động xây lắp cơ khí, công trình biển (M&C)...

Ngoài ra, dự án Lô B - Ô Môn, loạt dự án khai thác dầu khí mới tại Việt Nam cũng sẽ sớm được triển khai (Lạc Đà Vàng A&B, Sư Tử Trắng 2B, Nam Du U Minh) sẽ góp phần tạo ra khối lượng công việc lớn mảng M&C cho dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong giai đoạn 2024 – 2027 của PVS.

Trên thị trường chứng khoán, PVS ghi nhận mức giảm hơn 2,8% trong tuần qua. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10, PVS có giá 37.100 đồng/CP. Tuy nhiên, xét từ đầu năm, PVS nhận được nhiều kỳ vọng tích cực từ hiệu ứng dự án Lô B – Ô Môn giúp cổ phiếu tăng tới hơn 76,6%.

Tin bài liên quan