Hộ gia đình chị Hoàng Thị Phương, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, tập trung phun khử trùng nhằm phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN
Đặc biệt, trong tháng 10/2020, dịch tả lợn châu Phi đã khiến các cơ quan chức năng địa phương phải tiêu hủy gần 18.000 con lợn, tăng gấp 2 lần so với tháng 9 và gấp gần 5 lần so với tháng 7, tháng 8. Chỉ tính riêng trong 10 ngày đầu tháng 11, số lợn phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi đã là gần 3.500 con.
Tuy dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tiếp tục phát sinh, lây lan rất cao cộng với vừa qua nhiều tỉnh miền Trung bị thiệt hại tương đối lớn về chăn nuôi do mưa lũ nhưng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng so với tỷ trọng đàn gia súc, gia cầm cả nước thì không lớn.
Với khoảng 3,3 triệu con gia cầm bị thiệt hại ở miền Trung chỉ tương đương 0,6% đàn gia cầm cả nước (hiện cả nước có khoảng 520 triệu gia cầm); thiệt hại khoảng 95.000 con gia súc; trong đó, có khoảng 80.000 con lợn trong khi thời gian qua toàn ngành đã tập trung vào phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, tăng đàn, tái đàn lợn trên cả nước đạt 26,12 triệu con, tương đương 85% đàn lợn so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, vấn đề lớn nhất hiện này là tái thiết sản xuất sau mưa lũ ở miền Trung để đảm bảo nguồn cung ở miền Trung, đồng thời góp phần đảm bảo nguồn cung cả nước. Thời gian vừa qua, hiệu quả từ giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học đã giúp đẩy nhanh việc tái đàn, tăng đàn và đạt trên 29% so với đầu năm, góp phần đưa giá thịt lợn đi xuống. Như vậy, nguồn cung thịt lợn trong nước đã chủ động được bằng các giải pháp căn cơ là an toàn dịch bệnh và tái đàn.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, bệnh dịch tả lợn châu Phi cơ bản vẫn được kiểm soát. Thời gian qua dịch bệnh chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trung bình khoảng 6 con/hộ, không bảo đảm các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học; tập trung nhiều tại các tỉnh phía Tây Bắc.
Virus dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, lưu hành rộng trong quần thể, môi trường tại các ổ dịch cũ. Hiện nay, thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lũ trên diện rộng rất dễ lây lan dịch bệnh; trong khi bệnh chưa có vắc xin, đường truyền lây phức tạp, khó kiểm soát.
Một số hộ vẫn sử dụng trực tiếp thức ăn cho lợn từ nguồn thức ăn thừa thu gom tại các nhà hàng, bếp ăn của khu công nghiệp mà không qua xử lý nhiệt; sử dụng nước ao, hồ, kênh, mương chưa qua xử lý để tắm cho lợn, cho lợn uống.
Do giá lợn rất cao từ đầu năm đến nay nên người chăn nuôi tập trung tăng đàn, tái đàn trong điều kiện chăn nuôi có độ an toàn thấp, khó áp dụng các biện pháp phòng dịch bền vững. Người chăn nuôi vẫn còn mua lợn giống không có nguồn gốc rõ ràng, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển của cơ quan thú y. Bên cạnh đó, việc quản lý, đăng ký kê khai tái đàn từ cấp xã thực hiện chưa tốt, một bộ bận người chăn nuôi còn chậm báo cáo dịch, tự chữa trị với hy vọng khắc phục thiệt hại phần nào vì giá lợn rất cao trong khi chưa rõ ràng về mức hỗ trợ tiêu hủy.
Ông Nguyễn Văn Long còn cho biết, nhiều tỉnh, thú y cấp huyện không còn, mạng lưới thú y cơ sở mỏng, yếu nên việc giám sát, quản lý dịch bệnh thực hiện chưa tốt; chính quyền một số địa phương chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực thú y…
Ông Nguyễn Văn Long nhận định nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao. Đặc biệt khi những tháng cuối năm, việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng phục vụ nhu cầu cao; trong khi thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, thời gian tới rét đậm, rét hại gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh có thể gây bùng phát dịch.
Từ đầu năm đến ngày 10/11, cả nước xảy ra 1.321 ổ dịch; trong đó, có 458 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020, 27 ổ dịch phát sinh mới và 836 ổ dịch tái phát tại 300 huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 73.615 con, tổng trọng lượng khoảng 3.680 tấn.