Riêng tại Trung Quốc, sự mất kết nối tại thị trường bất động sản nơi đây càng rõ ràng hơn bao giờ hết. Trước khi dịch bệnh do virus Corona xuất hiện, thị trường bất động sản thương mại Trung Quốc và thị trường đầu tư bất động sản dường như ở 2 thế giới song song.
Cụ thể, năm 2019, các giao dịch đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản Trung Quốc đạt giá trị hơn 45 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước đó. Đáng chú ý, riêng 3 quý đầu năm 2019, Thượng Hải đã trở thành địa điểm đón nhận dòng vốn đầu tư vào bất động sản lớn thứ ba trên thế giới, góp phần đáng kể giúp các giao dịch xuyên biên giới tại thị trường bất động sản châu Á tăng 34%, con số ấn tượng hơn nhiều so với mức chỉ 14% năm 2009, theo số liệu mới được JLL công bố.
Thị trường bất động sản bán lẻ của Trung Quốc thậm chí còn lội ngược dòng so với xu hướng suy giảm hoạt động đầu tư tại thị trường toàn cầu. Theo Real Capital Analytics, Bắc Kinh, Thượng Hải và Thiên Tân đều là các thành phố chứng kiến số lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh trong 9 tháng năm 2019.
Trong khi đó, tại thị trường bất động sản văn phòng, cho thuê… bóng mây u ám lại bao trùm. Mối lo ngại xuất phát từ chiến dịch phòng chống tham nhũng, xiết chặt đầu cơ, giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy và xung đột thương mại Mỹ - Trung khiến tỷ lệ hấp thụ diện tích văn phòng cho thuê giảm 25% năm 2019 so với năm trước đó, theo số liệu của CBRE.
Việc tỷ lệ cho thuê giảm xuống càng nhấn mạnh vấn đề dư thừa nguồn cung trên thị trường, đặc biệt tại Thượng Hải. Báo cáo tháng 1/2020 của Savills cho thấy, tại 16 thành phố lớn, hơn 6,7 triệu m2 văn phòng hạng A đã được cung cấp thêm ra thị trường trong năm ngoái, tăng hơn 40% so với năm trước đó. Điều này dẫn tới tỷ lệ diện tích trống trên tổng diện tích tăng lên mức trước khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra.
Ngay cả tại một số phân khúc mang tính ổn định hơn như bất động sản bán lẻ, tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm thương mại cũng giảm tại đa số các thành phố lớn, xuất phát từ sự lo lắng của nhà kinh doanh trước biến động thị trường và cung vượt quá cầu.
Trong bối cảnh này, dịch bệnh do virut Corona bùng phát càng gây ra các đứt gãy lớn với nền kinh tế, tác động bất ngờ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, từ đó gia tăng tâm lý cẩn trọng đối với nhà đầu tư bất động sản, nhất là nhà đầu tư nước ngoài - đối tượng đang là động lực tăng trưởng chính tại thị trường bất động sản nơi đây.
Các nhà đầu tư tại thị trường bất động sản Trung Quốc hiện tại sẽ chú tâm hơn tới các yếu tố cơ bản, khi nhiều hoạt động kinh tế bị đình trệ bởi dịch bệnh bùng phát. Theo đó, thị trường bất động sản bán lẻ là phân khúc chịu tổn hại đầu tiên và lớn nhất, khi doanh số bán hàng tại các trung tâm mua sắm giảm sút, giá cho thuê xuống dốc. Tiếp theo đó là bất động sản khu công nghiệp và logistic, khi hàng loạt nhà xưởng đang tạm đóng cửa, hoạc các doanh nghiệp lớn dần dịch chuyển hoạt động sản xuất ra bên ngoài Đại lục.
Thực tế, hoạt động đầu tư bất động sản tại Trung Quốc dựa trên tầm nhìn dài hạn, bao gồm dân số lớn, tốc độ đô thị hoá nhanh, công nghệ phát triển và tăng trưởng tiêu dùng. Các yếu tố này vẫn được giữ vững. Tuy nhiên, việc dịch bệnh do virut Corona bùng phát giúp bộc lộ rõ những đứt gãy trên thị trường, trở thành “bài kiểm tra” mức độ sáng suốt của nhà đầu tư, từ đó phần nào đưa sự hưng phấn trên thị trường dần trở về mặt đất.