Dịch bệnh càng kéo dài, hệ lụy tới kinh tế càng lớn.
Có rất nhiều con số khiến thế giới phải quan tâm khi tới sáng qua (25/2), số ca nhiễm bệnh trên toàn cầu đã tăng lên 80.088 người, trong đó 2.699 người tử vong, tăng 80 người so với ngày trước đó. Ở Hàn Quốc, dịch bệnh lan nhanh, với tổng số 893 người nhiễm, trong đó có 9 người tử vong.
Tại Việt Nam, dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, nhưng tốc độ lan nhanh trên toàn cầu cho thấy, dịch Covid -19 còn diễn biến rất khó lường, do đó, càng phải siết chặt việc kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh.
Dịch bệnh càng kéo dài, hệ lụy tới kinh tế càng lớn. Trước, Việt Nam chỉ lo ảnh hưởng kinh tế do đối tác Trung Quốc, giờ đã xuất hiện thêm những mối lo mới đến từ các đối tác Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…
Tới cuối tuần này, các số liệu thống kê về tác động của dịch Covid-19 mới được công bố, song những thông tin ban đầu cho thấy, tác động của Covid- 19 tới kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn dự liệu trước đó. Xuất nhập khẩu chắc chắn bị ảnh hưởng; thu hút đầu tư nước ngoài (cả vốn đăng ký lẫn vốn giải ngân) cũng bị tác động; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động sản xuất tăng cao… Đó mới chỉ là những tác động được lường trước do sự “đứt gãy” giao thương với thị trường Trung Quốc trong mấy chục ngày qua.
Nếu dịch bệnh ở Hàn Quốc lan rộng, thì hệ lụy tới kinh tế Việt Nam còn lớn hơn nữa. Lo ngại tình hình dịch bệnh lan nhanh ở Hàn Quốc, nhiều du khách Việt đã dồn dập báo hủy tour cho dù “mùa” du lịch sang Hàn Quốc - thị trường du lịch nước ngoài lớn của doanh nghiệp Việt - sắp bắt đầu.
Không chỉ là du lịch, số lượng công dân Hàn Quốc đang sống và làm việc tại Việt Nam không hề nhỏ. Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Công dân Việt Nam sống ở Hàn Quốc cũng nhiều. Hàn Quốc còn là thị trường thương mại lớn khi năm ngoái, Việt Nam xuất sang Hàn Quốc 19,72 tỷ USD, nhập khẩu 46,93 tỷ USD.
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đang nhập khẩu một số lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào từ thị trường này. Samsung là một thí dụ. Do khó khăn trong thông quan hàng hóa với Trung Quốc, nên nhà đầu tư này đã chuyển hướng nhập khẩu một số nguyên liệu từ Hàn Quốc, vận chuyển về bằng đường hàng không. Khi dịch bệnh ở Hàn Quốc lan rộng và kéo dài, tất yếu sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhà đầu tư Hàn Quốc này tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, “nhiệm vụ kép” mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh trong các cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 ngày 24/2, cũng như tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia ngày 25/2 là vô cùng nặng nề. Chống dịch đã khó, nhưng tránh những tác động, làm sao để nền kinh tế vẫn giữ được nhịp điệu phát triển sẽ càng khó hơn.
Thậm chí, Thủ tướng đã đặt câu hỏi rằng, có loại “vaccine” nào để nền kinh tế Việt Nam ứng phó “căn bệnh” sụt giảm kinh tế, để có thể đạt mục tiêu kép, là vừa chống dịch Covid-19, vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng kinh tế hay không. Đây là bài toán hóc búa trong bối cảnh kinh tế quốc tế, kinh tế khu vực và những đối tác quan trọng của Việt Nam sụt giảm đà tăng trưởng.
Cho dù là bài toán hóc búa, nhưng vẫn phải tìm lời giải. Dư luận, cộng đồng doanh nghiệp, nhóm những doanh nghiệp, người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đang chờ đợi những quyết sách của Chính phủ, làm sao sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này, từ đó phục hồi sản xuất - kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng kinh tế.