Nhân viên phục vụ thực khách tại một nhà hàng ở Paris, Pháp ngày 28/10/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Dịch COVID-19 đã tác động lên nền kinh tế của nhiều quốc gia, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại châu Âu tăng mạnh thì lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm.
Dịch COVID-19 khiến tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nước châu Âu tăng mạnh
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 10/11, tỷ lệ thất nghiệp tại Anh trong quý 3 đã lên mức kỷ lục 4,8%.
Theo phóng viên TTXVN tại London, số người thất nghiệp trong quý 3 là 314.000 người, tăng 195.000 người so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 181.000 người so với quý trước.
Số người mất việc làm trong quý 3 vượt cả mức kỷ lục theo quý được ghi nhận sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Trong khi đó, số liệu theo tuần cho thấy số việc làm bị cắt giảm mạnh nhất trong 2 tuần đầu của tháng 9. Chuyên gia kinh tế Ruth Gregory của Capital Economics dự báo trong bối cảnh lệnh phong tỏa thứ 2 tại vùng England sẽ tác động mạnh đến phục hồi kinh tế Anh, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên khoảng 9% trong năm tới.
Trước đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên mức 6,3% vào cuối năm nay và lên mức đỉnh điểm gần 8% vào quý 2 năm tới.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak thông báo nước này đã quyết định gia hạn chương trình hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đến tháng 3/2021.
Theo đó, hàng triệu lao động làm việc trong lĩnh vực tư nhân trên toàn nước Anh được hỗ trợ tới 80% lương. BoE ước tính khoảng 5,5 triệu lao động sẽ cần sự hỗ trợ của chương trình khi Anh áp đặt lệnh phong tỏa tại vùng England trong tháng này, cao hơn so với mức hơn 2 triệu người trong tháng 10.
Ông Tej Parikh, nhà kinh tế trưởng tại Viện các Giám đốc (IoD), nhận định vào mùa Thu, các nhà tuyển dụng đối mặt với các quyết định khó khăn trong việc giữ chân nhân viên khi sự hỗ trợ của chính phủ có nguy cơ giảm đi. Theo ông, mặc dù chương trình hỗ trợ của chính phủ đã được gia hạn, nhưng sự thay đổi này dường như quá muộn với một số người.
Tại Pháp, Cơ quan thống kê quốc gia INSEE thông báo tỷ lệ thất nghiệp trong quý 3 đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm trong bối cảnh nền tế lớn thứ hai Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phải chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.
Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 7,1% trong quý 2 lên 9% trong quý 3, mức cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào vào năm 1975. Nguyên nhân chính là do người dân khó tìm được việc làm khi Pháp áp lệnh phong tỏa từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5 do dịch bệnh.
Điều này khiến mục tiêu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 7% trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2022 trở nên xa vời.
Cùng ngày, phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Lao động Áo Christine Aschbacher xác nhận việc Áo phải đóng cửa một phần các doanh nghiệp trong tháng này đã khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Theo đó, trong số 370.981 người đăng ký thất nghiệp, có 437.421 người đang tìm việc làm, và số còn lại đang trong quá trình đào tạo. Con số này cao hơn 12.500 người tìm việc làm so với tuần trước.
Kinh tế Philippines giảm sâu hơn mức dự báo
Kinh tế Philippines trong quý 3 vừa qua đã giảm sâu hơn mức dự báo do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, số liệu chính thức công bố ngày 10/11 cho thấy tác động của đại dịch đã được giảm bớt sau khi chính phủ nước này dần nới lỏng các biện pháp hạn chế vốn được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Theo số liệu của cơ quan thống kê, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Philippines trong quý 3 đã giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm sâu hơn dự báo của hãng tin Reuters (9,8%).
Người dân tại tỉnh Manila, Philippines. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Tuy nhiên, nếu tính theo quý, GDP trong quý 3 đã tăng 8% so với quý trước đó sau khi Chính phủ Philippines dần nới lỏng các biện pháp hạn chế từ giữa tháng 5 nhằm giảm bớt thiệt hại kinh tế. Trước đó, GDP trong quý 2 đã giảm tới 15,2%.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Philippines, quốc gia được đánh giá là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong những năm gần đây, sẽ giảm 6,9% trong năm nay, mức giảm mạnh nhất kể từ những năm 1980. Tuy nhiên, Chính phủ Philippines dự báo mức giảm ít hơn, khoảng từ 4,5% đến 6,6%.
Philippines có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á. Do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, Philippines đã áp đặt một trong những lệnh phong tỏa kéo dài và nghiêm ngặt nhất thế giới vào đầu năm nay, khiến nền kinh tế trong giai đoạn từ tháng 4-6 rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong vòng gần 30 năm qua.
Chính phủ Philippines cũng đã phải đưa ra các biện pháp cứu trợ khẩn cấp để thúc đẩy các dịch vụ y tế và trợ giúp doanh nghiệp.
Lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm
Tại Trung Quốc, giá thực phẩm giảm đã kéo lạm phát tiêu dùng của nước này trong tháng 10 vừa qua xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm. Theo các số liệu chính thức công bố ngày 10/11, giá thực phẩm giảm chủ yếu là nhờ nguồn cung thịt lợn được cải thiện.
Tổng Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10, thước đo lạm phát bán lẻ chủ chốt, đã tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng chậm hơn dự báo.
Đây là tháng thứ 3 liên tiếp Trung Quốc chứng kiến tốc độ tăng CPI chậm và ghi nhận mức lạm phát tiêu dùng thấp nhất kể từ tháng 10/2009.
Một nhà kinh tế cấp cao thuộc công ty Nomura cho rằng việc chỉ số lạm phát CPI giảm không có nghĩa là Trung Quốc đang trải qua tình trạng giảm phát, vì sự sụt giảm chủ yếu nhờ giá thịt lợn trong nước giảm.
Giá thịt lợn, loại thịt chủ yếu ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đã giảm xuống sau khi tăng vọt vào năm ngoái, thời điểm xảy ra dịch tả lợn châu Phi gây ảnh hưởng đến nguồn cung. Trong khi đó, một chuyên gia cấp cao thuộc NBS cho biết giá thịt lợn đã giảm lần đầu tiên sau 19 tháng tăng liên tiếp (giảm 2,8%).
Trung Quốc đã chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng kinh tế mạnh nhất trong lịch sử vào quý 1 năm nay sau khi chính phủ nước này áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19, và từ đó phải đối mặt với tình trạng không chắc chắn về nhu cầu toàn cầu trong khi nỗ lực thúc đẩy chi tiêu trong nước.