Dịch COVID-19: Anh bảo vệ chương trình tiêm chủng vắcxin

0:00 / 0:00
0:00
Vắcxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca phát triển có hiệu quả trong việc giảm đáng kể tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 cũng như có khả năng bảo vệ cao sau khi tiêm một liều duy nhất.
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN).

Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN).

Vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp phát triển có hiệu quả trong việc giảm đáng kể tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 cũng như có khả năng bảo vệ cao hơn sau khi tiêm một liều duy nhất.

Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu do Đại học Oxford thực hiện và công bố ngày 3/2, qua đó "minh oan" cho chiến dịch tiêm chủng của Chính phủ Anh.

Sự hoài nghi đã dấy lên trên khắp châu Âu, khi Pháp, Bỉ và Đức là 3 trong số các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt khuyến cáo vắcxin của Đại học Oxford/AstraZeneca chỉ nên tiêm cho người dưới 65 tuổi, dù Cơ quan Dược phẩm châu Âu khuyến nghị có thể tiêm vắcxin này cho tất cả người lớn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí còn cho rằng chế phẩm này "gần như không hiệu quả" ở những người ngoài 65 tuổi.

Ngày 3/2, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đã viện dẫn nghiên cứu của Đại học Oxford để bảo vệ chiến dịch tiêm chủng của nước này. Trao đổi với đài phát thanh BBC, Bộ trưởng Hancock nêu rõ: "Quan điểm của tôi là chúng ta nên lắng nghe các nhà khoa học... và giải đáp khoa học về vấn đề này đã khá rõ ràng. Với kết quả nghiên cứu mới nhất được công bố, rõ ràng rằng vắcxin của Đại học Oxford/AstraZeneca không chỉ hiệu quả mà còn phát huy tốt."

Ông cũng gọi kết quả nghiên cứu mới nhất của Đại học Oxford là một "thông tin tốt lành" khi vắcxin này làm chậm tốc độ lây lan của virus tới 70%, vì vậy hỗ trợ chiến lược tiêm chủng mà Anh đang triển khai.

Theo nghiên cứu của Đại học Oxford, mũi vắcxin đầu tiên có hiệu quả giảm các triệu chứng mắc COVID-19 đạt 76% sau 22 ngày chủng ngừa và có hiệu quả lên tới 90 ngày.

Và việc đợi 90 ngày để tiêm mũi thứ hai sẽ mang lại hiệu quả phòng bệnh cao hơn. Nghiên cứu này được thực hiện đối với 17.177 người tại Anh, Brazil và Nam Phi tính tới ngày 7/12/2020. Không có người tham gia khảo sát phải nhập viện.

Nghiên cứu này đã hỗ trợ cho chiến lược tiêm chủng vắcxin của Anh khi nỗ lực chủng ngừa nhiều mũi vắcxin đầu tiên của AstraZeneca cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao nhiều nhất có thể và cho phép khoảng cách tiêm giữa 2 mũi kéo dài 12 tuần.

Ngoài vắcxin của Đại học Oxford/AstraZeneca, vắcxin của Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức) cũng đang được triển khai tiêm chủng tại Anh song khoảng cách giữa 2 liều ngắn hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hancock khẳng định Anh tin rằng khoảng cách 12 tuần giữa hai liều là phù hợp đối với cả hai loại vắcxin trên.

Ngay sau tuyên bố của Bộ trưởng Hancock, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho rằng Anh đang "mạo hiểm" với chiến dịch tiêm chủng vắcxin.

Vắcxin của Đại học Oxford/AstraZeneca có chi phí sản xuất rẻ và đang được bán bằng giá vốn. Chế phẩm này cũng cần được bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh, trong khi vắcxin của Pfizer/BioNTech lại cần được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.

Tin bài liên quan