Lượng kiều hối về Việt Nam sụt giảm chủ yếu do tác động của Covid-19.
Doanh số kiều hối bị tác động
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM cho biết, doanh số kiều hối về Thành phố trong 7 tháng đầu năm nay đạt 3 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tại Việt Nam, năm 2019, lượng kiều hối đổ về khoảng 16,7 tỷ USD, riêng ở TP.HCM khoảng 5,3 tỷ USD. Liên tiếp 3 năm nay, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Minh, do ảnh hưởng của Covid-19, dự báo lượng kiều hối về TP.HCM trong năm 2020 sẽ giảm. Dịch bệnh khiến nhiều kiều bào mất việc, phải tạm nghỉ ở nhà, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, nên lượng kiều hối chuyển về cho người thân giảm.
Ông Lương Thanh Nghị, Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, cùng với các dự án đầu tư trong nước của kiều bào, kiều hối là nguồn lực quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Nguồn vốn này tăng liên tục những năm qua đã góp phần giúp Việt Nam tăng nguồn cung ngoại tệ và ổn định tỷ giá. Do đó, việc kiều hối giảm cũng tác động đến nền kinh tế.
Các công ty kiều hối tại TP.HCM cho biết, kiều hối trong 2 quý đầu năm 2020 giảm đáng kể, nhất là từ các thị trường xuất khẩu lao động như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Kiều hối từ các quốc gia truyền thống như Mỹ, Anh, Canada, Australia... cũng khó tránh khỏi sụt giảm, do ảnh hưởng của dịch bệnh lan rộng, kéo dài.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV nhận định, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 có thể giảm khoảng 10-15% so với năm 2019, nhưng sự sụt giảm trên thực tế có thể cao hơn, khoảng 15-17%, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến xấu.
Sẽ hồi phục khi dịch được kiểm soát
TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cũng nhận định, lượng kiều hối về Việt Nam sụt giảm chủ yếu do tác động của Covid-19. Vì vậy, khi dịch bệnh dần được kiểm soát và nhiều quốc gia bắt đầu nới lỏng cách ly xã hội, khôi phục hoạt động kinh tế, kiều hối sẽ tăng trở lại.
Theo đánh giá của giới phân tích tài chính, khi dịch bệnh được kiểm soát, khả năng nguồn kiều hối sẽ dần phục hồi trở lại, bởi kiều hối về Việt Nam không chỉ hỗ trợ cho người thân trong nước, mà còn chủ yếu chảy vào đầu tư, sản xuất. Các doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài về đầu tư tại Việt Nam chủ yếu từ các nước như Mỹ, Canada, Australia, Liên bang Nga, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Ba Lan, Thụy Sỹ... Các dự án đầu tư của kiều bào hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, thương mại, du lịch, xây dựng, bất động sản, nuôi trồng, chế biến thủy sản, công nghệ phần mềm...
Theo báo cáo công bố vào giữa tháng 4/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán, lượng kiều hối toàn cầu sẽ giảm khoảng 20% do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, trong đó khu vực Đông Á và Thái Bình Dương giảm 13%, chủ yếu do sụt giảm dòng tiền từ Mỹ - nguồn kiều hối lớn nhất của khu vực này. Kiều hối chảy về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được dự đoán sẽ giảm 19,7%, xuống còn 445 tỷ USD, gây tổn thất đến nguồn tài chính mang ý nghĩa sống còn đối với nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
WB dự báo, dòng kiều hối chảy vào tất cả các khu vực đều sẽ giảm, đáng chú ý nhất là châu Âu và Trung Á (27,5%), tiếp theo là châu Phi cận Sahara (23,1%), Nam Á (22,1%), Trung Đông và Bắc Phi (19,6%), Mỹ Latinh và Caribê (19,3%), Đông Á và Thái Bình Dương (13%). Năm 2020, lượng kiều hối chảy vào khu vực Nam Á được dự báo sẽ giảm 22%, xuống còn 109 tỷ USD, sau khi tăng 6,1% trong năm 2019.
Tuy nhiên, WB ước tính, năm 2021, lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6%, lên 470 tỷ USD. Nhưng triển vọng này phụ thuộc vào tác động của Covid-19 đối với tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, từ nay đến hết năm 2021, bệnh dịch vẫn tác động mạnh tới lượng kiều hối, vì vậy, sẽ không đạt được mức doanh thu của năm 2019. Doanh thu kiều hối sẽ phục hồi vào khoảng năm 2022.