Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại bang Selangor, Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN).

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại bang Selangor, Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN).

Dịch bệnh COVID-19: Malaysia tái áp đặt lệnh phong tỏa

0:00 / 0:00
0:00
Quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia cho biết Lệnh hạn chế di chuyển ban bố từ ngày 14/10/2020 không mang lại hiệu quả nên phải áp dụng biện pháp phong tỏa mạnh mẽ hơn.

Ông Noor Hisham, một quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này buộc phải tái ban bố Lệnh hạn chế di chuyển (MCO) từ ngày 13-26/1 tại nhiều địa phương do Lệnh hạn chế di chuyển có điều kiện (CMCO) không thể mang lại hiệu quả mong muốn.

Tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều 13/1, Tiến sỹ Noor Hisham cho biết Malaysia thực hiện CMCO từ ngày 14/10/2020, nhưng không mang lại hiệu quả, nên phải áp dụng biện pháp mạnh mẽ hơn.

MCO sẽ được thực hiện trong 2 tuần (13-26/1) và dài nhất là trong 4 tuần.

Ông Noor Hisham cũng thẳng thắn thừa nhận trong 2 tuần đầu thực hiện MCO, Malaysia có thể sẽ không thể giảm được số ca nhiễm mới hằng ngày mà chỉ hy vọng tránh được khả năng số ca mắc mới trong ngày tiếp tục tăng cao.

Sau 4 tuần thực hiện MCO, Malaysia hy vọng có thể giảm số ca nhiễm mới theo ngày xuống dưới 1.000 ca hoặc dưới 500 ca và tới tháng Năm, nước này có thể một lần nữa làm phẳng đường cong trên biểu đồ chống dịch COVID-19.

Trong ngày 13/1,Malaysia ghi nhận 2.985 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh, còn lại là lây nhiễm cộng động, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 144.518 ca.

Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cùng ngày cho biết nước này đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch COVID-19 khi số ca nhiễm và tử vong mới ở mức quá cao.

Về việc tiêm vắcxin ngừa COVID-19, Bộ trưởng Spahn cho biết hiện tại Đức đã tiêm chủng cho hơn 750.000 người kể từ khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vào cuối tháng 12/2020.

Vào mùa Hè tới, Chính phủ Đức hy vọng có thể chủng ngừa cho tất cả người dân nước này.

Đức hiện ghi nhận tổng số 1.961.520 ca nhiễm COVID-19, trong đó 43.431 ca tử vong.

Cùng ngày 13/1, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết nước này sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp đang được áp đặt nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan đến cuối tháng 4 tới sau khi số ca nhiễm mới hiện nay không có dấu hiệu giảm xuống.

Tình trạng khẩn cấp được ban hành lần đầu tiên tại Italy là tháng 1/2020 và dự kiến sẽ hết hạn vào cuối tháng này.

Italy hiện ghi nhận tổng cộng 79.819 ca tử vong do COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát tại nước này vào cuối tháng 2/2020. Đây là số ca tử vong cao thứ 2 tại châu Âu và cao thứ 6 trên thế giới. Italy hiện cũng có tổng số hơn 2.303.000 ca bệnh.

Tại Đan Mạch, Thủ tướng Mette Frederiksen ngày 13/1 cho biết nước này sẽ kéo dài các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Ông cho rằng quyết định trên là cần thiết vì có thể bảo đảm rằng biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Anh không lây lan vào nước này.

Các biện pháp hạn chế hiện nay tại Đan Mạch có hiệu lực đến ngày 17/1 tới. Tới nay Đan Mạch hiện ghi nhận 185.159 ca nhiễm trong đó 1.660 ca tử vong.

Thụy Sĩ ngày 13/1 cũng thông báo áp đặt các biện pháp hạn chế mới nhằm giảm khả năng tiếp xúc giữa mọi người do lo ngại số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gia tăng.

Theo đó, từ ngày 18/1 tới, người dân Thụy Sĩ bắt buộc phải làm việc tại nhà, những cửa hàng không bán đồ dùng hàng ngày sẽ phải đóng cửa và các cuộc tụ tập cá nhân sẽ bị hạn chế nghiêm ngặt hơn.

Dự kiến, những biện pháp hạn chế mới này sẽ có hiệu lực đến cuối tháng 2 tới. Thụy Sĩ hiện ghi nhận khoảng 485.000 ca nhiễm, trong đó hơn 7.750 ca tử vong. Thụy Sĩ đã ghi nhận 127 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2.

Tin bài liên quan