ĐHCĐ thường niên của CTCP Đầu tư và Thương mại DIC diễn ra vào sáng nay (24/6) đã thông kế hoạch kinh doanh năm 2016 với doanh thu hợp nhất 3.797 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 33,8 tỷ đồng, tăng lần lượt 27% và 29% so với thực hiện năm 2015. Cổ tức dự kiến 5-10%.
Năm 2016, HĐQT DIC định hướng đẩy mạnh sản xuất mặt hàng clinker nhằm thống lĩnh thị trường clinker trong nước và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, Công ty có kế hoạch thu hẹp kinh doanh mảng cao su.
Clinker, xi măng, thạch cao và đá vôi thương mại là mặt hàng kinh doanh chủ lực, chiếm hơn 70% doanh thu toàn công ty năm 2015, đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2014, nhưng chỉ bằng 89,6% kế hoạch đề ra.
Theo HĐQT DIC, nguyên nhân chính là do giá xi măng, clinker trong năm liên tục giảm bởi, một số quốc gia xuất khẩu trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan chào giá xuất khẩu rẻ hơn 4-5 USD/tấn.
Đối với kinh doanh clinker nội địa, DIC chủ yếu cung cấp clinker cho các nhà máy xi măng khu vực phía Nam, chủ yếu là bán lẻ. Tuy nhiên, do công tác vận chuyển gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tải trọng, hao hụt qua các công đoạn và cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp cùng ngành, nên hiệu quả kinh doanh nội địa cũng không đạt được kỳ vọng theo kế hoạch. Theo HĐQT DIC, năm nay Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh mảng này nhằm khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực clinker.
Bên cạnh mặt hàng clinker, mặt hàng sắt thép cũng chiếm tỷ trọng tương đối trong cơ cấu doanh thu của DIC và đạt kết quả doanh thu khả quan, mặc dù trong năm 2015 giá thép có nhiều biến động.
Cụ thể, doanh thu mảng sắt thép năm 2015 đạt 252 tỷ đồng, tăng 37% so với thực hiện 2014 và vượt gần 20% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lợi nhuận từ kinh doanh mảng này không đạt kế hoạch và là yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của công ty năm 2015.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DIC nhận định, mảng sắt thép là mảng kinh doanh có nhiều biến động, nên công ty xác định chỉ duy trì tỷ trọng tương đối an toàn trong cơ cấu kinh doanh. Theo ông Hải, do khoảng thời điểm cuối năm 2015, Công ty chủ trương nhập hàng (ở giá thấp) để phục vụ kinh doanh năm 2016, nên với tình hình giá thép khả quan trong đầu năm nay đã giúp công ty thu về kết quả tương đối khả quan.
Trả lời thắc mắc cổ đông về kết quả kinh doanh ngói màu khả quan, cộng thêm nhu cầu cung cấp ngói màu của DIC hiện nay lại tương đối lớn với thương hiệu riêng nhưng sản lượng tiêu thụ lại không đạt kế hoạch, ông Dương Đình Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc DIC lý giải, năm 2015, Công ty tập trung vào nghiên cứu, phát triển công nghệ và chất lượng sản phẩm, nên sản lượng không đạt như mong đợi. Tuy vậy, ông Thái khẳng định, trong năm 2016 sản lượng tiêu thụ ngói màu dự kiến sẽ tăng 86% so với năm 2015 và sản lượng năm 2017 sẽ tăng 50% so với sản lượng năm 2016.
Ngoài ra, năm 2015 là năm đầu tiên công ty đưa vào kinh doanh mặt hàng than và ghi nhận kết quả doanh thu tích cực với hơn 242 tỷ đồng, vượt 80% so với kế hoạch đề ra. Để đẩy mạnh kinh doanh mặt hàng này, HĐQT DIC cho biết, dự kiến nhập khẩu than từ các thị trường Úc, Nga, Triều Tiên, Indonesia… để một mặt đáp ứng nhu cầu sử dụng, mặt khác cung cấp số lượng lớn cho các nhà máy nhiệt điện.
Hiện tại, Công ty đang cung cấp than theo hợp đồng ký kết với Nhà máy nhiệt điện An Khánh (Thái Nguyên) với sản lượng 500.000 tấn/năm.
Ông Hải cho biết, ngoài Tập đoàn Than Việt Nam và Tập đoàn Đông Bắc, thì DIC là một trong số ít những đơn vị đáp ứng đủ điều kiện của Chính phủ để tham gia vào đấu thầu cung cấp than cho các Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân và nhà máy nhiệt điện Duyên Hải.
“Đây là một tin đáng phấn khởi đối với DIC vì nếu thắng thầu sẽ tạo tiền đề để DIC tiến tới trở thành đơn vị cung cấp lớn về than trong nước”, ông Hải chia sẻ.
Về tình hình đầu tư, HĐQT DIC cho biết, Công ty hiện đang tiến hành thoái vốn hoặc chuyển nhượng phần góp vốn tại một số dự án. Đối với dự án Khu cao ốc trung tâm thương mại, 112 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP. HCM, Công ty sẽ tiến hành quyết toán thanh lý 20 tỷ đồng, trong đó bao gồm phần vốn góp 13,5 tỷ đồng và chi phí lãi phát sinh. Dự kiến trong quý III/2016, Công ty sẽ thu về khoản vốn góp trước và phần lãi sẽ thanh lý sau.
Đối với dự án Khu công nghiệp xen kẽ khu dân cư tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP. HCM do đối tác ban đầu là CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) đã dừng góp vốn nên hiện tại DIC đang tích cực tìm kiếm đối tác hoặc chuyển nhượng dự án.
Riêng đối với dự án Nhà máy xi măng Hữu Nghị 2 tỉnh Phú Thọ, sau khi giải ngân 50 tỷ đồng mua lại nhà máy sản xuất clinker và thành lập chi nhánh tại Phú Thọ thì đến nay đã mang lại những hiệu quả nhất định, giúp DIC tiết kiệm chi phí sản xuất và chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Khoản lãi phát sinh 30 tỷ đồng từ vốn góp sẽ được DIC thu hội khi chuyển nhượng dự án cho đối tác khác.