Hộ kinh doanh đang ở đâu trong hệ thống pháp luật?
Hộ kinh doanh đang ở đâu và cần được ứng xử như thế nào là câu hỏi không mới, nhưng lại đang thu hút rất nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây, đặc biệt khi Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đang được lấy ý kiến và không loại trừ khả năng sẽ có một sự “đột phá”. Bởi theo nhiều chuyên gia, vấn đề cốt lõi quan trọng bậc nhất của cải cách Luật Doanh nghiệp lần này là những quy định liên quan đến hàng triệu hộ kinh doanh cá thể.
Bình luận về vấn đề này tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp tổ chức mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các hộ kinh doanh cá thể đang làm ăn, kinh doanh, có đăng ký kinh doanh, tạo việc làm và đóng góp vào nền kinh tế. Về bản chất, họ đang hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, vậy tại sao lại để họ ra ngoài phạm vi của các văn bản luật do Quốc hội ban hành?
Cũng không phải hộ kinh doanh không được nhắc đến trong Luật Doanh nghiệp hiện hành. Điều 212, Luật Doanh nghiệp đã quy định, hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ. Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp cũng đã căn cứ vào điều này của Luật Doanh nghiệp để có hướng dẫn.
Vấn đề lại nằm ở chính điều đó. Ông Lê Văn Hà, Luật sư Công ty Luật Pathlaw cho rằng, quy định trên là sai về kỹ thuật và có phần vô lý.
“Phạm vi điều chỉnh khẳng định rõ, luật này chỉ điều chỉnh doanh nghiệp, Điều 212 lại lôi hộ kinh doanh vào. Như vậy, chúng ta điều chỉnh cả những đối tượng ngoài đối tượng điều chỉnh của Luật đã được quy định ngay tại Điều 1”, ông Hà phân tích về mặt pháp lý.
Đặc biệt, ông Hà cũng cho rằng, xét về góc độ chính sách, không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của khu vực này. Thậm chí, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng không đưa đối tượng này vào chính sách hỗ trợ, nếu như không chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hộ kinh doanh là ai?
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã từng có nghiên cứu về hộ kinh doanh và từng đưa ra con số hơn 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 2 triệu hộ đủ điều kiện để chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Tuy số liệu về hộ kinh doanh dường như chưa thực sự thống nhất, nhưng quan điểm về việc cần quan tâm đến khu vực đang tạo ra tới 30% GDP của nền kinh tế này là thống nhất.
Thậm chí, yêu cầu trên là cấp thiết nếu so với tỷ lệ 8 - 9% đóng góp vào GDP của khu vực doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, với số lượng khoảng 750.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Hơn thế, cũng phải nhắc tới kết quả Nghiên cứu kinh tế tư nhân Việt Nam và năng suất - thịnh vượng do TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế của Economica Viet Nam thực hiện. Theo đó, khu vực này chỉ đóng góp 1,56% cho ngân sách nhà nước, nhiều hộ kinh doanh có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng không kém doanh nghiệp, nhưng hoạt động không công khai, minh bạch, né tránh các yêu cầu về an toàn lao động, an sinh xã hội…
Thực tế, không ít hộ kinh doanh muốn lên doanh nghiệp, nhưng không chịu đựng được những chi phí phát sinh.
Thậm chí, ở góc độ môi trường kinh doanh hiện tại, hộ kinh doanh đang có những lợi thế nhất định so với doanh nghiệp, như thủ tục thành lập đơn giản hơn, lệ phí thành lập rẻ, chế độ kế toán đơn giản, cách nộp thuế đơn giản, hộ được nộp kê khai hoặc thuế khoán. Đặc biệt, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương), từng là Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh cho biết thêm, nhiều khi hành xử của các cơ quan ở địa phương khiến hộ kinh doanh thường được chọn để… khởi nghiệp.
“Nhiều người nói với tôi rằng, chỉ cần thành lập doanh nghiệp, hôm sau sẽ có các đoàn đến kiểm tra phòng cháy chữa cháy, bảo hiểm xã hội… Còn hộ kinh doanh thì đăng ký là làm thôi, ít bị quan tâm. Giống như một người đi xe máy và một người đi ô tô, thì người đi ô tô bị để ý hơn, dù có chiếc xe máy giá trị ngang ngửa ô tô”, ông Hiền thẳng thắn.
Khó gọi tên
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho biết, các câu hỏi làm thế nào để thúc đẩy các hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp đã được CIEM đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng thực sự chưa có câu trả lời thỏa đáng, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, môi trường pháp lý để họ tự lựa chọn.
“Tôi đặt vấn đề là, nếu như Luật Doanh nghiệp quy định một chương cho hộ kinh doanh thì có một số điều tôi rất phân vân, chưa biết quy định cái gì. Còn nếu đưa nó về phạm vi để thay đổi khái niệm doanh nghiệp thì tôi cho rằng, đó không phải cách giải quyết vấn đề”, ông Hiếu chia sẻ.
Nhưng luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico không đồng tình với quan điểm này.
“Khác với hộ kinh doanh không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên, bản chất chính là doanh nghiệp tư nhân, có trách nhiệm vô hạn và không có tư cách pháp nhân. Cần phải xác định rõ như vậy”, ông Đức nói.
Ông Đức cho rằng, việc duy trì khu vực này song song với doanh nghiệp là sự không bình đẳng, mập mờ về pháp lý.
“Tất nhiên, cần có thời gian chuyển tiếp, cần quy định chế độ quản lý, tài chính, kế toán đơn giản, phù hợp với thực tế, nhưng phải gọi đúng bản chất của khu vực này”, ông Đức nói. Thậm chí, ông Đức còn không muốn dùng khái niệm hộ kinh doanh, mà gọi luôn là doanh nghiệp tư nhân đối với loại hình này.
"Sẽ sửa triệt để các tồn tại của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp”
- Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Quan điểm của Ban Soạn thảo là sửa triệt để các tồn tại của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, để khơi thông nguồn lực cả trong nước và nước ngoài. Các nguồn vốn này cần phải hòa quyện với nhau để thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước.
Nguyên tắc là sẽ làm rõ các khái niệm, hệ thống tiêu chí để đảm bảo hoạt động đầu tư - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư được thuận lợi.
Các ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp có nhiều. Có những vấn đề về kỹ thuật, có những kiến nghị bổ sung lớn, như việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.
Chúng tôi sẽ lắng nghe, nghiên cứu và xin ý kiến để tiếp thu. Các doanh nghiệp yên tâm là Tổ Biên tập, Ban Soạn thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, nên những vấn đề liên quan đến các luật chuyên ngành đều sẽ được thảo luận có trách nhiệm.
"Hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp”
- Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Việc sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp lần này phải được đặt ra quyết liệt, nhất là khi cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan đi đầu trong tư duy cải cách, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Hai luật này giữ vai trò nền tảng trong hoạt động đầu tư - kinh doanh, có tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp là một cỗ xe, tôi tin rằng, hai bánh chính là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Hai bánh này khỏe, doanh nghiệp sẽ chạy tốt.
Đặc biệt, đã đến lúc, hộ kinh doanh phải là một loại hình doanh nghiệp, là đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp. Vì về bản chất, khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký đang hoạt động như doanh nghiệp, nhưng lại không được coi như doanh nghiệp, vì thế, tính minh bạch và chuyên nghiệp không cao.
Tôi cho rằng, cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp.