“Bắc tiến”
Giai đoạn trước năm 2015, giá bất động sản Hà Nội giảm liên tục, các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán lại quá nhiều rủi ro, trong khi gửi tiết kiệm có lãi suất thực dương thấp do lạm phát cao, nên nhà đầu tư phía Bắc bị tắc kênh đầu tư. Trong bối cảnh đó, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc phía Nam như Phú Mỹ Hưng, Capitaland, Nam Long, Novaland… đã rầm rộ “Bắc tiến”, chào bán căn hộ tại thị trường Hà Nội.
Thời điểm đó, thị trường địa ốc TP. HCM đang trên đà hồi phục, các chủ đầu tư mạnh bạo cam kết thuê lại hoặc cam kết khả năng cho thuê hưởng lợi tức cao hơn lãi suất ngân hàng, nhiều nhà đầu tư Hà Nội như “vớ được cọc”, tìm được cửa phá băng dòng tiền.
Việc đẩy mạnh mở bán tại thị trường Hà Nội giúp thị trường bất động sản nhiều khu vực của TP. HCM khởi sắc. Đặc biệt, nhiều dự án có thanh khoản đột biến, với khoảng 50 - 60% lượng giao dịch được thực hiện bởi khách hàng đến từ Hà Nội.
Năm 2015, thị trường bất động sản Hà Nội có dấu hiệu hồi phục, giá căn hộ tại nhiều dự án tăng, thu hút giới đầu tư trở lại. Giai đoạn này, cũng không có doanh nghiệp địa ốc phía Nam nào mạo hiểm “Bắc tiến” để chào bán dự án căn hộ, thay vào đó là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu thay thế xuất hiện và chinh phục khách hàng Hà Nội.
"Bình mới, rượu cũ"
Năm 2015, bất động sản Hà Nội chứng kiến làn sóng “Bắc tiến” mạnh mẽ của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng miền Trung và miền Nam. Đây cũng chính là thời điểm khởi đầu cho sự bùng nổ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam.
Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội phải kể đến dự án khu vực miền Trung như Diamond Bay Resort (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Premium tại Đà Nẵng, Nha Trang, hay biệt thự nghỉ dưỡng Premier Village Danang Resort của Sun Group…
Hầu hết các đợt mở bán, chủ đầu tư đều hướng đến nhà đầu tư, khi đưa ra chương trình cam kết lợi tức lên đến 8 - 10%/năm và thời gian hưởng lợi tức kéo dài trong nhiều năm.
Đặc biệt, gần như lần đầu tiên tại Hà Nội xuất hiện dự án chào bán căn hộ khách sạn nghỉ dưỡng (condotel) là dự án Diamond Bay Resort (TP. Nha Trang), với chương trình hỗ trợ vay vốn và cam kết lợi tức lớn. Loại hình condotel (có giá chỉ tương đương căn hộ để ở) sau đó lan rộng khắp nhiều địa phương, thổi bùng cơn sốt bất động sản nghỉ dưỡng.
Sau Nha Trang, Đà Nẵng, bất động sản nghỉ dưỡng phát triển mạnh xuống khu vực phía Nam là huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tại đây, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản như Vingroup, Sun Group, CEO Group đều đã có mặt và đầu tư những dự án nghỉ dưỡng có quy mô đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Hầu hết các dự án tại Phú Quốc sau đó đều được chào bán tại thị trường Hà Nội, với cam kết mang lại lợi tức cao đến 9 - 10%/năm kéo dài lên đến 10 năm.
Một thống kê của Savills Việt Nam gần đây cho thấy, có đến 80% khách mua bất động sản Đà Nẵng và 85% khách mua bất động sản Phú Quốc đến từ Hà Nội. Con số này cho thấy, bất động sản nghỉ dưỡng có sức hút rất lớn đối với nhà đầu tư bất động sản Hà Nội.
Sự bùng nổ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hơn 1 năm qua tiếp tục thu hút thêm hàng loạt doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phân khúc này như Công ty Thành Đô đầu tư xây dựng Dự án Cocobay Đà Nẵng; Hòa Bình Group của đại gia Đường “bia” đầu tư Dự án Hòa Bình Green Đà Nẵng; CTCP Vịnh thiên đường Nha Trang của ông chủ tập đoàn cá tầm đầu tư vào Dự án Panorama Nha Trang, FLC Group đầu tư vào Dự án FLC Quy Nhơn…
Hầu hết các dự án nghỉ dưỡng này đều chú trọng phát triển sản phẩm condotel, đã và đang “Bắc tiến” theo chiến thuật “bình cũ, rượu mới” - cam kết lợi tức cho thuê cao và kéo dài để thu hút dòng tiền từ giới đầu tư Hà Nội.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com