Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng chuyển hướng hoạt động ra các địa phương khác nhằm hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh

Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng chuyển hướng hoạt động ra các địa phương khác nhằm hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh

Địa ốc miền Trung “cầm cự” trong tâm dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước những ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 mới bùng phát với tâm dịch ở một số tỉnh miền Trung, nhiều dự án bất động sản buộc phải điều chỉnh kế hoạch mở bán.

Kế hoạch thay đổi

Những tháng sau Tết Nguyên đán Canh Tý, thị trường địa ốc Đà Nẵng và cả miền Trung gần như đứng im do ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ nhất. Từ cuối tháng 4/2020, dịch Covid-19 được cơ bản khống chế đã giúp thị trường khu vực này le lói những hy vọng hồi sinh. Tuy nhiên, đợt dịch bùng phát lần thứ 2 mới đây gần như đã “đánh sập” kế hoạch của các doanh nghiệp trong khu vực miền Trung trong năm 2020.

Ông Nguyễn Bao Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Babylon (Đà Nẵng) thở dài: “Tình hình dịch được khống chế 3 tháng rưỡi thì doanh nghiệp mất 2 tháng rưỡi xử lý sự cố sau dịch. Còn 1 tháng để chuẩn bị cho kế hoạch phục hồi thì giờ dịch bùng phát lại nên gần như mọi kế hoạch vỡ hết”.

Về phần mình, ông Nguyễn Hà Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Trung Tín - đơn vị hợp tác đầu tư phân khu Diamond City - thuộc dự án Khu đô thị Điện Thắng Trung (Đô thị mới  Điện Nam – Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, sau đợt dịch Covid-19 đầu năm, mặc dù tình hình chung khá khó khăn nhưng tập thể Công ty vẫn đặt quyết tâm “làm đến cùng” và lên kế hoạch kỹ càng, cũng như tập trung kinh phí chạy makerting rầm rộ cho việc mở bán trở lại phân khu Diamond City. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tái bùng phát khiến kế hoạch bị thay đổi ở “phút cuối”.

Địa ốc miền Trung “cầm cự” trong tâm dịch ảnh 1

Dịch Covid-19 khiến một số dự án bất động sản tạm ngừng mở bán

“Anh em công ty rất quyết tâm với dự án lần này, chi phí bỏ ra trước để đầu tư cho makerting cũng khá lớn, lên đến 400 - 500 triệu đồng rồi nhưng do dịch bùng phát nên đành phải tạm dừng. Đáng lẽ ra dự án sẽ mở bán trong tháng 8 này để tận dụng thời điểm du khách đến Đà Nẵng vừa du lịch vừa tìm hiểu cơ hội đầu tư đất nhưng giờ thì chịu rồi. Năm nay coi như vỡ kế hoạch. Đây là việc bất khả kháng, không thể làm gì khác được”, ông Tuấn chia sẻ.

Một đơn vị khác cũng trong hoàn cảnh tương tự đó là Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Dịch Vụ An Dương. Theo đó, dịch Covid-19 bùng phát tại Quảng Nam - Đà Nẵng trong những ngày qua buộc đơn vị này phải tạm ngừng mở bán giai đoạn 2 dự án Rosa Riverside Complex (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), mặc dù công tác chuẩn bị đã hoàn tất và doanh nghiệp đã đầu tư khá nhiều tiền cho việc quảng bá, truyền thông, makerting dự án.

Ông Đỗ Tấn Vũ, Giám đốc Công ty Công ty TNHH Xây dựng, Thương mại và Dịch Vụ An Dương - chủ đầu tư dự án Rosa Riverside Complex cho biết, theo kế hoạch thì ngày 2/8 là mở bán giai đoạn 2 dự án nhưng hiện nay coi như vỡ trận. Đây là điều hết sức đáng tiếc và ngoài dự tính khi trong đợt mở bán giai đoạn 1 vừa qua, dự án Rosa Riverside Complex đã đạt số lượng thanh khoản rất lớn (hơn 100 sản phẩm), và được xem là dự án có lượng thanh khoản lớn nhất khu vực miền Trung tính từ thời điểm kết thúc đợt dịch Covid-19 sau Tết Nguyên đán.

“Giờ cũng chỉ biết đợi khi nào hết dịch rồi làm tiếp thôi chớ biết làm sao được”, ông Vũ thở dài.

Cũng theo ông Vũ, bên cạnh việc tạm ngưng mở bán dự án Rosa Riverside Complex, hiện nay Công ty An Dương vẫn tiếp tục triển khai công tác thi công xây dựng với các dự án còn lại do đơn vị làm chủ đầu tư tại tỉnh Quảng Nam nhằm hoàn tất các hạng mục hạ tầng để tiến hành ra sổ đỏ bàn giao cho người mua.

Nằm im chờ đợi

Việc dịch Covid-19 bùng phát trong thời điểm này dường như đã tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp bất động sản khu vực miền Trung khi năm 2019, các doanh nghiệp đều chung hoàn cảnh trải qua một năm khá ảm đạm.

Ông Nguyễn Hà Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Địa ốc Trung Tín nhận định, thị trường chung hiện nay đang rất khó khăn, việc tiếp cận lãi vay ngân hàng cho đầu tư bất động sản bị siết chặt, trong khi có rất đông nhà đầu tư phần nhiều “chôn vốn” tại các dự án trước đây mở bán nhưng pháp lý chưa đầy đủ nên dòng tiền gần như không có. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát nên doanh nghiệp bất động sản đa phần chưa thể có một định hướng nào rõ ràng hơn cho tương lai.

Không riêng gì các đơn vị môi giới, hợp tác đầu tư, mà ngay cả với các chủ đầu tư dự án bất động sản các địa phương miền Trung cũng rơi vào khó khăn khi phần lớn họ phải sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư cơ sở hạ tầng.

“Giờ nói thật là cũng chưa có định hướng gì cả, mà phải đợi dịch được khống chế, tình hình ổn ổn chút mới tính toán được hướng đi mới”, ông Tuấn chia sẻ.

Địa ốc miền Trung “cầm cự” trong tâm dịch ảnh 2

Dự án Rosa Riverside Complex đang được chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hạ tầng để ra sổ đỏ bàn giao cho khách hàng ngay giữa thời điểm dịch Covid bùng phát

Ông Nguyễn Bảo Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Babylon nhận định, trong hoàn cảnh này doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp lớn cũng khó như nhau. Nhưng doanh nghiệp nhỏ thì nguy cơ “hy sinh” nhiều hơn, tuy nhiên thiệt hại và hệ lụy sẽ không nhiều. Còn với doanh nghiệp vừa và lớn, nguồn tài chính khá hơn, nhưng chi phí duy trì hệ thống cũng cao hơn, chi phí lãi vay đầu tư cho các dự án cũng lớn hơn nên áp lực vô cùng lớn.

“Nếu doanh nghiệp vừa hoặc lớn sụp đổ thì thị trường sẽ bị ảnh hưởng và nhiều hệ lụy xảy ra, do đó, dù khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp cũng phải cố gắng cầm cự hết sức, bởi xung quanh doanh nghiệp còn là tập thể con người lao động, là khách hàng, là đối tác”, ông Huy chia sẻ.

Theo ông Huy đánh giá, so với bối cảnh đợt dịch trước đó, thị trường địa ốc lần này không có tình trạng bán tống bán tháo sản phẩm, do nhà đầu tư đã nắm được tình hình và rất bình tĩnh chờ đợi. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng sau dịch thì rất khó nói trước.

“Sau dịch không biết lượng giao dịch sẽ tăng lên hay không nhưng giá bất động sản sẽ không giảm như đợt dịch trước đây mà sẽ đi ngang. Tuy nhiên, điều kiện là dịch được khống chế sớm thì thị trường mới có khả năng tốt lên chứ nếu kéo dài thì thị trường sẽ khó bung lên được”, ông Huy nhận định.

Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp bất động sản tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 mới, một số doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng, Quảng Nam ngay từ sau đợt dịch đầu tiên đã chuyển chi nhánh đến địa bàn mới để triển khai các dự án tại đây, do đó các đơn vị này không chịu tác động lớn từ việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Ông Đinh Phan Tiến Anh, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Thanh Long Land - đơn vị đang phân phối dự án Khu đô thị Golden Lake tại Quảng Bình cho biết: “Rút kinh nghiệm từ đợt dịch đầu tiên, hiện nay đơn vị cũng phải tập trung công tác chuẩn bị từ nguồn vốn, kế hoạch triển khai, tuyển dụng đào tạo nhân sự… chứ đợi hết dịch rồi chuẩn bị kế hoạch để mở bán thì sợ không kịp”.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan