Sức bật hạ tầng giao thông
Một trong những điểm đáng chú ý liên quan đến hạ tầng giao thông tại Hà Nội thời gian qua là việc cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 chính thức thông xe vào ngày 2/9/2023. Đây được xem là một trong những bước ngoặt quan trọng của Hà Nội khi với 2 làn xe rộng rãi, cầu Vĩnh Tuy sẽ trở thành trục kết nối quan trọng, tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu di chuyển, vận tải… ngày một tăng giữa Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thành phố, điều quan trọng hơn là người Hà Nội có cơ hội “sống dễ thở” hơn với khu vực bên kia cầu, nơi có nhiều sự lựa chọn về nhà ở cũng như thông thoáng hơn nhiều so với nội đô.
Tại lễ khánh thành, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, việc triển khai dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 là hết sức cần thiết, giúp cải thiện điều kiện, đảm bảo an toàn giao thông, kết nối hai bờ sông Hồng; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng các quận Hai Bà Trưng, Long Biên nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tạo tiền đề hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô và từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch.
Ngay sau khi khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (Ban Giao thông) đã lập báo cáo dự án đầu tư và xây dựng cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra Quốc lộ 32, huyện Phúc Thọ. Dự án dự kiến khởi động vào quý II/2024, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2027, được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho khu vực ngoại vi phía Tây Hà Nội khi đi qua huyện Phúc Thọ, giao cắt với Quốc lộ 32 và điểm cuối nằm tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc, từ đó tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc và các địa phương lân cận trong vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Ngoài 2 câu cầu nêu trên, trong danh mục 10 cầu qua sông Hồng được xây dựng theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trong 1-2 năm tới sẽ có 2 cây cầu được triển khai xây dựng là cầu Thăng Long mới (thuộc hợp phần hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3) và cầu Hồng Hà, Mễ Sở (thuộc hợp phần tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô mới được đồng loạt triển khai nhiều hợp phần thời gian qua).
Đặc biệt, tuyến đường Vành đai 4, sau 2 tháng khởi công, dự án đang được chủ đầu tư thay mặt Thành phố phối hợp với các quận, huyện khẩn trương hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng các phần diện tích còn lại, hoàn thiện giải pháp kỹ thuật để thi công đồng bộ dự án theo tiến độ đề ra. Ban Giao thông (chủ đầu tư) cho biết, tính đến tháng 8/2023, các quận huyện nơi tuyến đường đi qua đã phê duyệt và thu hồi được 694,2 ha trên tổng số 793,8 ha đất mặt bằng, đạt 87,45% (tại thời điểm khởi công con số này là 84%).
Đề cập tới các tuyến đường kết nối khu vực ngoại vi Thủ đô thì không thể không nhắc đến tuyến đường Tây Thăng Long với chiều dài quy hoạch 33 km, chiều rộng mặt cắt ngang 60,5 m với 10 làn xe, kết nối từ đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) đến thị xã Sơn Tây. Hiện tại, phần đoạn tuyến đi qua địa phận các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm có tổng chiều dài khoảng 8,3 km đã cơ bản hoàn thành, riêng đoạn 2 (đoạn nối từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng) đang được UBND quận Bắc Từ Liêm gấp rút triển khai. Theo thông tin cập nhật đến ngày 23/8/2023, một nửa mặt cắt ngang (rộng 30 m) của đoạn 2 (vị trí từ Cầu Noi đi qua Học viện Cảnh sát nhân dân đến đường Văn Tiến Dũng) đã cơ bản hoàn thành.
Sự hiện diện của trục đường Tây Thăng Long không chỉ là sự kết nối mang tính cơ học, mà còn có ý nghĩa to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội phía Tây Thủ đô, giúp đồng bộ và đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở các địa phương có tuyến đường đi qua, nâng cao đời sống vật chất của người dân, ổn định xã hội. Hiện nay, các khu đô thị, khu trung tâm hành chính, đối ngoại đã và đang được triển khai xây dựng dọc hai bên trục đường này.
“Tiếp lửa” cho thị trường địa ốc
Chưa khi nào chính sách phát triển hạ tầng giao thông Hà Nội được đẩy mạnh như hiện nay, đóng vai trò như “tiếng pháo hiệu” đánh thức cả một vùng đất, khởi tạo làn sóng đầu tư mới tại Thủ đô và nhiều địa phương lân cận. Đã trở thành quy luật, hạ tầng đi trước sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế ở hầu hết các vùng miền, bao gồm cả thị trường bất động sản.
Chỉ tính riêng khu vực Long Biên, trước khi tuyến đường Vành đai giai đoạn 2 thông xe, thống kê sơ bộ cho thấy đã có khoảng 70 dự án bất động sản đã, đang và sắp bàn giao hoặc đang triển khai, tập trung vào các dự án căn hộ chung cư và nhà thấp tầng. Trong đó, căn hộ chung cư chiếm áp đảo với hơn 33 dự án, số lượng còn lại phân bổ cho các dự án khu đô thị mới, khu phức hợp, biệt thự, liền kề, nhà phố… và dự kiến xuất hiện thêm nhiều dự án mới trong giai đoạn 2024-2025.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, sự hoàn thiện của các dự án hạ tầng như đường Vành đai 2 kéo dài cùng quy hoạch đường Vành đai 4 sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến các địa phương lân cận, tăng thêm hấp lực cho phía Đông Thủ đô. Theo đó, các dự án nhà ở sẽ được hưởng lợi từ việc di dân từ nội đô khi điều kiện hạ tầng hoàn thiện hơn.
Ở khu vực phía Đông (gồm các quận Long Biên, huyện Gia Lâm), với quỹ đất lớn, cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh phát triển cùng với sự hiện diện của nhiều chủ đầu tư lớn như Vingroup, BRG Group, Masterise Group, Ecopark Group...
Các dự án đại đô thị tiêu biểu tại khu Đông có thể kể tới là Ecopark (2008), Vinhomes Riverside (2011), Vinhomes Ocean Park (2017), Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire và Vinhomes Ocean Park 3 - The Crown (2022)… Dự kiến trong 3 năm tới, khu vực này sẽ có thêm khoảng 87.900 căn hộ mở bán mới, chủ yếu đến từ các khu đô thị vệ tinh tích hợp nhiều tiện ích, điển hình như dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire và Vinhomes Ocean Park 3 - The Crown…
Trong khi đó, phía Tây Hà Nội có những chuyển động sớm hơn nên bức tranh đô thị đã hiện hữu rõ rệt. Đáng chú ý, nhiều bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp cũng dịch chuyển trụ sở về phía Tây, tạo thành địa điểm tập trung của hàng nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ trong và ngoài nước, từ đó hình thành làn sóng chuyển dịch, gia tăng nhu cầu ở thực đến với khu vực này.
Một số công trình, dự án tiêu biểu tại khu vực này là Đại sứ quán Hàn Quốc tại Khu đô thị Ngoại giao đoàn; quy hoạch trụ sở làm việc của 13 cơ quan (bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương…) tại Khu đô thị Starlake tầm nhìn đến năm 2030; Trung tâm R&D của Samsung, các dự án nhà ở thuộc Khu đô thị Ngoại giao đoàn và Starlake; dự án Vinhomes Đan Phượng của Vinhomes; dự án Avenue Garden Tây Thăng Long do OSI Holdings phát triển; dự án Sunshine Capital Tây Thăng Long của Sunshine Group…, cùng nhiều dự án khác đang trong quá trình chuẩn bị triển khai.
Ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc SGO Homes đánh giá, thị trường bất động sản Hà Nội năm 2023 cũng như những năm tới còn nhiều biến động trước các yếu tố đầu tư hạ tầng, lãi suất ngân hàng… Đặc biệt, giá nhà đất sẽ được hưởng lợi theo sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông. Việc đầu tư nhiều dự án cầu đường giá trị hàng nghìn tỷ đồng sẽ kích thích thị trường ở quy mô cực lớn, đây sẽ là “cú huých” cho giá nhà ở bứt phá trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Giang cũng đưa ra lưu ý về tiến độ triển khai tuyến đường và kỳ vọng tăng giá cần từ 5-10 năm, chứ không thể bật mạnh ngay.
“Chuyện các dự án làm cầu, làm đường mở đến đâu, bất động sản ‘sốt’ tới đó là thực tế diễn ra trong nhiều năm qua và không ít nhà đầu tư trúng đậm nhờ đón trúng ‘sóng’ hạ tầng. Tuy nhiên, cũng có nhiều dự án hạ tầng từ lúc khởi công tới khi khánh thành lại không tạo ra giá trị cao như kỳ vọng do thời gian chuẩn bị rất lâu, đến khi chính thức đi vào khai thác, mọi giá trị gia tăng đều đã được phản ánh vào những cơn sốt trước đó, bao gồm cả giá kỳ vọng, dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư bị om vốn, thậm chí lỗ lớn do ‘bám’ theo hạ tầng”, ông Giang chia sẻ thêm.