Cung - cầu đều giảm mạnh
Trao đổi với phóng viên, nhà đầu tư Văn Thái Hoàng cho biết, vào cuối tháng 3/2021, anh và một số bạn bè chung tiền mua một lô đất khu vực Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) với giá 29 triệu đồng/m2 nhằm mục đích “đón đầu”, chờ giá đất lên cao sẽ bán lại. Thế nhưng, từ khi mua đến nay, giá đất không những không tăng mạnh như dự tính ban đầu, mà còn có thời điểm giảm nhẹ.
“Gần 6 tháng qua, giá đất khu vực Hòa Xuân không biến động nhiều, giao dịch quanh mức 28-30 triệu đồng/m2, nên chúng tôi chưa bán ra, cho dù mức giá này cao hơn khoảng 4 triệu đồng/m2 so với cùng kỳ năm trước”, anh Hoàng nói và cho biết thêm, “đây là mức giá được các nhà đầu tư còn ôm đất ‘hô’ vậy, chứ rao bán cũng khó tìm được người mua, bởi khó có thể trực tiếp đi xem đất trong thời điểm này”.
Cũng theo nhà đầu tư này, thị trường bất động sản Đà Nẵng tuy khó khăn nhưng không diễn ra xu hướng hạ giá đất để “xả hàng” như kỳ vọng của giới đầu cơ muốn tranh thủ “bắt đáy”.
Theo báo cáo của DKRA Vietnam, trong 7 tháng đầu năm 2021, tại thị trường bất động sản Đà Nẵng, nguồn cung đất nền mới tăng không đáng kể, sức tiêu thụ cũng thấp hơn so với năm 2020. Cụ thể, 7 tháng qua, Đà Nẵng chỉ có duy nhất 1 dự án mới được mở bán, cung cấp khoảng 218 sản phẩm ra thị trường, tăng khoảng 183 sản phẩm so với năm 2020; tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 23% (tương đương 91 sản phẩm), giảm 12,5% so với năm 2020 (tương đương 104 sản phẩm). Tương tự trên thị trường sơ cấp, hoạt động giao dịch trên thị trường đất nền thứ cấp cũng trầm lắng, giá đất nền thứ cấp ghi nhận mức giảm trung bình 5-10% so với năm 2020.
Đối với phân khúc căn hộ, thị trường Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận sự khan hiếm nguồn cung mới khi chỉ có 4 dự án mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 236 căn, bằng 46% so với năm 2020 (516 căn); tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 55% (130 căn), bằng 49% so với năm 2020 (263 căn).
Với phân khúc nhà phố - biệt thự - shophouse, thị trường ghi nhận 2 dự án mới mở bán, chủ yếu là loại hình shophouse, cung cấp ra thị trường khoảng 106 căn, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 87% (92 căn). Phân khúc biệt thự biển không có nguồn cung mới.
Phân khúc condotel cũng trong tình trạng tương tự khi không ghi nhận dự án mới mở bán trong 7 tháng đầu năm 2021. Sản phẩm trên thị trường chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trong giai đoạn trước năm 2019, nhưng số lượng cũng không nhiều, sức tiêu thụ rất thấp bởi vướng mắc pháp lý về condotel chưa được tháo gỡ.
Nguồn cung đất nền mới tại Đà Nẵng tăng không đáng kể thời gian qua. Ảnh: Ngọc Tân |
Chỉ khởi sắc hơn từ cuối quý I/2022?
Hiện nay, toàn TP. Đà Nẵng đang áp dụng các biện pháp chống dịch Covid-19 hết sức quyết liệt. Sau thời gian phong tỏa “cứng” từ cuối tháng 8/2021, đến nay, tình hình kiểm soát dịch bệnh bước đầu ghi nhận sự tiến triển. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư cũng như lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản đều đưa ra góc nhìn thận trọng về thị trường trong thời gian tới.
Ông Phan Minh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Địa ốc S-Germi cho rằng, có 2 khả năng xảy ra với thị trường bất động sản Đà Nẵng trong những tháng cuối năm, hoặc sẽ bật mạnh sau thời gian dài bị “nén” lại vì dịch và tạo ra sốt đất khi nhà đầu tư ồ ạt quay trở lại thị trường; hoặc sẽ tiếp tục hồi phục chậm do “di chứng” của đại dịch Covid-19 và vị này nghiêng về khả năng thứ hai.
“Ngay cả khi dịch được khống chế trong quý III này thì thị trường địa ốc Đà Nẵng vẫn khó bật mạnh trong quý IV/2021, mà sẽ chỉ khởi sắc hơn từ cuối quý I/2022, chứ như hiện nay, tình hình dịch trên cả nước vẫn còn đang phức tạp, mà thời tiết cũng đã bước sang mùa mưa, không thuận lợi cho hoạt động nghỉ dưỡng biển”, ông Thắng nêu quan điểm.
Cùng góc nhìn, DKRA Vietnam cũng cho rằng, sức cầu tại thị trường Đà Nẵng những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Theo đơn vị tư vấn này, ở phân khúc đất nền, sức tiêu thụ có thể sẽ phục hồi nhẹ vào cuối năm khi dịch bệnh được khống chế. Những dự án có pháp lý hoàn thiện và hạ tầng xây dựng đồng bộ, tiến độ rõ ràng tiếp tục thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung đã giảm mạnh từ đầu năm 2021 và xu hướng giảm này sẽ tiếp diễn nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt.
Với phân khúc nhà phố/biệt thự, nguồn cung mới sẽ vẫn khan hiếm và có thể sẽ giảm nếu dịch bệnh không được không được trong quý III này. Dù vậy, sức tiêu thụ toàn thị trường sẽ có sự hồi phục nhất định. Trên thị trường thứ cấp, giá bán sẽ không biến động nhiều, song có thể giảm nếu dịch kéo dài, thị trường cũng không xảy ra tình trạng bán tháo.
Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung có thể sẽ tăng nếu dịch bệnh được kiểm soát sớm. Sức tiêu thụ toàn thị trường có thể hồi phục nhẹ và khó có sự đột biến trong ngắn hạn. Giao dịch tập trung ở những dự án mới mở bán, được phát triển bởi những chủ đầu tư lớn, uy tín. Khách hàng kỳ vọng và gửi niềm tin vào thương hiệu quản lý vận hành quốc tế 5 sao hơn là những chương trình cam kết lợi nhuận.
Dưới góc độ đơn vị môi giới, ông Nguyễn Bảo Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Babylon dự đoán, các hoạt động môi giới mua bán hay đầu tư bất động sản quay trở lại sớm nhất cũng phải vào cuối tháng 10 tới, khi mà mọi người có thể đi lại, gặp gỡ và ký kết được hợp đồng.
“Với phân khúc đất nền và nhà phố, các giao dịch online chủ yếu là để giới thiệu dự án, chứ khó có thể chốt deal ngay vì người mua luôn muốn trực tiếp khảo sát dự án, sản phẩm. Tất nhiên, cũng có những trường hợp bán online thành công nhờ có sale ‘ruột’ hoặc đã nắm rất rõ dự án từ trước đó, nhưng tỷ lệ này sẽ không cao. Còn với phân khúc căn hộ, giao dịch online sẽ khả thi hơn, vì vị trí dự án tọa lạc đã rõ ràng và có sẵn thiết kế chi tiết từng căn hộ cũng như tổng thể của tòa chung cư đó. Nếu đội ngũ kinh doanh làm việc hiệu quả thì cơ hội bán được hàng sẽ cao, nhà đầu tư vẫn dễ dàng tiếp cận”, ông Huy nói.