Địa ốc 7 ngày: tranh chấp & tranh cãi

(ĐTCK) Tuần đầu tháng 3, từ kết quả điều tra vụ đứt cáp cầu treo đến vụ trùng tu lăng vua Ngô Quyền, chuyện kiện giữa cựu người mẫu với chồng cũ quanh số bất động sản có giá trị hàng trăm tỷ đã trở thành những vấn đề có từ khóa nóng nhất. Một góc nhìn của nhà báo Hương Giang về bất động sản tuần qua.  
Địa ốc 7 ngày: tranh chấp & tranh cãi

1. Câu chuyện cũ, nhưng là điểm nóng nóng nhất trong những ngày đầu tuần là kết quả điều tra vụ lật cây cầu treo Chu Va tại Lai Châu vào sáng ngày 24/2. Thực ra, “thủ phạm” gây ra vụ lật cầu đã được tổ điều tra xác định ban đầu là do ắc neo dây cáp bị đứt từ giữa tuần trước.   

Tuy nhiên, cái tên Chu Va được hâm nóng lại khi chiều 2/3, người dân bản Chu Va đã phát hiện thêm một sự thực giật mình, trụ cầu được xây bằng gạch ống (VNExpress, 2/3).

Sở Giao thông vận tải Lai Châu vào cuộc điều tra và khẳng định, trụ cầu được đơn vị thi công đổ bằng bê tông cốt thép theo đúng kích thước thiết kế, nhưng do bề mặt bê tông xấu xí, tư vấn giám sát đã yêu cầu nhà thầu ốp thêm hàng gạch và trát vữa tạo phẳng! Ngay sau đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng  “phản pháo” về nghi vấn trụ cầu xây bằng gạch (VTC News, 4/3), khi Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: toàn bộ các cọc, trụ của cầu được làm bằng bê tông, đúng tiêu chuẩn và thiết kế.

Dù thủ phạm không phải do trụ cầu thì việc trụ bê tông được phủ gạch cũng dấy lên câu hỏi: chất lượng thi công cây cầu rất có vấn đề và công trình đã bị rút ruột. Trên cả nước còn hàng trăm cây cầu khác có thể đang là ẩn họa rình rập người dân.

Ngày 6/3, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã làm việc với tổ điều tra và đưa ra kết luận nguyên nhân chính lật cầu là ắc neo tăng đơ được hàn thay vì làm bằng thép đúc như thiết kế và đề nghị khởi tố vụ án.

Một câu hỏi được đặt ra: Có nên kiểm tra tất cả các “ác neo tăng đơ” của tất cả các cầu đã được thi công tại Việt Nam hay là chờ có thêm môt vụ tại nạn thương tâm khác rồi lại… kiểm tra và đề nghị khởi tố?

2. Câu chuyện thứ hai nghe chừng không gắn liền với bất động sản nhiều, nhưng vẫn liệt vào dòng địa ốc: một bức bình phong nhỏ, nhưng câu chuyện lại không nhỏ, bởi bức bình phong được đặt trước lăng vua Ngô Quyền, tại làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây (Hà Nội).

Các vấn đề lịch sử, phong thủy, đạo nghĩa... tất cả đều có liên quan, và khi đã động tới chủ đề này thì “hòn đất sẽ biết nói năng". Ý tưởng di dời cầu Long Biên tuần trước là ví dụ điển hình.

Chuyện bắt đầu từ khi Ban Quản lý Di tích Đường Lâm vừa cho dựng một tấm bình phong bằng xi măng lù lù ngay trước lăng Ngô Quyền, trên đó có con “quái thú”, hổ chả ra hổ, chó sói không ra chó sói. Ngay cả người được cho là “cha đẻ” của ý tưởng dựng bức bình phong, GS. TS Trần Lâm Biền cũng bức xúc: hình hổ trên bình phong này không khác gì... con quỷ (Thanh niên, ngày 5/3) và ông chỉ đưa ra lời khuyên có một bức bình phong trước lăng mộ cho hợp phong thủy mà không được xin tư vấn kỹ lưỡng về vị trí đặt bình phong.    

Trong khi đó, phía Cục Di sản, đơn vị phê duyệt đề án tôn tạo khu di tích có tấm bình phong này trả lời, nó “hoàn toàn hợp với nguyên tắc tu bổ tôn tạo, cũng như khoa học”. Việc này cũng “đúng nguyên tắc” như bao lần trùng tu theo kiểu làm mới di tích khác.   

Câu chuyện bức bình phong vẫn chưa dừng lại khi sáng 7/3, đơn vị thi công tiến hành đục, đập, khiến bộ dạng “con quỷ” càng biến dạng và người dân xung quanh khu di tích thêm  phẫn nộ. (Lao động, 7/3).

Có lẽ, làm văn hóa cũng cần có trình độ văn hóa nhất định!

3. Câu chuyện thứ ba là vụ “kỳ án ly hôn” của cựu người mẫu Ngọc Thúy. Gọi là kỳ án bởi tranh chấp tài sản kéo dài tới 6 năm giữa cô và chồng cũ, một Việt kiều, liên quan đến khối bất động sản khổng lồ, mà trước đó nhiều báo đưa tin là có giá trị 228 tỷ đồng, đã tốn không ít giấy mực của báo chí trước đó.

Trong tuần này, cựu người mẫu đã về nước để theo đuổi vụ kiện ngược chồng cũ và lên tiếng về vụ tranh chấp sau “nhiều năm im lặng”, cũng như đâm đơn kiện một tờ báo đã đưa “thông tin bôi nhọ” cô (Thanh niên, 3/3) .

Vụ kỳ án ly hôn ít nhiều liên quan đến quy định Việt kiều không được sở hữu bất động sản, bởi khi còn “cơm lành canh ngọt”, người chồng Việt kiều đã nhờ cô và mẹ cô đứng tên khá nhiều bất động sản tại Việt Nam.

Không để xử lý câu chuyện “đứng tên” của đại gia Việt kiều kia, nhưng có một sự kiện liên quan đó là ngày 6/3, tại phiên họp của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất cho phép người nước ngoài chỉ cần có giấy nhập cảnh được mua bất động sản trong nước, một quy định thoáng đến không thể thoáng hơn đối với người nước ngoài trong việc sở hữu bất động sản (VNEconomy, 6/3).

Các đại gia Việt kiều tới đây chắc sẽ yên tâm khi “yêu rồi cưới” các cô người mẫu Việt.

4. Câu chuyện thứ tư được nối dài từ tuần trước liên quan đến Thông tư 03/2014 của Bộ Xây dựng sửa đổi Thông tư 16 về cách tính diện tích căn hộ., với câu phát ngôn nổi tiếng: “Bộ Xây dựng không phải xin lỗi”. Đúng vậy, lỗi thuộc về các chủ đầu tư chứ, sao Bộ Xây dựng phải xin lỗi!

Các chủ đầu tư lựa chọn cách tính có lợi cho mình, sao khách hàng mua nhà cứ ký hợp đồng với điều khoản bất lợi, có thể thiệt tới 10% diện tích?!  

Chuyện hay hơn là khi một số khách đã mua căn hộ “chợt” phát hiện mình mua cũng thiệt và lại… lên tiếng. Nhưng rồi cũng nhanh chóng bị dập tắt sau khi các chủ đầu tư cho biết: “Tính cách nào thì giá bán căn hộ cũng không đổi”, nghĩa là nếu diện tích căn hộ theo cách tính mới nhỏ đi thì giá bán trên mỗi m2 lại tăng lên (VNEconomy, 7/3).

Trong câu chuyện này thì phương châm “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” có lẽ phù hợp. Lỡ ký rồi, tiền trả rồi, chịu thôi!

5. Thêm một câu nói nổi tiếng tuần qua, nhưng Bộ Xây dựng đã được đổi vai: “Xin hỏi Bộ trưởng gói 30.000 tỷ đâu rồi”. Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Ngô Văn Minh đã hỏi thẳng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng như vậy trong cuộc họp thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Nhà ở (vtc.vn – 6/3). Để rồi Bộ trưởng phát biểu một câu cũng thẳng chẳng kém: “không tiêu thì vẫn còn đấy” (VnExpress – 8/3)

Thực ra dư luận đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng về gói kích cầu bất động sản này rồi, một rừng thủ tục khiến cả người dân và chủ đầu tư cũng chào thua. Cả NHNN và Bộ Xây dựng họp bàn, sửa đổi thủ tục, quy trình mãi thì tốc độ giải ngân cũng được cải thiện, hơn… rùa bò một chút.

Không phải vô cớ, mà NHNN nhanh chóng công bố danh sách doanh nghiệp và cá nhân đã được giải ngân. Có tới hẳn 11 dự án đã tiếp cận được vốn với mức giải ngân 534,8 tỷ đồng, còn khách hàng cá nhân là 533,7 tỷ đồng.

Số to, nhưng tính thử tỷ lệ của hơn 1.000 tỷ đó so với 30.000 tỷ đồng là bao nhiêu. Thưa là hơn 3%.

6. Bỏ qua những câu chuyện ồn ào thì tuần qua, thị trường cũng phản ánh tâm lý tích cực hơn của các chủ đầu tư, với việc khởi công mới hay chào bán sản phẩm.

Đầu tuần, một nhà đầu tư đến từ Nga, State Development – Moscow, đã khởi công xây dựng Dự án khách sạn – nghỉ dưỡng Cam Ranh Flowers Resort, trên địa bàn huyện Cam Lâm, Khánh Hoà. Dự án nằm tại phía Bắc bán đảo Cam Ranh, có tổng diện tích 15 héc-ta, gồm 1 khách sạn 5 sao với 256 phòng, 10 biệt thực đơn lập và hệ thống gồm 111 căn hộ, 56 căn biệt thự, có tổng vốn đầu tư lên tới trên 1.800 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2016.

Tại Hà Nội, từ 8/3, Đất Xanh Miền Bắc sẽ mở bán căn hộ Mulberry Lane. Dự án này nằm trong làng Việt kiều Châu Âu, thuộc Khu đô thị Mỗ Lao, Hà Đông, kết nối với các đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương kéo dài, với mức giá từ 23 triệu đồng một m2. Dự án gồm 5 tòa nhà với 1.500 căn hộ cao cấp, có diện tích đa dạng từ 45m2, 88m2, 90m2, cho đến 103m2, 118m2 và 121m2.

Cách đó không xa, Tập đoàn Đại Dương tiếp tục mở bán căn hộ Star City trên đường Lê Văn Lương, với mức giá 36-37 triệu đồng/m2, tương đương 1,6 - 3 tỷ đồng/căn. Dự án hiện đang trong quá trình hoàn thiện. Khách hàng chỉ cần thanh toán ngay 30%, 70% còn lại có thể thanh toán trước ngày 30/6/2014.

Vigalacera cũng công bố từ 15/3 sẽ mở bán căn hộ liền kề tại Khu đô thị Xuân Phương, nằm ngay trung tâm của quận Từ Liêm mới, với mức giá từ 3,6 tỷ đồng/căn (bao gồm tiền đất, xây thô 3,5 tầng, hoàn thiện mặt ngoài). Dự án có tổng diện tích 14,6 héc-ta, nằm dọc theo Đại lộ Thăng Long, giáp với đường 70, cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia chừng 10 phút chạy xe. Theo chủ đầu tư, 10 khách mua nhà đầu tiên sẽ được tặng ngay 1 xe máy Piagio trị giá 65 triệu đồng.

Cách đó hơn 1.700 km, tại TP. HCM, Công ty Keppel Land mở bán giai đoạn 1, Dự án căn hộ Riviera Point trên địa bàn quận 7, liền kề với khu Phú Mỹ Hưng, có quy mô 2.400 căn hộ với 12 tòa tháp. Giai đoạn 1A bao gồm 549 căn hộ thuộc 3 tòa tháp 3, 4 và 5 đã được cất nóc vào tháng 12/2013. Khách hàng chỉ cần thanh toán 50% được nhận nhà, phần còn lại, khách hàng được ưu đãi thanh toán trong vòng 2 năm, không chịu lãi suất.

Sacomreal vừa công bố chào bán giai đoạn hai dự án đất nền biệt thự Arista Villas, giá từ 9,9 triệu đồng/m2. Khách hàng chỉ cần thanh toán 260 triệu đồng sẽ được nhận nền xây dựng ngay, phần còn lại thanh toán trong vòng 24 tháng. Arista Villas cung cấp nhiều loại đất nền gồm biệt thự với nhiều loại diện tích, từ 112 - 520 m2. 

Ngày 6/3, Dự án Mega Residence do CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền làm chủ đầu tư cũng mở bán đất nền. Dự án tọa lạc tại quận 9, TP HCM, nằm ngay mặt tiền đại lộ 60 m vành đai trong, gần cao tốc Long Thành - Dầu Giây. Giá bán 13,5 triệu đồng/m2 gồm giá trị nhà và đất đã có thuế VAT. Điểm ưu đãi là khách hàng được hỗ trợ vốn vay đến 70% giá trị căn hộ với lãi suất thấp nhất từ Eximbank hay Vietcombank.

Tin bài liên quan