1. Câu chuyện đầu tiên liên quan đến quy định tại Thông tư vừa được Bộ Xây dựng ban hành. Đó là quy định nếu trường hợp hộ gia đình, cá nhân tái định cư nhưng không có nhu cầu mua nhà tái định cư mà muốn mua, thuê nhà ở xã hội phải có đơn đề xuất vị trí dự án nhà ở xã hội, đề nghị UBND cấp quận, huyện xem xét, giải quyết. (Sẽ xóa sổ nhà tái định cư?, Tiền phong, 7/6).
Nói đến nhà ở tái định cư là lại nghĩ đến hình ảnh những tòa nhà lem nhem, bong tróc, nứt ngang dọc. Theo ông Nguyễn Viết Thắng, cư dân tại khu tái định cư Đền Lừ, những hôm trời mưa, nước từ tầng trên nhỏ xuống tầng dưới, thấm như ở ngoài trời “cả nhà phải đi sơ tán vì nhà dột quá”. Hay nhà tái định cư Dịch Vọng, Cầu Giấy có trần và tường bị thấm dột từ nhiều tháng qua nhưng không ai xử lý, “mỗi lần trên tầng tắm rửa là bị nước giội lên đầu”, hay cảnh mất nước ở khu tái định cư Nam Trung Yên nhiều năm nay, nhưng không có đơn vị nào đứng ra giải quyết.
Để giải quyết bài toán chất lượng nhà tái định cư, mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất bỏ khái niệm “nhà tái định cư và không cấp phép xây dựng cho dự án nhà tái định cư mới. Thay vào đó sẽ là những dự án nhà ở xã hội có dành tỷ lệ nhất định căn hộ phục vụ tái định cư.
TS. Vũ Đình Ánh, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, cho rằng, việc thay thế nhà tái định cư bằng nhà ở xã hội sẽ giải quyết được vấn đề về diện tích căn hộ, mức giá, “nhưng hiện nhiều nhà xã hội đưa vào sử dụng chất lượng kém không khác gì nhà tái định cư”.
Bỏ khái niệm nhà tái định cư, nhưng nhà ở xã hội thì cũng chỉ là “bình mới rượu cũ” so với nhà tái định cư. Dân cư thuộc diện tái định cư “chạy trời đâu khỏi dột”!
2. Câu chuyện thứ hai vẫn là chất lượng của cư dân các tòa chung cư, nhưng đây là chung cư thương mại, được coi là dự án nhà ở thương mại có giá rẻ nhất Hà Nội- Chung cư Đại Thanh (quận Thanh Trì) do doanh nghiệp của “đại gia điếu cày” Nguyễn Thanh Thản làm chủ đầu tư. (Sống khổ ở chung cư Đại Thanh, tinnhanhchungkhoan, 5/6).
Chung cư Đại Thanh được bàn giao nhà và đưa vào sử dụng từ cuối năm 2013, hiện có gần 4.000 hộ dân sinh sống, đa phần là các gia đình trẻ. Thế nhưng, tình trạng thiếu nước, thậm chí mất nước tới cả tháng trời là tình cảnh mà nhiều hộ dân tại chung cư Đại Thanh đang phải đối mặt.
Theo phản ánh của các hộ dân sống tại tòa nhà CT10, trong 3 tòa nhà, chỉ có tòa B có nước, tòa A, tòa C rất ít. Tương tự, nhà CT8 cũng đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. May mắn ra, mỗi ngày được cấp nước 5 - 10 phút, các cư dân phải huy động xô chậu để dự trữ nước, còn không các hộ phải xách nước từ tầng 1 lên. Một chủ căn hộ tại tầng 15 nhà CT8B cho hay, thời gian này, anh phải xin cơ quan không cử đi công tác, “vì không có anh ở nhà, vợ con không có nước mà dùng”.
Ngoài lý do ảnh hưởng từ việc vỡ đường ống nước Sông Đà, thì có nguyên nhân là chủ đầu tư tiết kiệm chi phí ống nhánh, khiến nước khó hoặc không thể đến được các tòa ở xa.
Chuyện cũng không khó hiểu, tiền nào thì của nấy. Chung cư Đại Thanh từng được đánh giá là rẻ hơn cả nhà ở xã hội gần đó, mà chất lượng nhà ở xã hội thì…
3. Câu chuyện thứ ba liên quan đến cách ứng xử trái ngược trước các nhà thầu kém năng lực.
Vẫn liên quan đến câu chuyện nóng không chỉ của riêng cư dân chung cư Đại Thanh mà của hàng vạn cư dân Hà Nội, là thiếu nước do đường ống nước Sông Đà bị vỡ, ngày 5/6, UBND TP. Hà Nội đã giao cho Tổng Công ty Vinaconex nghiên cứu, lập dự án đầu tư giai đoạn 2 dự án cấp nước từ Hòa Bình về Hà Nội. Điều đáng nói, Tổng công ty tiến hành thực hiện dự án lần này chính là nhà thầu thực hiện đường ống dẫn nước sông Đà, đã 6 lần vỡ mà chưa tìm được nguyên nhân.
Tại cuộc họp báo của Thành ủy Hà Nội, ngày 6/5, lãnh đạo Tổng công ty Vinaconex, thừa nhận nguyên nhân là do không xử lý nền đất trước khi đặt, chôn đường ống nước dẫn nước sạch bằng sợi thủy tinh và có nhiều nguyên nhân khác nhau, chưa thể tìm rõ.
Ngay sau đó, Phó chủ tịch UBND TP cũng thống nhất cho thi công gấp 10 km tuyến ống số 2 dẫn nước từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội và phải khởi công ngay trong tháng 6/2014. TP sẽ hỗ trợ chênh lệch lãi suất theo cơ chế hiện hành. Nếu Tổng công ty Vinaconex không triển khai, TP sẽ giao cho đơn vị khác. (Ống nước vỡ 6 lần: Nhà thầu nhận xây đường ống mới, Đất Việt, 5/6).
Trong khi đó, UBND Đà Nẵng vừa có văn bản đồng ý chủ trương chấm dứt hợp đồng đối với 4 nhà thầu đang thi công các dự án do Ban quản lý các dự án tái định cư, Ban quản lý dự án Hạ tầng giao thông đô thị, Ban quản lý dự án Giao thông nông thôn, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính và CTCP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng điều hành.
4 nhà thầu bị chấm dứt hợp đồng gồm: Công ty TNHH MTV Tân Hội Phát (Lô 9A Lê Đại Hành, Q. Cẩm Lệ), CTCP Bình Trung (110 Tô Hiến Thành, Q. Sơn Trà), CTCP ECICO (số 51V Nguyễn Chí Thanh) và CTCP Thành An (xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).
Đồng thời, không cho phép 4 nhà thầu nêu trên tham gia đấu thầu các gói thầu thuộc dự án đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố. (Đà Nẵng: Loại 4 nhà thầu không đảm bảo năng lực, Thời báo Ngân hàng, 5/6)
4. Câu chuyện thứ tư là tình trạng lãng phí đất đai, khi các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch, rồi bỏ hoang khắp nơi (Bạt ngàn khu công nghiệp bỏ hoang, Thanh niên, 4/6/2014).
Đằng sau các dự án hoang vắng này còn là số phận của rất nhiều người đã mất đất, mất vườn với hy vọng sẽ tìm được việc làm khi khu công nghiệp hình thành.
Khu công nghiệp dịch vụ dầu khí Soài Rạp (xã Gia Thuận và thị trấn Vàm Láng, H.Gò Công Đông, Tiền Giang) thành lập từ năm 2007, với diện tích 285 héc-ta, nhưng đến nay chỉ có một nhà máy của CTCP Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam xây dựng trên diện tích 18 héc-ta. Hàng trăm héc ta còn lại, trước đây vốn là rừng phòng hộ và đất nuôi tôm của người dân bị thu hồi, vẫn bỏ hoang cho cỏ mọc. Hay khu công nghiệp Lai Vu (huyện Kim Thành, Hải Dương) rộng 212,98 héc-ta cũng chỉ thu hút được vài dự án, còn đa phần đất vẫn bỏ hoang cả chục năm qua.
Tỉnh Hà Nam có 8 khu công nghiệp thì đa phần bỏ hoang, điển hình như khu công nghiệp Hòa Mạc, Châu Sơn, Đồng Văn 2…
Xót đất, người nông dân gần nhiều khu công nghiệp bỏ hoang đã có sáng kiến đào ao, nuôi cá, hay thuê lại đất khu công nghiệp để trồng trọt, chăn nuôi.
Khảo sát mới đây của chi nhánh VCCI tại Cần Thơ cho thấy, đồng bằng sông Cửu Long hiện có 74 khu công nghiệp và 214 cụm công nghiệp được đưa vào quy hoạch, xây dựng với tổng diện tích hơn 42.000 héc-ta. Tuy nhiên, đáng giật mình là phần lớn các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chỉ sử dụng khoảng 5 - 40% diện tích đất, số còn lại hầu như bị bỏ hoang phí.
5. Trong tuần, cũng có một thông tin đáng chú ý, đó là UBND tỉnh Quảng Ninh vừa công bố, Tập đoàn Nakheel (Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất - UAE) sẽ xúc tiến việc triển khai đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Hạ Long Star ngay trong tháng 6.
Dự án Hạ Long Star, quy mô diện tích khoảng 125 héc-ta, tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 550 triệu USD. Mục tiêu dự án là xây dựng một khách sạn 5 sao với 250 phòng, một khách sạn hạng sang 100 phòng, 226 biệt thự, 85 nhà phố, 114 căn hộ và trung tâm thương mại
Được biết, Nakheel là chủ đầu tư nhiều dự án hàng đầu Dubai, trong đó có dự án bất động sản nổi tiếng thế giới Đảo Cây Cọ. Trước đó, Tập đoàn Đầu tư Dubai ICD với khối tài sản quản lý lên tới 120 tỷ USD cũng đang chuẩn bị kế hoạch tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án bất động sản.
Theo đó, đoàn đã có các buổi làm việc với một số Tập đoàn đầu tư lớn của Dubai (Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất) về việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế Vân Đồn và các dự án trọng điểm của tỉnh. (Tập đoàn nước ngoài “dòm ngó” thị trường bất động sản Việt Nam, VNMedia, 5/6).
6. Tuần qua, thị trường đón nhận thông tin về một số dự án mở bán sau:
Tại TP. HCM, Dự án căn hộ The Eastern mở bán với giá căn hộ từ 1,2 tỷ đồng. Dự án The Eastern (299 Liên Phường, quận 9, TP. HCM) nằm gần tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây, kết nối xuyên suốt với khu trung tâm TP. HCM qua hầm Thủ Thiêm, cách chợ Bến Thành khoảng 15 phút chạy xe. Trong tương lai, từ The Eastern đi đến trạm metro Bến Thành - Suối Tiên từ 8-10 phút (khoảng 5km).
Theo chủ đầu tư, căn hộ The Eastern được thiết kế theo hướng tận dụng gió trời. Dự án đã hoàn thành đúng hạn và giao nhà từ tháng 10/2013, bàn giao được 50%, trong đó 200 căn đã có người vào ở. The Eastern còn đón thêm số lượng khách thuê đến từ công ty đa quốc gia và các chuyên gia từ khu công nghệ cao quận 9.
Ngoài chính sách thanh toán ưu đãi chỉ 30% nhận nhà ở ngay, khách hàng mua căn hộ trong tháng 6 còn được tặng gói nội thất cao cấp của Hàn Quốc lên đến 110 triệu đồng.
Cũng tại TP. HCM, CTCP Vạn Phát Hưng đã mở bán đất nền Dự án La Casa ven sông, với giá từ 3,2 tỷ đồng. Khu đất nền nhà phố La Casa có hai loại diện tích 140m2 và 210 m2, được bán với mức giá từ 3,2 tỷ đồng với lịch thanh toán dài hạn cùng nhiều chính sách ưu đãi cho khách hàng.
La Casa nằm tại khu Nam Sài Gòn, ngay góc đường Hoàng Quốc Việt - Đào Trí, quận 7, TP. HCM. Dự án gồm 5 block cao 25-35 tầng, với 1.795 căn hộ, khu đất nền có 66 căn, khu trường học cao 5 tầng và khối podium nổi 6 tầng làm khu thương mại, dịch vụ và bãi đậu xe.
Dự án có địa thế ven sông lớn, bao bọc bởi khúc quanh lớn nhất của sông Sài Gòn, có chiều rộng hai bờ 1,5km. Bên trong La Casa được tạo điểm nhấn bằng không gian thác nước chảy từ tầng trên cùng của khối podium nổi 6 tầng xuống khu sinh hoạt cộng đồng, hồ cảnh quan, công viên... Sau khi hoàn thành block 1A, block 1B và bàn giao nhà thô cho khách hàng vào cuối năm 2013, chủ đầu tư là CTCP Vạn Phát Hưng đang triển khai bán đất nền nhà phố cho các khách hàng có nhu cầu ở và kinh doanh.
Hung Thinh Land vừa mở bán chính thức căn hộ dự án 8X Thái An, đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TP. HCM. Dự án tọa lạc ngay cửa ngõ đô thị Sài Gòn, dự án chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 7km, sân bay Tân Sơn Nhất 15 phút đi xe. Dự án gồm 1 block cao 11 tầng, với gần 200 căn hộ. Khối tháp đế 2 tầng của tòa nhà dành làm trung tâm thương mại, khu mua sắm, nhà trẻ… và 2 tầng hầm để xe. Các căn hộ có diện tích dao động từ 54 – 60 m2, giá bán từ 725 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/căn hộ, khách hàng chỉ cần có thu nhập trung bình từ 6 triệu đồng/tháng sẽ có cơ hội sở hữu căn hộ tại đây.
Được biết, hiện dự án đang thi công phần thô đến tầng 4, dự kiến chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà vào quý IV/2014.
Còn tại Đà Nẵng, vào ngày 6/6, CTCP Đầu tư Đà Nẵng Miền Trung (DMT) chính thức mở bán 100 nền đất Dự án Khu đô thị Yên Thế - Bắc Sơn giai đoạn 1. Dự án nằm trên địa phận phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, có diện tích quy hoạch 10 héc-ta, tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng.
Giá bán đất nền chỉ từ 455 triệu đồng/nền. Khách hàng sẽ được chiết khấu 8% giá trị nếu thanh toán thành 3 đợt trong vòng 45 ngày; được chiết khấu 4% nếu thanh toán thành 3 đợt trong vòng 120 ngày. Khách hàng cũng được BIDV và MB Bank tài trợ vay vốn mua nhà đến 80% tổng giá trị nền đất với lãi suất ưu đãi trong thời hạn từ 15-20 năm.