1. Dư luận xôn xao vụ Resort không phép “mọc” giữa Vườn Quốc gia Ba Vì.
Dự án Le Mont Bavi Resort & Spa do Công ty TNHH Phát triển Công nghệ (CFTD) làm chủ đầu tư trở thành tâm điểm của dư luận những ngày gần đây khi báo chí phanh phui việc dự án này “tồn tại” không phép suốt 8 năm tại Vườn Quốc gia Ba Vì (Ba Vì, Hà Nội).
Về diễn biến vụ việc, ngay sau phản ánh của báo chí, ngày 29/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã có ý kiến chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Vườn Quốc gia Ba Vì yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công kể từ ngày 1/3, đồng thời tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra làm rõ vụ việc và báo cáo lại trước ngày 4/3.
Đến ngày 5/3, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp tạm đình chỉ công tác điều hành Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì và cán bộ liên quan nếu có dấu hiệu tham nhũng hoặc cản trở công tác thanh tra.
Được biết, Dự án Le Mont Bavi Resort & Spa bắt đầu khởi động từ năm 2008, khi Vườn Quốc gia Ba Vì kí hợp đồng liên kết với Công ty TNHH phát triển công nghệ (CFTD) xây dựng khu dịch vụ du lịch sinh thái, kết hợp bảo vệ rừng. Theo đó, Vườn Quốc gia Ba Vì giao cho đơn vị này thuê 56,5 ha rừng tại độ cao 600 đến 800 m trong thời hạn 53 năm (từ năm 2008 đến 2061) với giá thuê 8 tỷ đồng.
Trả lời báo chí, dù thừa nhận xây dựng khi chưa được cấp phép, đại diện chủ đầu tư vẫn khẳng định, doanh nghiệp đã tiến hành xin đầu tư dự án theo đúng chủ trương, đúng quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Sau 8 năm xây dựng không phép trên khu vực được xem là nằm trong "thế trận quốc phòng đặc biệt quan trọng", đến nay khi công trình đã gần như đã hoàn tất và đưa vào sử dụng, Le Mont Bavi Resort & Spa vẫn không hề bị bất kỳ cơ quan chức năng nào “sờ gáy”.
Trước những điểm kỳ lạ của vụ việc, dư luận đang mong chờ sự điều tra làm rõ của các Bộ, ngành liên quan.
2. Sở Xây dựng Hà Nội công bố 26 dự án được “bán nhà trên giấy”
Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách 26 chủ đầu tư và dự án được Sở chấp thuận bất động sản hình thành trong tương lai đủ điều kiện kinh doanh theo quy định.
Theo đó, dự án có số lượng nhà ở ít nhất được phê duyệt lần này là dự án Khu nhà ở công trình công cộng, thể thao của Công ty đầu tư phát triển hạ tầng VIGLACERA với 33 lô.
Dự án Khu chức năng đô thị tại khu đất Dệt 8/3 và Hanosimex do CTCP phát triển đô thị Nam Hà Nội làm chủ đầu tư có số căn hộ hình thành trong tương lai đủ điều kiện kinh doanh nhiều nhất với 2.368 căn.
Thống kê của Vnexpress, trong số các dự án được "bán nhà trên giấy" vừa được công bố, đa số là chung cư thuộc phân khúc giá rẻ hoặc trung bình, như dự án tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (Bright City, Hoài Đức), dự án nhà ở hỗn hợp cao tầng - Đồng Phát (Hoàng Mai), tòa CT7-CT8 tại Khu đô thị Đặng Xá...
Bên cạnh đó, một số dự án cao cấp cũng được phép bán như Dự án Hải Đăng City (Mỹ Đình II), 33 lô liền kề thuộc dự án Khu nhà ở công trình công cộng, thể thao (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình), Khu nhà ở sinh thái Xuân Phương (Tasco), tổ hợp công trình hỗn hợp Pandora (Triều Khúc, Thanh Xuân), dự án khu biệt thự - khu Đoàn ngoại giao (Bắc Từ Liêm).
3. Nhận định về phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng 2016
Phát biểu tại hội thảo “Bất động sản nghỉ dưỡng 2016: Tiềm năng & Thách thức” diễn ra tại TP. HCM mới đây, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển của CBRE Việt Nam nhận định phân khúc BĐS nghỉ dưỡng sẽ có bước phát triển đột phá trong năm 2016.
Lý do là vì trong năm nay tốc độ tăng trưởng khách du lịch tại các khu biển nghỉ dưỡng là rất khả quan. Khách tới các điểm Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc tăng đột biến qua mỗi năm với khả năng chi trả du lịch tăng rất cao, đặc biệt là chi trả cho dịch vụ du lịch 4 và 5 sao. Công suất phòng tại phân khúc nghỉ dưỡng 4 và 5 sao tại Phú Quốc lên tới trên 90%.
Đặc biệt, trong 3 loại bất động sản phổ biến, thì tỷ suất lợi nhuận của bất động sản hướng biển được xem là cao nhất.
Đối với nhà phố, tỷ suất sinh lợi của căn hộ khoảng 3-6%/năm, văn phòng cho thuê 8-10%/năm, còn bất động sản biển là 10-16%/năm. Hiện nay, khi triển khai các dự án hướng biển, các chủ đầu tư đều cam kết mức thấp nhất là 7-8%/năm.
Ngoài ra, khả năng tăng giá của dòng sản phẩm này trong dài hạn cũng cao hơn so với các suất đầu tư bất động sản khác.Đây cũng là kênh đầu tư được dự báo sẽ tạo “sóng” và trở thành xu hướng đầu tư trong năm 2016.
Đặc biệt, với quỹ đất không còn nhiều, các dự án sở hữu vị trí đẹp và tính pháp lý rõ ràng đã và đang được rất nhiều các nhà đầu tư săn đón.
Chuyển động địa ốc
Ngày 2/3, Công ty TNHH Keppel Land ký kết thỏa thuận đầu tư có điều kiện để nắm giữ 40% cổ phần tại Công ty TNHH Empire City - đơn vị sẽ bỏ ra 1,2 tỉ đô la Mỹ để xây dựng khu phức hợp tháp quan sát cao 86 tầng ở Khu đô thị Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM. Giao dịch dự kiến sẽ hoàn tất vào quý 2/2016.
Sau giao dịch, Keppel Land trở thành cổ đông lớn nhất trong Liên doanh Empire City bên cạnh hai đối tác Việt Nam là CTCP Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái (hai công ty này góp 30% vốn) cùng Quỹ đầu tư Bất động sản tư nhân Gaw Capital Partners có trụ sở tại Hồng Kông góp 30%.
Ngày 4/3, Tập đoàn Vingroup chính thức khởi công dự án Khu đô thị phức hợp Vinhomes Riverside Hải Phòng. Dự án có tổng diện tích 78,5ha, tọa lạc tại phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng. Vinhomes Riverside Hải Phòng sẽ bao gồm các khu nhà ở thấp tầng, cao ốc, công trình công cộng, mặt nước, cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
Ngày 5/3, Sàn giao dịch bất động sản Hoàng Vương - đơn vị độc quyền phân phối dự án Hanoi Landmark 51 mở bán đợt 2 căn hộ chung cư cao cấp Hanoi Landmark 51, giá bán từ 21 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT).
Hanoi Landmark 51 có vị trí nằm trong quần thể liền kề biệt thự cao cấp, ngã tư Lê Văn Lương kéo dài giao cắt đường Vạn Phúc, quận Hà Đông. Với 51 tầng, 688 căn hộ, đây là tòa nhà cao nhất quận Hà Đông và cao thứ ba Hà Nội, và là dự án chung cư cao cấp do Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Đà 101 và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor làm chủ đầu tư.
Ngày 6/3, UBND phường Điện Biên tổ chức thực hiện việc cưỡng chế phần sai phạm của công trình dự án 8B Lê Trực, sau khi chủ đầu tư là Công ty Cổ phần May Lê Trực không tự giác tháo gỡ hết phần xây trái phép.