1. Rà soát 60 khu đất vàng: Không có chuyện dừng dự án
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hoá. Trong danh sách này có tới 60 dự án được nêu tên.
Ngay lập tức, thông tin này đã gây ra chấn động toàn thị trường. Người mua nhà hoang mang lo lắng trong khi các chủ đầu tư bất ngờ không hiểu vì đâu lại có chuyện này.
60 dự án trong danh sách tham khảo do Bộ Tài chính gửi lên Thủ tướng Chính phủ là các dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong đó bao gồm nhiều dự án lớn tại Hà Nội và TPHCM.Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng nhiều dự án chưa xác định giá đất chưa đầy đủ và đúng với giá thị trường và việc đánh giá việc xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định.
Vì thế, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá.
Bản danh sách vừa được công khai đã lập tức gây chấn động thị trường, người dân mua nhà có tên trong danh sách 60 dự án trên rất lo lắng tài sản của mình đang hợp pháp bỗng có nguy cơ ảnh hưởng.
Họ lo sợ dự án bị tạm ngừng thi công sẽ ảnh hưởng tới tiến độ, và nếu ngừng thì bao giờ mới thi công trở lại. Thậm chí với những dự án sắp bàn giao cũng lo lắng có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không.
Nhưng lo lắng nhất là các chủ đầu tư dự án. Giám đốc một dự án trong danh sách này tỏ ra rất tâm tư và theo ông, BĐS luôn luôn nhạy cảm, với thông tin thanh tra sẽ khiến cho bất kỳ dự án nào dính phải sẽ bị đặt vào vùng nhạy cảm. Mặc dù người trong nghề hiểu đây chỉ là đề xuất tham khảo để xem ai vi phạm hay không vi phạm, là việc bình thường...
Tuy nhiên, với khách hàng việc dự án thanh tra có thể khiến cho họ chùn bước, gây ảnh hưởng đến dự án và DN.
Thực tế, trong số 60 dự án bất động sản được chuyển đổi trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Bộ Tài chính kiến nghị Thanh tra Chính phủ rà soát việc sử dụng đất, theo HoREA có nhiều dự án đã hoàn thành, người dân sinh sống ổn định, có những dự án đang triển khai thi công, có những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư... nên cần có giải pháp xử lý phù hợp để vừa đảm bảo không làm thất thu ngân sách nhà nước, đảm bảo lợi ích chính đáng của nhà đầu tư và nhất là phải tôn trọng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà.
Đánh giá về vấn đề này, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia tư vấn bất động sản, cho rằng: “Việc định giá đất như thế nào trong vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đó là chuyện của Nhà nước chứ không phải các doanh nghiệp triển khai BĐS làm sai.
Việc thanh tra trước hết phải là quy trình tức cơ quan nhà nước như các sở, ban, ngành, cục thuế các tỉnh thành, thậm chí là UBND địa phương chứ không phải là doanh nghiệp BĐS”.
Hơn nữa, theo ông Quang, danh sách trên chỉ là danh sách tham khảo và việc thanh tra, kiểm toán là chuyện hết sức bình thường không có vấn đề gì hết.
DN nhận đất làm dự án thì cần thủ tục gì, nộp tiền bao nhiều thì theo quy định vì dự án chỉ có thể tiến hành khi đủ thủ tục pháp lý, hoàn thành đủ trách nhiệm tài chính. >> Chi tiết
2. Cư dân Mipec Long Biên phản đối chủ đầu tư
Theo thông tin ghi nhận tại TP Hà Nội, chiều 8/5 vừa qua, cư dân chung cư Mipec Riverside Long Biên đã tổ chức căng băng rôn phản đối Chủ đầu tư vì không chấp nhận các mức phí dịch vụ, phí trông giữ ô tô quá cao mà chủ đầu tư đưa ra.
Theo phản ánh của cư dân chung cư Mipec Riverside Long Biên, phí dịch vụ hàng tháng mà chủ đầu tư thu của cư dân mức 10.000 đồng/m2 là không hợp lý khi phí thì cao nhưng tiện ích được hưởng không tương xứng. Cụ thể, tòa nhà chưa có bất cứ một tiện ích gì phục vụ người dân khi bể bơi thì chưa xong, khuôn viên và cây xanh cũng không có….
Cùng với đó, mức giá trông giữ ô tô do chủ đầu tư đưa ra là 1,8 triệu đồng/tháng hoặc 4.000 đồng/giờ bị cư dân kịch liệt phản đối vì quá cao so với mặt bằng chung của nhiều khu chung cư tại Hà Nội.
Được biết, sau buổi tập trung phản đối này, cư dân đã chốt được với chủ đầu tư sẽ có một buổi họp ngay trong tuần để cùng đàm phán các vấn đề.
Theo ông Nguyễn Trung Nguyên, Trưởng ban đại diện lâm thời tòa nhà Mipec Riverside Long Biên, ban đại diện cư dân cũng đã vài lần có văn bản kiến nghị các bất cập tồn tại tới chủ đầu tư .
Cụ thể, việc tổ chức giao thông trong nội bộ khuôn viên tòa nhà hiện rất bất cập, cư dân đi lại rất khó khăn, làm phức tạp thêm cho tình hình giao thông các tuyến phố xung quanh. Cư dân đã đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo mở ngay lối đi tại sảnh B1 và lối đi thông từ Long Biên 2 vào sảnh B2, để tháo gỡ các bất cập về giao thông.
Đến nay nhiều hạng mục tòa nhà còn dở dang, việc thi công hoàn thiện còn rất chậm nhiều khả năng không hoàn tất trước tháng 7/2017 như cam kết nên ban đại diện cũng đã đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện.
Tòa nhà Mipec Riverside (Long Biên - Hà Nội) do Công ty CP Hóa Dầu Quân Đội làm chủ đầu tư cao 35 tầng bắt đầu đi vào hoạt động cuối năm 2016 vừa qua. Trong đó, từ tầng 1 - 6 là khu thương mại gồm các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng, dịch vụ ngân hàng, trung tâm thể dục thể thao trong nhà. Từ tầng 7 - 35 là các căn hộ cao cấp.
3. Chính Phủ đồng ý đầu tư 3 công trình giao thông lớn tại TP.Hồ Chí Minh
Phà Cát Lái
Theo Saigon Times, văn bản số 631 được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 9-5, Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch giao thông TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 với 3 dự án.
Thứ nhất, cầu Cát Lái, xây dựng để thay thế phà Cát Lái hiện nay. Cầu được xây dựng vượt sông Đồng Nai để nối quận 2 (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn khoảng 4,5 km, mặt cắt ngang rộng 60 mét, đảm bảo 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Thời gian xây dựng từ năm 2017-2020.
Theo tính toán của chính quyền TPHCM, dự kiến, tổng mức đầu tư cầu Cát Lái khoảng 5.700 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi vay và lợi nhuận đầu tư); chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.225 tỉ đồng
Thứ hai là cầu Cần Giờ để thay thế phà Bình Khánh. Cầu Cần Giờ sẽ bắc qua sông Soài Rạp nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn khoảng 7,3 km, mặt đường rộng 40 mét đảm bảo 4 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Thời gian xây dựng từ năm 2017-2020.
Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến là 5.303 tỉ đồng, chưa tính kinh phí bồi thường giải tỏa mặt bằng.
Thứ ba là dự án đường song song với quốc lộ 50 nối huyện Nhà Bè (TPHCM) đến huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An với chiều dài 8,6 km, chiều rộng 40 mét, đảm bảo 6 làn xe cơ giới. Thời gian xây dựng dự án này từ năm 2017-2020.
4. TP.HCM: Bụi vải “tấn công” hơn 20.000 hộ dân ở chung cư Ehome 3
Theo Dân trí, nhiều hộ dân ở chung cư Ehome 3 (quận Bình Tân, TPHCM) bày tỏ bức xúc khi đang sống trong tình trạng ô nhiễm vì... bụi lạ dạng vải sợi tấn công. Nhiều tháng nay, người dân ở chung cư này không dám mở cửa. Mỗi khi mở ra mà quên đóng hay để lâu thì bụi vải bay ngay vào nhà. Loại bụi này dính chặt và khó lau.
Không chỉ ở tầng trệt, những căn ở tầng cao cũng bị bụi vải "không mời mà đến". Bụi bay lơ lửng và dày đến mức nếu đứng trong bóng tối, bật đèn pin soi thì sẽ nhìn thấy rõ.
Trên từng vành sắt màu đen của lồng quạt đã bị bụi vải bám trắng như tuyết (Ảnh: Sỹ Lý)
Anh Bùi Văn Hảo, cư dân ở đây cho biết, do bụi bám nhiều nên anh cũng như các cư dân khác phải dùng lưới chụp lồng quạt, chụp cửa chính để ngăn bụi. Nếu không lau chùi thường xuyên hoặc quên đóng cửa vài giờ đồng hồ thì bụi sẽ bám đầy. Chỉ tay vào chiếc quạt, anh Hảo lắc đầu ngao ngán khi trên từng vành sắt màu đen của lồng quạt đã bị bụi vải bám trắng như tuyết.
Không chỉ cuộc sống bị đảo lộn, theo phản ánh của cư dân, nhiều trẻ con ở khu chung cư này bị viêm đường hô hấp, viêm phế quản, ho, hen suyễn, thở dốc... phải nhập viện do hít phải bụi lạ.
"Ban đầu, tôi tưởng rằng loại bụi lạ này là bụi đường, bụi sỏi, hay đá, cát ở công trình gần đó bay đến. Nhưng giờ đây công trình đã xong rồi mà bụi vẫn còn. Tôi nghĩ thủ phạm là nhà máy may mặc bên cạnh đây chứ không đâu hết", anh Hảo nói.
Được biết, chung cư Ehome 3 do Tập đoàn Nam Long làm chủ đầu tư, hiện có hơn 20.000 hộ dân sinh sống tại 14 toà nhà. Tuy nhiên, bên cạnh khu dân cư mới sầm uất thì nơi đây vẫn còn tồn tại nhà máy may mặc của Công ty TNHH Top Royal Việt Nam.
Ehome 3 hiện có hơn 20.000 hộ dân sinh sống tại 14 toà nhà
Năm 2014, người dân sống ở chung cư Ehome 3 đã gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng vì không chịu nổi tiếng ồn, bụi vải của Top Royal.
Sau khi kiểm tra, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Tân xác định tại thời điểm phúc tra, Công ty TNHH Top Royal Việt Nam, công ty đã di dời máy nén khí ra khỏi khu vực tiếp giáp với chung cư Ehome 3 và xây bể thu gom, lắng lọc bụi không để bụi phát sinh ra bên ngoài.
Tuy nhiên, cư dân Ehome 3 cho rằng, thời gian gần đây, bụi vải đã trở lại "lợi hại hơn xưa" và mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương có biện pháp xử lý mạnh tay, để tình trạng này không còn tái diễn.
Đây không phải là lần đầu tiên người dân ở chung cư khốn khổ vì bị ô nhiễm môi trường. Trước đó, hàng nghìn cư dân khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng từng cầu cứu chính quyền vì bị mùi hôi thối tấn công trên diện rộng. Mùi xuất hiện nhiều lần trong ngày, kéo dài 2-3 giờ, khiến người dân có cảm giác buồn nôn, phải đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà.
Chuyển động địa ốc
Ngày 13/5, Vietcomreal khai trương tổ hợp khu nhà mẫu tại lầu 2, tòa nhà Lakai, số 98 Nguyễn Tri Phương, quận 5, TP HCM.
Trong lễ khai trương, Vietcomreal giới thiệu các căn hộ mẫu từ 2 đến 3 phòng ngủ với nhiều diện tích, phục vụ linh hoạt cho nhiều đối tượng khách hàng. Sản phẩm shophouse của Vietcomreal với mức giá chỉ từ 1,4 tỷ đồng hút khách cũng được giới thiệu.
Ngày 14/5, dự án Xi Grand Court tiến hành làm lễ cất nóc. Xi Grand Court do CTCP Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận làm chủ đầu tư được khởi công từ tháng 6/2015.
Dự án tọa lạc tại số 256 - 258 đường Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP.HCM. Với tổng diện tích 17.940,5m2, Xi Grand Court được thiết kế với 4 Block căn hộ, cao từ 27 đến 29 tầng. Các căn hộ dự án có diện tích đa dạng từ 70 đến 109m2, 70% căn hộ của dự án là căn góc sở hữu hai mặt thoáng.