1. Gần 40 dự án có sai phạm về quy hoạch, xây dựng tại Hà Nội
Đoàn Thanh tra liên ngành mới đây đã có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội về thực hiện thanh tra, kết luận đối với các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội có sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng đất.
Theo đó, Đoàn Thanh tra liên ngành đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại 50 dự án được lựa chọn ngẫu nhiên để thanh tra. Kết quả thanh kiểm tra cho thấy, có 38 dự án có sai phạm về quy hoạch, xây dựng.
Bên cạnh đó, nhiều dự án chưa thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy hoặc còn vướng mắc về nộp tiền sử dụng đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; tự ý chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư thứ cấp không đúng quy định.
Capitaland Hoàng Thành
Theo Dân trí, Báo cáo cũng đã điểm danh từng chủ đầu tư với từng sai phạm cụ thể. Điển hình như khu chung cư và thương mại dịch vụ hỗn hợp Capitaland Hoàng Thành (phường Mộ Lao, quận Hà Đông).
Chủ đầu tư Chung cư này chưa làm thủ tục xác định và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số căn hộ được điều chỉnh tăng từ 992 lên 1.478 căn. Đến thời điểm thanh tra, Công ty chưa nộp phí xây dựng theo Kết luận 10660 do Sở Xây dựng ban hành tháng 12/2014.
Dự án chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình (Thanh Xuân), do Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và CTCP Đầu tư 135 làm chủ đầu tư đã tự ý xây tăng hàng chục căn hộ, xây dựng 4 căn hộ thông tầng 20 lên 21, xây dựng tầng 22 không có trong giấy phép xây dựng. Ngoài ra, dự án này còn đưa vào sử dụng khi chưa được phê duyệt nghiệm thu Phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Công ty Đầu tư phát triển đô thị và thiết bị vật tư Hà Nội 1, chủ đầu tư dự án khu nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng trên đường Nguyễn Tuân thì tự ý xây 2 tầng chung cư ngoài giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép nhiều diện tích, chưa nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích sử dụng thêm ngoài diện tích trúng đấu giá, chưa được nghiệm thu PCCC.
Dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng của Công ty cổ phần Hùng Tiến Kim Sơn, chủ đầu tư xây tăng 2 tầng so với giấy phép xây dựng, công trình sử dụng khi chưa được nghiệm thu PCCC.
Dự án Toà nhà chung cư - Trung tâm thương mại và dịch vụ tại 200 Quang Trung, Hà Đông của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Bình Vượng tự ý xây tăng thêm 5 tầng, chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu về phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, danh sách còn có Công ty cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội tự ý điều chỉnh tăng số lượng căn hộ tại các tầng, xây thêm 1 tầng hầm tại dự án ở Khu đô thị mới Sài Đồng; Công ty TNHH Hanotex tự ý xây dựng thêm 6 căn penhouse tại tầng kỹ thuật và tầng mái ở dự án 88 Láng Hạ...
Để xử lý các dự án vi phạm, Đoàn Thanh tra liên ngành đề xuất thành phố áp dụng những biện pháp cứng rắn đối với các chủ đầu tư vi phạm, đặc biệt là những doanh nghiệp nhiều lần chây ỳ không thực hiện biện pháp khắc phục theo chỉ đạo của cơ quan chức năng.
2. Thị trường hơn 90.000 khách ngoại vẫn chưa được khai phá
Thông tin nhiều người nước ngoài gửi đơn kiến nghị vì gặp vướng mắc trong việc mua nhà tại Việt Nam thời gian gần đây khiến câu chuyện “ách tắc” với hoạt động này tiếp tục được nhắc đến.
Theo ghi nhận của Diễn đàn Doanh nghiệp, sau hơn 20 tháng “mở cửa” cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thì đến thời điểm này số lượng người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng.
Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), tại thời điểm sau 1 năm Luật Nhà ở 2014 (hiệu lực từ 1/7/2015) cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam áp dụng chỉ có khoảng 700 người nước ngoài mua được nhà tại TP HCM. Con số này còn khá khiêm tốn so với mức 90.000 người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Đại diện CEN Group - một đơn vị tiếp thị dự án bất động sản lớn tại Hà Nội xác nhận, trong số hàng nghìn giao dịch thành công trong suốt hai năm qua thì số lượng người nước ngoài mua nhà chưa chiếm đến con số 5%.
Trong vai trò chủ đầu tư nhiều dự án lớn tại TP HCM, ông Nguyễn Nam Hiền - Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Hưng Thịnh Land nêu một số rào cản.
Cụ thể, trong luật quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân nước ngoài được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi “được phép nhập cảnh vào Việt Nam”, nhưng Nghị định 99 quy định thêm điều kiện “có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh vào hộ chiếu”, nghĩa là phải vào lãnh thổ Việt Nam trên thực tế, dẫn đến có những cách hiểu khác nhau.
Hay Luật Nhà ở 2014 quy định dự án nhà ở phải đủ điều kiện mới được mở bán. Như vậy, những người ở nước ngoài muốn về Việt Nam đúng thời điểm mua (ký hợp đồng với chủ đầu tư) sẽ rất khó sắp xếp. Những đối tượng này muốn mua được nhà ở chỉ còn cách tìm người “giữ chỗ” trước khi dự án mở bán hoặc nhờ người trong nước “mua trước” để sau này nhận chuyển nhượng hợp đồng hoặc mua lại khi được cấp giấy chứng nhận.
Rào cản còn liên quan đến vấn đề tài chính bởi thực tế tại Việt Nam chưa có nhiều ngân hàng mạnh dạn trong việc hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thủ tục cần thiết. Ngoài ra, việc chuyển tiền từ nước ngoài vào hoặc từ Việt Nam ra nước ngoài vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, cũng chưa có quy định liên quan đến việc người nước ngoài được vay tiền mua nhà từ các ngân hàng trong nước.
Về vấn đề này, Công ty tư vấn Bất động sản JLL có 3 đề xuất: Thứ nhất, cần phải đơn giản hóa thủ tục theo đúng tinh thần của Luật Nhà ở 2014, các đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu Việt Nam cấp sẽ không bị ràng buộc về điều kiện “được phép nhập cảnh vào Việt Nam”.
Thứ hai, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài thì chỉ cần xin thị thực Việt Nam là đủ điều kiện mua nhà ở mà không cần phải vào lãnh thổ Việt Nam trên thực tế.
Thứ ba, người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài và người nước ngoài có thể ủy quyền cho người trong nước tham gia ký kết hợp đồng với các chủ đầu tư nhà ở thương mại, không phải tốn tiền và thời gian để về Việt Nam.
3. Sôi động bất động sản nghỉ dưỡng khu vực phía Bắc
SunWorld Ha Long Park
Công ty tư vấn Savills vừa đưa ra Báo cáo cập nhật một số tình hình thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phía Bắc, trong đó nhấn mạnh các địa phương du lịch nổi tiếng phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi hạ tầng giao thông đang được cải thiện mạnh mẽ. Bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết, trong vài năm trở lại đây, hạ tầng giao thông liên tỉnh liên tục được xây dựng và mở rộng. Bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng, các tiện ích vui chơi giải trí cũng được nâng cấp và mở rộng, điển hình là khu vui chơi SunWorld Ha Long Park của Tập đoàn Sun Group tại Hạ Long. Các sản phẩm du lịch vùng miền cũng có sự gia tăng mạnh mẽ khi các chủ đầu tư bất động sản lớn đang tiệm cận gần sát đến nhu cầu và quyết định đầu tư của khách hàng. Các dòng sản phẩm nhà phố thương mại đã rất thịnh hành, tiêu biểu như dự án Little Vietnam của Syrena, Vinhome Dragon Bay, Mon Bay Hạ Long... Hoạt động thị trường khách sạn tại một số địa phương du lịch phía Bắc có nhiều khởi sắc.
Chuyển động địa ốc
Ngày 18/4, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Tập đoàn BRG và Công ty Sumitomo Corporation Asia & Oceania đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân – Nội Bài.
Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ cùng nghiên cứu lập quy hoạch phân khu chức năng, cụ thể là hợp tác với Nhóm nghiên cứu Nhật Bản để tối ưu hóa quy hoạch tổng thể hiện tại của dự án đô thị Nhật Tân – Nội Bài do Tập đoàn BRG là chủ đầu tư lập quy hoạch và đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Ngày 23/4, chủ đầu tư Hoàng Phúc chính thức khai trương căn hộ mẫu 5 sao The Western Capital tại TP.HCM. Dự án tọa lạc tại trung tâm quận 6 . Chủ đầu tư thiết lập giá căn hộ 2 phòng ngủ chỉ 1,3 tỷ đồng, diện tích từ 50m2.
Khi đưa vào sử dụng, The Western Capital còn được đầu tư đầy đủ các tiện ích đẳng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cư dân như: Hồ bơi tràn 2 tầng rộng gần 600 m2, Đài vọng cảnh, Lobby 5 sao, công viên cây xanh, Clubhouse sang trọng, phòng gym và spa…