Vĩ mô được coi trọng
“Giá nhà đất quá cao, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn lớn, cộng thêm việc sụt giảm niềm tin đang tạo áp lực rất lớn cho thị trường địa ốc”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhà sáng lập - kiêm Tổng giám đốc Sen Vàng Group bắt đầu câu chuyện với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán khi nói về thị trường bất động sản năm 2023.
Về tín dụng ngân hàng, theo bà Ngọc, khả năng năm 2023 các doanh nghiệp lĩnh vực địa ốc vẫn khó tiếp cận. Do đó, thị trường vẫn sẽ phụ thuộc vào các chính sách vĩ mô, giải pháp để doanh nghiệp, thị trường có được dòng tiền.
Bà Ngọc cho biết, dù có nhiều ý kiến lạc quan cho rằng thị trường sẽ sớm tốt lên, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác để gỡ khó cho thị trường. Tuy nhiên, để hấp thụ các tin tốt này thì cần có độ trễ nhất định nên đa phần các thành viên thị trường sẽ tiếp tục quan sát, nghe ngóng, rồi mới có hành động cụ thể.
Đồng quan điểm, bà Lê Thu Hà, Tổng giám đốc Hà An Group cho rằng, câu chuyện của năm 2023 sẽ phụ thuộc nhiều vào các chính sách vĩ mô, đặc biệt là về tài chính.
“Thị trường bất động sản nếu vẫn trong cảnh không có thanh khoản thì dòng tiền không luân chuyển được và sẽ tạo thành các cục máu đông. Do đó, thị trường có bớt khó khăn hay không phụ thuộc nhiều vào sự điều chỉnh của Nhà nước, trong đó chính sách điều hành tiền tệ đóng vai trò then chốt. Điều cần thiết là phải mở room tín dụng, giảm lãi suất và lượng tiền bơm vào thị trường phải đủ lớn”, bà Hà phân tích.
Trả lời câu hỏi về công tác điều hành vĩ mô, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ, xử lý ngay và có thời hạn giải quyết cụ thể những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, nhiều đơn vị đã đề xuất giải pháp. Chẳng hạn, Bộ Tài chính đề xuất nội dung tháo gỡ khó khăn về trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước xử lý vấn đề về room tín dụng, Bộ Xây dựng gỡ vướng về thủ tục, pháp lý dự án… Theo đó, những tháng cuối năm 2022, thị trường bắt đầu có những tín hiệu tích cực.
Thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào yếu tố chính sách. Ảnh: Dũng Minh |
Đồng pha với toàn cầu, nhưng có lợi thế riêng
Theo ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phục Hưng Holdings, là nền kinh tế có độ mở lớn nên kinh tế Việt Nam nói chung, thị trường bất động sản nói riêng, cũng phụ thuộc nhiều vào bối cảnh toàn cầu. Do đó, trong năm 2023, thị trường sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức nếu không có thay đổi đột biến hay chuyển biến tích cực từ nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các cơ quan quản lý nhà nước và bối cảnh vĩ mô thế giới, chẳng hạn như xung đột Nga - Ukraine…
Dựa trên dự báo đó, ông Phúc cho biết, thời gian tới, Phục Hưng Holdings sẽ tập trung cho các dự án ưu tiên, thu gọn các dự án đã xong thủ tục và bán các sản phẩm phù hợp với thị trường để thu tiền về. Với mảng xây lắp, Công ty sẽ tập trung cho mảng đầu tư công để có dự án, nguồn tiền tốt, hợp tác với các chủ đầu tư tư nhân có uy tín và thanh toán đúng hẹn. Về năng lượng tái tạo, Công ty cũng đang cơ cấu, định hình lại các dự án thủy điện vừa và nhỏ, điện mặt trời, điện gió phù hợp với nguồn lực tài chính hiện tại.
“Quan trọng nhất vẫn là có dòng tiền, đây là vấn đề gốc rễ và đặc biệt quan trọng ở giai đoạn hiện tại”, ông Phúc nhấn mạnh và cho biết thêm, với Phục Hưng Holdings, năm 2023 sẽ là năm doanh nghiệp tập trung giữ chân nhân sự chủ chốt, hoàn thiện và bán các dự án đang triển khai, hạn chế mở rộng dự án để tránh pha loãng dòng tiền và nguồn lực khác.
Cũng theo ông Phúc, động lực của thị trường bất động sản năm 2023 sẽ đến từ các yếu tố vĩ mô, nếu chọn tăng trưởng sẽ cần tăng cung tiền và chấp nhận lạm phát tăng. Tuy nhiên, có thể xu hướng chung về quản lý sẽ là ngày càng chặt chẽ, thận trọng, chứ không bơm - đẩy thị trường như trước, điều này sẽ khiến thị trường phục hồi chậm nhưng chắc. Cùng với đó, triển vọng về dòng tiền lớn từ khối ngoại là không nhiều vì liên quan khăng khít đến các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, mà điều này thì không thể thay đổi trong một sớm, một chiều. Do đó, trong năm 2023, các thành viên thị trường sẽ phải “tự lực cánh sinh”.
Cùng chung nhận định, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản toàn cầu trong năm 2023 sẽ diễn biến chậm hơn. “Bóng ma” lãi suất cao sẽ kìm hãm lạm phát trên toàn thế giới, điều này đồng nghĩa với nhu cầu bất động sản có chiều hướng giảm và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Tuy nhiên, ông Troy Griffiths cũng cho biết, Việt Nam có những ưu thế riêng như tốc độ đô thị hóa mạnh, tăng trưởng tầng lớp trung lưu nhanh, nhu cầu nhà ở lớn… Đây là những yếu tố có tính dài hạn, giúp thị trường địa ốc trở nên hấp dẫn với dòng vốn đầu tư, đặc biệt là dòng vốn ngoại.
Đưa ra khuyến nghị, ông Troy Griffiths cho hay, đối với các nhà đầu tư cá nhân, 6 tháng đầu năm sẽ là thời gian quan trọng để quan sát trước khi đưa ra quyết định. Trong bối cảnh những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu có xu hướng dịu lại, nhà đầu tư không nên vội vã rút khỏi thị trường. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đang làm rất tốt trong việc giữ giá tiền đồng ổn định so với các đồng tiền khác.
“Bất động sản là một khoản đầu tư dài hạn. Nếu nhà đầu tư cảm còn cảm thấy bất an với những rủi ro trong 1-2 năm thì nên tìm một kênh đầu tư phù hợp hơn, bởi nhìn vào bức tranh tổng thể, thị trường bất động sản Việt Nam đang có vị thế tốt”, ông Troy Griffiths phân tích.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam |
Thị trường bất động sản Việt Nam giống như cây tre, rất giàu khả năng chịu đựng, có sức đề kháng và chống chọi tốt trước các khó khăn, các diễn biến bất lợi để vươn lên mạnh mẽ.