Địa chính trị vượt qua lạm phát trở thành mối lo ngại hàng đầu

Địa chính trị vượt qua lạm phát trở thành mối lo ngại hàng đầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Hai (22/7), một cuộc khảo sát của Invesco công bố cho thấy căng thẳng địa chính trị và lạm phát đang là mối lo ngại lớn nhất đối với các quỹ tài sản quốc gia và các ngân hàng trung ương toàn cầu.

Sự gia tăng xung đột địa chính trị - từ xung đột Nga-Ukraine đến các biện pháp hạn chế thương mại - đã ám ảnh các nhà đầu tư toàn cầu trong nhiều năm, nhưng với làn sóng lạm phát đang hạ nhiệt và khi gần một nửa dân số thế giới bỏ phiếu bầu ra các nhà lãnh đạo mới, căng thẳng địa chính trị hiện đang trở thành tâm điểm.

Rod Ringrow, người đứng đầu Invesco cho biết: “Tất nhiên đây là năm của các cuộc bầu cử… Địa chính trị đã lấn át lạm phát trên cả triển vọng ngắn hạn và dài hạn”.

Khoảng 83% số người tham gia khảo sát cho rằng căng thẳng địa chính trị là mối quan tâm hàng đầu trong ngắn hạn, vượt qua 73% số người cho rằng lạm phát mới là mối quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, sự phân mảnh địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ cũng đứng đầu danh sách những lo lắng trong thập kỷ tới đối với 86% tham gia khảo sát. Về lâu dài, biến đổi khí hậu là rủi ro lớn thứ hai.

“Khí hậu hiện là xu hướng chủ đạo và các quá trình đầu tư cho các quỹ tài sản quốc gia và ngân hàng trung ương… đang bắt đầu phân bổ vốn để xem xét điều đó và xem điều đó tác động như thế nào”, ông Rod Ringrow cho biết.

Căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là việc phương Tây tịch thu tài sản trị giá hơn 300 tỷ USD của Nga cũng khiến các ngân hàng trung ương lo sợ.

“Chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều ngân hàng trung ương mua vàng vật chất…và nhu cầu cố gắng nắm giữ vàng tại địa phương ngày càng tăng”, ông Rod Ringrow cho biết.

Bên cạnh đó, hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho rằng các thị trường mới nổi có thể sẽ được hưởng lợi từ tính đa cực ngày càng tăng, trong khi 67% các quỹ đầu tư tài sản quốc gia kỳ vọng các thị trường mới nổi sẽ ngang bằng hoặc vượt trội hơn các thị trường phát triển.

Trong đó Ấn Độ là thị trường hấp dẫn nhất, một phần vì trái phiếu của nước này đang trở thành một phần của các chỉ số đầu tư toàn cầu.

Nhưng ông Ringrow cho biết, một nhóm các nền kinh tế mới nổi khác, bao gồm Mexico, Brazil, Indonesia và Hàn Quốc vẫn có thể "tận dụng sự xáo trộn trong hoạt động kinh tế và thương mại".

Cuộc khảo sát vào năm thứ 12 của Invesco đã thăm dò 83 quỹ tài sản quốc gia và 53 ngân hàng trung ương trong quý đầu năm 2024.

Tin bài liên quan