Địa chỉ của cải cách

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất.
Địa chỉ của cải cách

Trong phần nội dung, bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó đoán định, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng… đã xuất hiện. Cùng với đó là những dự báo kinh tế Việt Nam sẽ khó khăn hơn, thách thức sẽ lớn hơn trong năm 2023.

Đây là điều được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chia sẻ trong Hội nghị Tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/2022/NQ-CP: Kết quả, bài học và kiến nghị, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cuối tuần trước.

“Vì thế, những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi trọng hơn, cụ thể hơn, có địa chỉ hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn”, Thứ trưởng nói với đại diện các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp… tham dự Hội nghị.

Vào thời điểm này, chính xác hơn là từ giữa năm 2022, khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt nặng nề hơn.

Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm lao động; số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng… kéo theo nhiều hệ lụy xã hội.

Đây là lúc doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng nhìn lại, mức độ quan tâm của bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống; nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Ở một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, niềm tin của doanh nghiệp vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh.

Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng cũng như thứ hạng của Việt Nam thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí suy giảm.

So với năm 2021, một số chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc, như Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ 44 xuống 48); Phát triển bền vững tuy duy trì điểm số, nhưng cũng giảm 4 bậc (từ 51 xuống 55); Mức độ tham gia chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ 70 xuống 72).

Thực tế, việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng thách thức, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh và đang đối mặt với nhiều biến động khó lường.

Cần phải nhắc lại, đầu năm 2022, khi ban hành Nghị quyết 02/2022/NQ-CP, Chính phủ đã thể hiện rõ thông điệp về đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo niềm tin về sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp sau 2 năm dịch bệnh hoành hành.

Trong cả năm 2022, cùng với Nghị quyết số 02/NQ-CP, những chỉ đạo của Chính phủ về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như nhóm giải pháp thứ năm trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh) đã được xem là gói hỗ trợ cần thiết, thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Đây cũng là nền tảng, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 cùng các năm tiếp theo.

Trên một số bảng xếp hạng năm 2022, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện so với năm 2021. Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua Chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên 84. Phát triển du lịch và lữ hành (theo công bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tháng 5/2022) cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 60 lên 52). Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá là nền kinh tế dẫn đầu về mức độ cải thiện hiệu quả chỉ số này.

Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện.

Ở trong nước, theo kết quả đánh giá Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2021), chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước. Cụ thể, chính quyền địa phương tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ với khu vực kinh tế tư nhân; chi phí không chính thức tiếp tục có xu hướng giảm trong hầu hết các lĩnh vực thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện. Niềm tin về triển vọng phục hồi kinh tế cũng được thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới…

Như vậy, để tạo động lực cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, thì cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu, đã được xác định rõ. Nhưng việc thực thi lại rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, tăng tốc và rõ địa chỉ hơn của tất cả bộ, ngành, địa phương…

Tin bài liên quan