Thưa ông, vụ án bầu Kiên đang chờ tuyên án. Đâu là bài học cho các doanh nhân trong vấn đề tuân thủ pháp luật khi kinh doanh, theo ông?
Tôi nghĩ vụ án bầu Kiên sẽ là sự cảnh báo đối với giới doanh nhân trong câu chuyện tận dụng khoảng trống, khoảng hở pháp luật và giới hạn trách nhiệm pháp lý.
Kinh doanh trong môi trường pháp luật đã rạch ròi, rõ ràng, chúng ta đều hiểu rằng “được làm những gì pháp luật không cấm” là tư tưởng chủ đạo. Nhưng trong môi trường pháp luật hiện nay còn nhiều khoảng trống, thiếu minh bạch trong quản lý, thì hiểu thế nào là tuân thủ pháp luật rất khó.
Ở khía cạnh tiêu cực, tình trạng lợi dụng kẽ hở để đi xuyên qua pháp luật, không chỉ tư lợi cho cá nhân mà nhiều khi còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác hoặc cộng đồng.
Ở khía cạnh tích cực, những nơi mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh là những nơi mà các nghiệp vụ, ngành nghề, sản phẩm… có sự phát triển đột phá, nơi mà người ta sáng tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới, ý tưởng kinh doanh mới. Qua đó, hệ thống pháp luật chính sách phải tự thân đạt đến một bước tiến rõ nét hơn, hoàn thiện hơn. Điều này, ở khía cạnh nào đó, thúc đẩy sự phát triển hơn của nền kinh tế.
Như ông vừa nói rất khó để xác định thế nào là tuân thủ pháp luật, nhưng vẫn phải tìm kiếm, xác định các nguyên tắc nào đó để yên tâm rằng, hoạt động kinh doanh vẫn nằm trong ranh giới an toàn?
Có lẽ để trả lời được câu hỏi “đi trong khoảng trống pháp luật như thế nào cho an toàn?”, sẽ không bao giờ có đáp án cuối cùng, nhưng theo quan điểm của tôi, nên đặt ra một số nguyên tắc.
Thứ nhất, trong kinh doanh, bất kể là làm gì cũng phải đặt ra cho mình nguyên tắc không xâm phạm, chà đạp quyền lợi của người khác cũng như lợi ích cộng đồng.
Thứ hai, luôn phải ý thức được hậu quả pháp lý là thường trực. Nhiều doanh nhân, càng được đào tạo bài bản, trưởng thành trong môi trường kinh doanh nước ngoài, càng quá tự tin khi ứng dụng lách luật tại môi trường Việt Nam và đã phải gánh chịu những bài học vô cùng đắt giá.
Thứ ba là dù làm gì, nhất là khi hoạt động ở vùng pháp luật chưa hoàn thiện, chưa có hướng dẫn, thiếu quy định rạch ròi, cũng cần nghĩ đến cơ sở, khả năng giải trình để phòng bị trong trường hợp bị truy vấn. Nếu thấy khả năng giải trình chưa thật sự thuyết phục, phải hiểu là mình đang đối mặt với một việc có thể gây ra những rủi ro to lớn.
Cuối cùng, để an toàn, cần xác định việc lách luật là một sự hên xui. Chúng ta khó biết một hành vi lợi dụng sơ hở pháp luật để mang lại lợi ích chính đáng cho mình hôm nay, liệu có trở thành sai phạm nghiêm trọng trong một đại án tương lai hay không? Không thể có câu trả lời đích xác được, khả năng này có thể có, có thể không, nhưng nếu có thì hậu quả vô cùng nặng nề.
Dù vậy, nếu dính tới đại án thì rủi ro lớn nhất của các doanh nhân là gì? Ngoài phạt tù, còn điều gì doanh nhân phải đối mặt?
Tôi nghĩ rằng, bị quy kết sai phạm nghiêm trọng trong một vụ án lớn, thì hình phạt tù sẽ là điều khủng khiếp với các doanh nhân. Nhưng trong thời gian qua, mọi người mới chỉ quan tâm đến hình phạt tù tội, mà chưa thấy khả năng bị mất đi phần lớn gia sản của người phạm tội. Đây mới là sự lo sợ nhất đối với một doanh nhân.
Nhiều doanh nhân lớn của Việt Nam, theo chính sách kêu gọi xây dựng kinh tế của đất nước, đã chuyển nhượng, thu gom tài sản tích góp được sau nhiều năm đầu tư và thành đạt ở nước ngoài, quay về đầu tư ở Việt Nam.
Qua quá trình đầu tư, phát triển, tài sản hiện có của hầu hết các “đại gia”, các doanh nhân, đặc biệt là các doanh nhân trong giới tài chính thường là cổ phần, cổ phiếu và vốn góp đầu tư. Người ta có thể sở hữu tập đoàn bất động sản này, điều hành ngân hàng kia…, nhưng thực tế cổ phần chính là tài sản lớn nhất.
Nhìn vào đại án bầu Kiên, sai phạm về kinh doanh trái phép của ông Kiên có thể là sai phạm mà hầu hết doanh nhân khác cũng mắc phải. Về pháp lý, khi bị quy kết là kinh doanh trái phép, các doanh nhân không chỉ đối mặt với bản án tù, mà còn có thể là những biện pháp bổ sung như bị tịch thu tài sản, hay bị áp dụng các biện pháp tư pháp khác. Đây là những thẩm quyền tài phán của cơ quan xét xử.
Điều 41 Bộ luật Hình sự về tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm đã quy định, có thể tịch thu, sung quỹ Nhà nước đối với “công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội” và “vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có”.
Trong trường hợp bị cáo thực hiện “kinh doanh tài chính”, mua bán cổ phần kinh doanh trái phép, có nghĩa là tiền và chứng khoán có thể bị coi là “công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội” và “do phạm tội, do mua bán” mà có. Nếu vậy, bị tịch thu sung công quỹ là một nguy cơ hiển hiện và là biện pháp trừng phạt kinh tế vô cùng nặng nề với doanh nhân. Trong vụ án bầu Kiên, Viện Kiểm sát cũng đã có đề xuất như vậy trong phần luận tội.
Từ đó có thể thấy, việc tuân thủ pháp luật, ứng xử trong những khoảng trống pháp lý, sơ hở pháp luật trong kinh doanh, là một vấn đề đặc biệt quan trọng đối với mỗi doanh nhân, không thể xem thường.