1. Cuối năm, ngồi trà dư tửu hậu với một người bạn đồng niên, bất chợt cậu ấy thở dài rồi bảo, “năm nay chẳng thấy không khí Tết gì”.
“Tết nhạt vì cậu nhạt thôi” - tôi đáp, nhưng trong lòng vẫn trăn trở về câu “hờn trách” ấy, bởi với những người tha hương như tôi, rất có thể, khi thấy mai, đào khoe sắc, người người hối hả ra ga tàu..., lòng tôi đã nôn nao đến lạ.
Nhưng ngày càng có nhiều người như cậu bạn kia, có vẻ khắt khe với Tết cổ truyền? Hay sự chán chường trước nhịp sống đô thị đã khiến họ không nhìn Tết với đôi mắt hân hoan? Có thể, cuộc sống đầy đủ làm những sự lấp lánh, thân thuộc của ngày Tết bỗng chốc trở nên bình thường, rườm rà và nhiêu khê.
Còn với tôi, Tết vẫn ở đó, nó đến từ những điều bình dị, rất đời.
Giống như chiều nay, khi dừng đèn đỏ ngã tư Hàng Xanh, tôi gặp một cụ già thong thả đi bộ sang đường, tay xách một cái bịch màu đỏ, ở trong là một nhúm cành đào vẫn đương nụ, được cắt ra mang về chơi Tết.
Bỗng nhiên, nhìn thấy sự khoan thai của cụ và sắc đỏ của những nụ đào, lòng tôi lại thấy Tết về rõ lắm. Và đúng là thứ cảm giác háo hức, rộn ràng như ngày còn bé, chứ không phải cảm giác mong ngóng Tết đến để nghỉ, để chơi, để khỏi phải đi làm.
Khoảnh khắc ấy, tôi mới nhận ra, câu nói “chẳng thấy không khí Tết gì” là để bản thân thả trôi theo những bận rộn và lo âu thường nhật. Tết vẫn ở đây, những mảnh ghép của cái Tết thanh bình và chậm rãi vẫn đang tồn tại hiển nhiên giữa hơi thở cuộc sống, khiến ta có thể dễ dàng lướt qua mà không hề hay biết.
2. Cách đây mấy hôm tôi có ghé một siêu thị ở trung tâm Sài Gòn, đứng giữa hàng dài những chiếc hộp vuông vắn, thơm tho đựng đủ loại bánh kẹo nhập khẩu, bỗng dưng tôi nhận ra, Tết đã đến sát sàn sạt sau gáy mình rồi. Nhưng với tôi, những hộp bánh mứt, quà cáp sang chảnh từ trời Tây về chỉ để chiều lòng những vị khách sành sỏi. Mua thì mua, nhưng mua xong cũng thấy… “bình thường”.
Chỉ có đi dạo một vòng phiên chợ Tết, tôi mới được nhìn ngắm những thứ nhỏ xinh, sống động và sực đầy mùi Tết. Chỗ này bán bộ cúng ông Táo, bên kia bán gà luộc bày sẵn. Rồi chỗ nọ là một bà hàng xôi, vừa bày ra một mẻ xôi gấc đỏ au đến ngon mắt. Chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ mà ai cũng sẽ rất thích.
Chúng ta vẫn tưởng mình lớn lên cùng Tết, nhưng kỳ thực, đôi khi ta bỏ quên cái Tết bên gia đình trong những miền xa xứ.
Đứng trước phiên chợ Tết, bằng một cách nào đó tôi lại bắt gặp hình ảnh của chính mình những ngày xưa, lon ton theo mẹ chọn từng chậu hoa, được bó gọn gàng trong giấy báo. Cái Tết thời đó chẳng nhiều loài hoa đắt tiền như bây giờ, nhưng hương sắc hoa cũng sáng bừng lên một góc chợ. Còn đó mùi thơm ngọt của mứt gừng, chả lụa, bánh su sê.
Có lẽ, giữa bao điều để khiến người ta nghĩ tới Tết, nhưng chỉ thoảng qua những mùi hương ấy, tôi lại thấy Tết chảy về trong tâm trí... Và chỉ có những khu chợ Tết, mới có nhiều đến thế những thanh âm, những cảm xúc gợi nhắc đến ngày còn bé. Và hình như, thứ khiến người ta ngày mấy lần bận rộn vội vàng ra vào chợ, không phải chỉ để mua sắm Tết, mà đôi khi, họ đi chỉ để mua lấy một ít ký ức, đi chợ Tết chỉ vì thèm cái mùi đã từng ướp đượm tuổi thơ mình.
Có một nơi rất Tết, rất ấm tình yêu nữa, ấy là bến tàu, bến xe. Bởi không phải ai cũng may mắn được làm việc trên quê hương của mình, với những người tha hương, thì Tết là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong năm. Đó là lúc để tất cả chúng ta tạm ngừng bon chen để trở về nơi mà ta gọi là gia đình. Người ta bảo nhau, muốn nghe Tết rộn ràng như thế nào, muốn nhìn Tết hối hả ra sao thì cứ đến bến tàu sẽ cảm nhận được tất cả.
Ảnh Shuttersotck |
Và dường như, chỉ đến ga tàu người ta mới cảm nhận được “Tết đến thật là sớm”, sự nhộn nhịp khẩn trương của đội ngũ nhân viên, tiếng còi tàu, tiếng leng keng chuông báo động phát lên không ngừng. Đến dòng người hối hả, cười đùa nói chuyện lẫn vào vẻ mặt mệt mỏi đợi chờ của những vị khách tha phương.
“Xin kính mời hành khách đi trên chuyến tàu SE4 khởi hành lúc 13h05 giữ yên vị trí, tàu sắp vào ga…”, tiếng hối thúc của loa phát thanh càng khiến người ta hối hả. Những anh chị tiếp viên tận tình nắm tay dắt từng đứa trẻ. Qua ô cửa kính, tụi nó nhìn ra ngoài góc sân đã sẵn chậu mai vàng ngay ngắn, nhoẻn miệng cười tươi. Người lớn, trẻ con trong giây phút ấy đều bồi hồi, háo hức bước lên tàu. Và chỉ một chút nữa thôi, họ sẽ lại được trở về với quê hương. Vậy đấy, chuyến tàu cuối năm luôn mang những điều đặc biệt, vì chuyến này không phải chuyến đi, mà là chuyến trở về. Cũng như cô tiếp viên nhắn nhủ khách: “Về quê ăn Tết dui nghen”.
3. Thật ra, Tết vẫn thế, vẫn khoác lên mình chiếc áo vui tươi khiến mọi người phải háo hức và mong chờ. Người ta chờ cả một năm để Tết quay trở lại, mang đến cho họ những cảm xúc dâng tràn.
Hồi xưa, khi chỉ là một đứa trẻ, chẳng phải lo nghĩ, cứ đến Tết là vui vì được nghỉ học, được sắm quần áo mới. Đến khi ta lớn lên, những lo toan bộn bề dần chen qua những tháng ngày vô tư, những nỗi lo vun vén gia đình, công việc dần khỏa lấp hết khoảng thời gian tận hưởng của Tết.
Cũng là người thuộc thế hệ 9X, nên phần nào tôi cũng hiểu phần nào cảm xúc của người bạn đồng niên khi bảo “Tết nhạt”. Ăn Tết như một người trẻ, đôi khi bị giằng co giữa sự chán chường mang tính tập thể và niềm yêu thích Tết đầy cá nhân. Cũng không loại trừ, nhiều người ăn Tết bằng trách nhiệm hơn là sự vui thích.
Hôm rồi, trong cuộc gọi video call với mẹ, tôi có nhắc đến bài báo phê phán giới trẻ ngày nay vô tâm trong dịp Tết, mẹ chỉ gật gù, “quan điểm phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi người. Người ta thấy nặng nề, nhưng mẹ thấy vui vẻ khi chăm sóc gia đình. Người ta nghĩ đấy là sự hy sinh lớn lao, còn mẹ lại nghĩ đấy là việc tất yếu khi ta thương yêu tổ ấm của mình”.
Tôi cũng chợt hiểu, rằng chúng ta vẫn tưởng mình lớn lên cùng Tết, nhưng kỳ thực, đôi khi ta bỏ quên cái Tết bên gia đình trong những miền xa xứ. Nhưng rồi một ngày, chúng ta sẽ nhận ra, Tết chính là những điều thân thuộc, những thứ gần gũi nhất. Vì Tết chính là gia đình.