Chương trình talkshow “Chọn danh mục”, với sự tham gia của các khách mời là chuyên gia chứng khoán, lãnh đạo doanh nghiệp đã thu hút đông đảo nhà đầu tư theo dõi.

Chương trình talkshow “Chọn danh mục”, với sự tham gia của các khách mời là chuyên gia chứng khoán, lãnh đạo doanh nghiệp đã thu hút đông đảo nhà đầu tư theo dõi.

Đi tìm màu sắc mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khoảng 1,5 triệu tài khoản chứng khoán mới được mở trong năm 2021, nâng số tài khoản chứng khoán lên hơn 4 triệu, trong đó có rất nhiều nhà đầu tư F0 trẻ trung, chưa kể những nhà đầu tư Fn cũng luôn khát khao thông tin tài chính.

1

Tháng 7/2021, sau chuỗi tăng điểm tưng bừng bắt đầu từ ngày 4/7, thị trường rơi vào chuỗi ngày giảm điểm mạnh. “Lên thang bộ, xuống thang máy”, tài khoản bốc hơi quá nhanh khiến nhiều nhà đầu tư mới hoảng hốt.

Mỗi ngày, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận được cả trăm email hỏi thông tin, đề nghị kết nối với các chuyên gia để trao đổi… Và chúng tôi đã quyết định tổ chức một cuộc tọa đàm vào tuần cuối tháng 7, khách mời tại TP.HCM (trong vùng dịch, đang thực hiện giãn cách xã hội) sẽ được kết nối trực tuyến với đầu cầu Hà Nội.

Các khâu chuẩn bị, từ chọn chủ đề, mời diễn giả cho tới lên kịch bản đâu đã vào đó thì trước ngày tổ chức sự kiện 3 hôm, Hà Nội thông báo thực hiện giãn cách xã hội, “ai ở đâu ở yên đó”. Đã có ý kiến đề nghị hủy sự kiện nhưng nhóm thực hiện vẫn quyết tâm triển khai.

Chúng tôi kết nối 10 đầu cầu và buổi tọa đàm đã diễn ra thành công, đáp ứng nhu cầu thông tin của đông đảo bạn đọc. Gần 3.500 lượt xem trực tiếp và hơn 22.000 lượt xem lại video đã khiến những thông tin chính xác từ doanh nghiệp, từ cơ quan quản lý, chuyên gia… về thị trường chứng khoán đến được với đông đảo nhà đầu tư.

Covid-19 không khiến đội ngũ những người làm báo Đầu tư Chứng khoán chùn bước, mà tinh thần làm việc trong mùa dịch trái lại sau sự kiện này còn hăng say hơn để nối liền chuỗi thông tin phong phú cho độc giả. Với mô hình tổ chức sự kiện như vậy, Đầu tư Chứng khoán mở thêm sản phẩm mới tọa đàm, hội thảo trực tuyến, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của đông đảo bạn đọc.

Cuối năm 2021, Ban Biên tập Báo Đầu tư đã quyết định đầu tư xây dựng studio tại tòa soạn, với mong muốn tạo ra những sản phẩm báo chí mới, đa dạng về hình thức thể hiện, bám sát xu hướng chuyển đổi số trong truyền thông…

Cuối năm 2021, Ban Biên tập Báo Đầu tư đã quyết định đầu tư xây dựng studio tại tòa soạn, với mong muốn tạo ra những sản phẩm báo chí mới, đa dạng về hình thức thể hiện, bám sát xu hướng chuyển đổi số trong truyền thông…

Đây cũng là cơ sở để Đầu tư Chứng khoán tổ chức chuỗi talkshow “Chọn danh mục” từ quý II/2022, phát sóng trong khung giờ 15 - 16h thứ Năm hàng tuần, với quan điểm thống nhất rằng để thị trường tiếp tục phát triển bền vững, đóng vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế, việc đào tạo kiến thức tài chính, cung cấp thông tin đa dạng và kịp thời cho nhà đầu tư, đặc biệt là những phân tích về dòng tiền, về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết… là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, Đầu tư Chứng khoán cũng thực hiện các talkshow về các chủ đề liên quan đến đầu tư bất động sản được đánh giá cao.

Làm báo in, báo điện tử đã bận như con mọn, nay lại sản xuất thêm sản phẩm mới “có hình, có tiếng”, lại phát trực tiếp hàng tuần khiến đội ngũ chúng tôi vất vả hơn. Nhưng niềm vui được làm nghề, được đem đến cho bạn đọc, cho cộng đồng nhà đầu tư các thông tin hữu ích đã khiến nhóm tổ chức luôn trăn trở và nỗ lực để mỗi ngày chương trình thêm tốt hơn.

Ông Đào Phúc Tường, chuyên gia chứng khoán được mệnh danh là “Guru chứng khoán đầu bạc” (bậc thầy chứng khoán), khách mời tham gia số đầu tiên của chuỗi talkshow “Chọn danh mục” đã nhận xét: “Báo Đầu tư Chứng khoán quá tâm huyết với thị trường!”.

2

Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ Green Fund, khách mời talkshow số 7 “Hiểu doanh nghiệp để không lạc lối” nhận định, dù thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều thăng trầm, xu hướng dịch chuyển từ đầu tư trực tiếp sang đầu tư gián tiếp sẽ diễn ra mạnh mẽ. Bởi thực tế, xu hướng này đã diễn ra từ lâu ở các thị trường phát triển.

“Trong 2 năm vừa qua, người dân Việt Nam mở tài khoản chứng khoán rất nhiều, đây là thông tin tích cực. Tuy nhiên, có tới hàng nghìn doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Các nhà đầu tư cá nhân rất quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp nhưng không thể bao quát hết thông tin cũng như không có thời gian nghiên cứu. Thậm chí, họ còn bị dẫn dắt bởi các thông tin không chính thống, nhưng lan tỏa rất rộng rãi”, ông Hoàng nói khi quyết định nhận lời tham gia chương trình của Báo Đầu tư với mong muốn được chia sẻ và đóng góp vào hoạt động giáo dục tài chính.

Ông và tổ chức của mình cũng đang triển khai một chương trình dành cho học sinh trung học về giáo dục tài chính khi nhận thấy ở các nền kinh tế phát triển, vấn đề này rất được coi trọng.

Bên cạnh thị trường cổ phiếu cơ sở, ông Hoàng cũng nhìn nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp có nhiều tiềm năng. Ở các quốc gia phát triển, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có quy mô tương đương với thị trường tín dụng ngân hàng.

Thế nhưng ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2021, trong khi tổng nợ tín dụng lên đến 10,44 triệu tỷ đồng (tương đương 440 tỷ USD) thì dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chỉ ở mức gần 1,2 triệu tỷ đồng (tương đương 50 tỷ USD).

Các sản phẩm trái phiếu hiện nay vẫn đang trả lãi suất trung bình khoảng 9,5%/năm trở lên, trong khi lãi suất tiết kiệm của ngân hàng chỉ khoảng 3 - 6%/năm. Đây là cơ hội cho người dân cũng như các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp tìm kiếm cơ hội đầu tư, phân bổ rủi ro và kinh doanh. Thông tin chính thống và chính xác do đó đóng vai trò quan trọng.

Phát triển sản phẩm số bên cạnh sản phẩm truyền thống như báo in, báo điện tử là xu hướng mà nhiều cơ quan báo chí lưu tâm.

Là một ngành nghề luôn tiếp xúc sớm nhất, phản ứng nhanh nhạy nhất với mọi biến động xã hội, đồng thời là một thành phần, một nhân tố hữu cơ của xã hội, của đời sống con người, báo chí chịu tác động trực tiếp của chuyển đổi số. Sáng tạo và triển khai những sản phẩm mới có lẽ cũng là cách mà tòa soạn Báo Đầu tư trả lời những câu hỏi: Báo chí sẽ thực hiện chức năng thông tin chân thực, đa dạng, kịp thời, như thế nào?

Làm gì để những thông tin do các cơ quan báo chí cung cấp không bị “chậm chân” so với các tin tức trên Internet, mạng xã hội…

Tin bài liên quan