Theo đó, tuần qua từ 17-21/5, cổ phiếu KMR đã liên tiếp "khoác áo tím" và tăng 1.740 đồng/CP, tương ứng tăng 39,64% từ mức giá 4.390 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 14/5) lên mức 6.130 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 21/5). Khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên của KMR đạt 914.860 đơn vị/phiên.
Tuần trước đó, từ ngày 10-14/5, cổ phiếu KMR cũng đã ghi nhận mức tăng ấn tượng khi xác lập 4 phiên tăng, trong đó có 2 phiên tăng trần và chỉ điều chỉnh nhẹ duy nhất 1 phiên. Tính chung cả tuân, giá cổ phiếu KMR đã tăng 760 đồng/CP, tương ứng tăng 20,94% từ mức giá 3.630 đồng/CP lên mức 4.390 đồng/CP.
Cổ phiếu KMR tăng mạnh trong thời điểm ngành dệt may đang có những triển vọng sáng. Theo số liệu của Bộ Công thương, chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 4 tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục cũng ghi nhận tăng lần lượt 3,9% và 29,4%. Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 7,8% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục cũng ghi nhận tăng 9,5%.
Ngoài ra, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang dần phục hồi. Ngay từ đầu năm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã có dự báo giá trị xuất khẩu năm 2021 có thể đạt 39 tỷ USD về mức năm 2019 và tương đương với mức tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với GAGR giai đoạn 2015 - 2019 là 9,9%.
Giá cổ phiếu KMR trong tuần qua (Nguồn: VNDirect). |
Những cơ hội và thách thức
Tại ĐHĐCĐ năm 2021, KMR cũng cho rằng các hiệp định thương mại của Việt Nam như CPTPP, EVFTA, RCEP sẽ đem lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may trong năm 2021. Đồng thời, thị trường EU sẽ là một thị trường tiềm năng, thuận lợi cho Mirae vốn đã có các chứng chỉ uy tín và kinh nghiệm làm việc với các khách hàng lớn tại thị trường này.
Năm nay, Công ty thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu đạt 493,5 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt gần 18,5 tỷ đồng. Kết thúc quý I, doanh thu của KMR đạt 105,2 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cùng kỳ và đạt 21,3% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận tăng 25,7%, đạt 4,4 tỷ đồng và đạt 23,8% kế hoạch.
KMR cho biết năm nay doanh nghiệp vẫn sẽ tập trung nguồn lực để phát huy năng lực cạnh tranh của ngành hàng chủ lực Padding và Quilting.
Đồng thời, Công ty đã cắt giảm các nhóm hàng chăn, ra, gối, đệm ở nhà máy Bình Dương. Khu vực sản xuất của nhóm hàng này được tận dụng để lắp đặt thêm 3 dây chuyền sản xuất Padding và mở rộng hệ thống kho nguyên liệu, thành phẩm, sẵn sàng cho kế hoạch tăng trưởng ngành hàng chủ đạo.
Chia sẻ thêm tại ĐHCĐ thường niên, Mirae cho biết, Công ty cần duy trì nguồn nguyên liệu để có thể ứng phó với các tình huống khan hiếm nguồn cung do dịch bệnh và trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn. Mặt khác, phương thức và thời hạn thanh toán của khách hàng lại kéo dài, tạo áp lực rất lớn cho Công ty trong việc sử dụng nguồn vốn lưu động và trả chi phí lãi vay ngân hàng.
Bên cạnh đó, nếu kịch bản dịch bệnh xấu hơn, nhu cầu sản phẩm dệt may chững lại, các đơn hàng từ thị trường chính của Công ty như Mỹ và EU cũng sẽ giảm đáng kể, sẽ gây ra nhiều bất lợi cho KMR.
Nhìn lại tình hình kinh doanh năm 2020, doanh thu thuần của KMR đạt 416,9 tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2019 và hoàn thành 75% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước kiểm toán Công ty đạt 310 triệu đồng, nhưng sau kiểm toán, lãi giảm 41% xuống vỏn vẹn 182 triệu đồng và chỉ hoàn thành 3% kế hoạch.
Phía KMR giải trình kiểm toán điều chỉnh tăng doanh thu bán hàng 600 triệu đồng do Công ty chưa ghi nhận số liệu bán bông ngày 31/12/2020 vào sổ kế toán.
Chi phí tài chính cũng giảm 5% so với số liệu trên báo cáo tự lập, nguyên nhân do kế toán hạch toán nhầm từ tài khoản giá vốn hàng bán số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tăng lên 39%, tương đương hơn 501 triệu đồng do kế toán trích thiếu tiền thuế phải nộp trong năm 2020.
Tính đến cuối năm, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 1.105 tỷ đồng, trong đó chiếm 45,7% là nợ phải trả, tương đương 505,3 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối còn 9,8 tỷ đồng. EPS ở mức thấp (3 đồng).