Đi tìm hồn phố thị: Quy hoạch đô thị, cần nhìn rộng, nghĩ xa

Đi tìm hồn phố thị: Quy hoạch đô thị, cần nhìn rộng, nghĩ xa

(ĐTCK) Tiếp mạch cảm hứng về câu chuyện “Đi tìm hồn phố thị”, trong số này, Báo Đầu tư Bất động sản xin giới thiệu bài viết “Quy hoạch đô thị, cần nhìn rộng, nghĩ xa” của kiến trúc sư Lê Minh Quang, Giám đốc, Kiến trúc sư trưởng Văn phòng kiến trúc MW Archstudio (TP.HCM).

Bài 4: Quy hoạch đô thị, cần nhìn rộng, nghĩ xa

Quy hoạch cần thuận theo tự nhiên

Nhìn nhận về vai trò của hoạt động quy hoạch, mỗi vùng đất, mỗi không gian trên trái đất đều có các hệ sinh thái tự nhiên khác nhau do có địa lý khác nhau. Theo tự nhiên, sẽ có sự chọn lọc để tiếp tục duy trì hệ sinh thái ấy, từ đó tiến tới trạng thái cân bằng. Con người là một thành phần cùa tự nhiên, nên không thể tách rời ra khỏi quy luật ấy.

Một quần thể con người hay lớn hơn, nếu muốn duy trì tính ổn định cân bằng thì cần thuận theo tự nhiên, hoặc tác động vào tự nhiên theo hướng tích cực, không tạo nên động lực gây mâu thuẫn với tự nhiên.

Đi tìm hồn phố thị: Quy hoạch đô thị, cần nhìn rộng, nghĩ xa ảnh 1

Kiến trúc sư Lê Minh Quang

Từ mối quan hệ tương tác giữa người và tự nhiên như thế đã tạo nên một hệ thống các thói quen, tập quán sinh hoạt của con người… và nhiều hơn thế. Từ đó, hình thành nên các nét rất riêng của những vùng khác nhau. Trong đó, kiến trúc là một thành phần thể hiện rõ sự đa dạng này.

Tóm lại, cốt lõi của quy hoạch xuất phát từ xã hội học và các phân tích trên là để chúng ta hiểu giá trị tổng thể, các vấn đề tổng hợp để hình thành nên sự đặc trưng, sự khác biệt về quy hoạch giữa các vùng miền, chứ không chỉ một hình ảnh kiến trúc riêng lẻ, hay một vấn đề nào đó đủ để đại diện cho tính đặc trưng, khác biệt đó.

Kiến trúc là giá trị cốt lõi của đô thị

Khi nhận diện về đô thị, ta hay tìm những hình ảnh dễ tìm, nhanh cảm nhận nhất về mặt thị giác, và kiến trúc là một trong số ấy.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, kiến trúc chỉ là một thành phần thể hiện cái giá trị cốt lõi của đô thị, chứ không hẳn là một đại diện mang tính bao quát vấn đề này. Do đó, sự thay đổi của đô thị về bản chất là sự thay đổi từ mối quan hệ tương tác của con người và thiên nhiên. Một trong hai chủ thể này thay đổi, thì chắc chắn dẫn tới sự thay đổi có hệ thống. Trong đó, kiến trúc, một hình ảnh đại diện chắc chắn phải thay đổi để phù hợp với quá trình trên.

Điều này là không thể tránh khỏi, bởi việc con người tác động quá lớn vào mối quan hệ cân bằng của hệ sinh thái, thì sự thay đổi về khí hậu, hệ sinh thái như một lẽ tất yếu: Khi chúng ta tác động tích cực vào thiên nhiên thì đương nhiên chúng ta sẽ nhận được các chuỗi phản ứng tích cực của tự nhiên và ngược lại.

Nghiên cứu tổng quát các vùng địa lý nước ta cho thấy, các vùng đô thị hóa quá nhanh, thiếu chuyên nghiệp có nhiều tác động tiêu cực vào tự nhiên, thì hậu quả ra sao (ngập lụt, ô nhiễm không khí, nguồn nước …). Các vùng chưa có quy hoạch nhanh và còn giữ được tính bản địa lớn, thì ổn định hơn về mặt khí hậu, các hệ quả phản ứng tự nhiên tác động ngược chưa thấy xuất hiện rõ nét.

Từ đó chúng ta đã tự có câu trả lời thế nào là tiến hóa hay ảnh hưởng?

Hãy nhìn rộng, nghĩ xa

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, việc chúng ta tích cực thay đổi để hòa nhập và không bị tụt hậu là điều tất yếu phải xảy ra. Trong đó, vấn đề quy hoạch đô thị nói chung hay quy hoạch nội đô nói riêng là một hình ảnh đại diện rõ nét.

Tuy nhiên, vấn đề giữa cũ và mới luôn gây tranh cãi, nhất là với đất nước đang phát triển và thiếu kinh nghiệm trong giai đoạn đầu của quy hoạch tổng thể như nước ta, thì đây là điều khó tránh khỏi.

Nghiên cứu các quốc gia có bước phát triển trước ta, thì thấy họ có các cách làm như sau: Chấp nhận làm mới hoàn toàn, hoặc lồng ghép giữa cũ và mới, hay tách biệt ra hẳn cũ và mới không nằm cạnh nhau.

Tuy nhiên, dù cách nào đi nữa, thì giá trị hàng đầu phải đạt được là sự hiệu quả thực nghiệm có tính chiến lược  trong tương lai. Trong đó, vai trò, tỷ lệ giữa cũ và mới được xác định rất rõ ràng trong chiến lược phát triển tương lai. Sau đó, mới tiến hành các bước tiếp theo để hình thành thực tế.

Với các chiến lược đã nêu trên, thì điểm quan trọng trong các kịch bản quy hoạch nói chung, hay như các ngành khoa học khác là sự phản biện nghiêm túc, đa chiều để tìm ra kết quả tiệm cận của tận cùng vấn đề.

Việc đặt ra các câu hỏi ngược và trả lời các câu hỏi đó một cách nghiêm túc cũng sẽ gợi mở được nhiều điều thú vị. Chẳng hạn, với câu chuyện giao thông, kết nối với hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), chúng ta thử đặt các câu hỏi ngược cho vấn đề sau: Hồ Hoàn Kiếm được xác định là điểm nhấn, là hình ảnh đại diện của Hà Nội, nên nhu cầu tiếp cận của người bản địa hay của khách du lịch là điều tất yếu. Vậy, việc tiếp cận khu vực này hiện nay có dễ dàng, thuận lợi với tình trạng giao thông gần như lúc nào cũng vào như cao điểm?

Tiếp nữa, với mật độ dân số chỉ tăng chứ không giảm hay không đạt cân bằng trong tương lai, thì phương tiện cá nhân với khu vực này là một áp lực rất lớn. Vậy, vai trò các phương tiện công cộng kết nối với khu vực này đã làm tiếp nhiệm vụ hay chưa?

Ngoài ra, với một quốc gia đang phát triển và xác định du lịch là một trong các ngành mũi nhọn, thì việc kết nối tới khu vực này bằng tàu điện ngầm là điều bình thường hay bất thường? Nên biết rằng, điều đã có không ít quốc gia phát triển trước ta đã làm từ rất lâu và thành công.

Nếu làm công trình tàu điện ngầm, thì thực hiện dạng âm lòng đất, có phần nhà ga tiếp cận (phần nổi trên đất) được thiết kế khéo léo, không áp đặt hay tranh chấp theo tỷ lệ kiến trúc với các công trình xung quanh…sao cho đạt hiệu ứng gần như “biến mất” thì có phù hợp?

Trong quá trình xây dựng, liệu có đảm bảo về tác động môi trường tích cực với các khu vực xung quanh, đặc biệt là đối với khu trung tâm này. Và nếu đảm bảo được các yếu tố này, thì có ảnh hưởng gì đến các sinh hoạt người dân cũng như tác động môi trường mà đang rất được quan tâm?

Nếu tàu điện ngầm được thực hiện, đạt được các yếu tố giải quyết hết tất cả vấn đề trên, thì có nên làm trong khi lợi ích chiến lược là rất lớn?

Cuối cùng, nếu không làm tàu điện ngầm tại khu vực này, thì sẽ làm ở vị trí nào mà vẫn đảm bảo tất cả các yếu tố trên về mặt chuyên môn và chiến lược phục vụ phát triển?

Chúng ta cần nhiều hơn những câu hỏi ở trên để có quyết định là làm hay không. Chứ không nên vội vàng hay cảm tính theo thói quen và chỉ biết lợi ích cá nhân hay nhóm cụ thể nào đó. Còn về chuyên môn kiến trúc, có nhiều phương án có thể thực hiện được. Vấn đề khoa học thì hãy để cho khoa học giải quyết.

Và quan trọng cuối cùng, nếu làm mà tích cực nhiều hơn tiêu cực, thì tại sao chúng ta không làm? Với tư duy trên, thì các công trình khác cũng nên theo hướng phân tích này.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan