Bài 3: Hồn phố thị phai dần
Là người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, ông nhận thấy đâu là lý do dẫn đến sự thay đổi về kiến trúc?
Đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ và nó dẫn tới sự thay đổi trong công nghệ xây dựng, nhu cầu về nhà ở, phù hợp với lối sống mới cho các gia đình. Một hộ dân hay mỗi cá nhân đều có nhiều hơn các nhu cầu khác nhau so với trước.
Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang
Quan sát tình hình hiện tại, theo tôi, có thể do phát triển nóng, nên việc nghiên cứu sâu về kiến trúc ngày nay chưa được kỹ lưỡng như trước. Ngày xưa khi làm nhà, người ta dành nhiều thời gian để lựa chọn vật liệu và kế thừa các kinh nghiệm từ các công trình trước đó để lại, do đó, công trình tương đối có chiều sâu, tạo nên những tín hiệu chung, mang tính vùng miền rõ nét.
Ngày nay, các vật liệu công nghiệp hiện đại đã dần thay thế các vật liệu địa phương, thời gian xây dựng cũng gấp gáp hơn, nên các công trình dần mất đi nét đặc thù của vùng miền. Đặc biệt, do mong muốn có nhiều công năng của người ở, nên mật độ xây dựng lớn, bê tông hóa nhiều nhưng những không gian thực sự để trải nghiệm lại ít.
Theo ông, đâu là nét đặc sắc của Hà Nội?
Hà Nội có 36 phố phường, là đô thị có nhịp sống và buôn bán sầm uất trên toàn thành phố. Đây chính là một trong những nét đặc trưng, trong khi nhiều đô thị khác thường chạy dài theo trục đường chính, đường cao tốc…
Hà Nội cũng có nhiều di tích nằm xen kẽ, rải rác trong thành phố. Trước yêu cầu phát triển của đô thị, để hài hòa, theo tôi, không nhất thiết phải giữ lại các ngôi nhà không phải là di tích mà rơi vào tình trạng cũ, nguy hiểm, cần được xây dựng mới, tuy nhiên công trình mới thay thế vẫn phải giữ được tinh thần vốn có của Hà Nội.
Vậy, tinh thần vốn có, hay hồn phố thị của Hà Nội thể hiện như thế nào qua các công trình kiến trúc, thưa ông?
Một trong những nét đặc trưng trong kiến trúc công trình ở Thủ đô trước đây, đó là những ngôi nhà nhỏ, cao từ 2 - 3 tầng, những căn biệt thự Pháp, có sân vườn; hoặc nhà tập thể cũ.
Công trình kiến trúc thường được giới hạn bởi các kích thước hình học hữu hạn, chúng tôi tin việc tiếp cận bằng một tư duy và nhận thức cởi mở luôn là lựa chọn tối ưu để tạo ra một công trình kiến trúc tốt và ở đó người sử dụng dường như không nhận thấy những giới hạn
- Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Quang
Hà Nội trước đây có những đường phố gần gũi với người đi bộ, có vỉa hè rộng, có sân trong nhà, trong khu tập thể, có cả các không gian xen kẹt tạo nên hồn phố thị. Hiện nay, người ta thường chia nhỏ các lô đất lớn để xây dựng các ngôi nhà riêng biệt với lối kiến trúc lai căng, hoặc gom đất lại để xây các công trình cao tầng. Điều đáng tiếc là hiện trạng mới nhiều khi không có diện tích xanh, không gian chung để mọi người có thể giao lưu và thở.
Quan điểm của ông về bảo tồn các công trình kiến trúc cổ ra sao?
Nguyên tắc của đô thị là phải phát triển, chảy cùng mạch vận động của cuộc sống, trừ khi đó là đô thị bảo tồn.
Nói cách khác, đô thị phải sống cùng với đời sống kinh tế xã hội, phải vận động và phát triển theo nó. Vấn đề ở đây là có kiểm soát được, có quy hoạch được câu chuyện phát triển hay không. Theo tôi, việc kiểm soát xây dựng ở khu phố cổ, ven hồ và một số khu vực nhạy cảm là nên làm để giúp bảo vệ bầu không khí về kiến trúc ở đây.
Chúng ta nói nhiều về kiến trúc, vậy vai trò của các kiến trúc sư thì sao?
Theo tôi, việc thiết kế công trình, phải đánh giá bối cảnh công trình xung quanh, đặc biệt là trường hợp ở gần các di tích. Xung quanh di tích sẽ có các “trường năng lượng”, tín hiệu từ đó sẽ cho thấy các công trình xây dựng sau nên có quy mô (độ lớn, chiều cao) thế nào là phù hợp.
Các cao ốc văn phòng hay chung cư nên được phát triển ở các quận ven đô
Một khu vực mà ở đó đều là những ngôi nhà thấp tầng thì kiến trúc sư phải hết sức thận trọng khi xây dựng ở đó một tòa nhà nhiều tầng. Cũng cần phải lưu ý, dự án đầu tiên được xây dựng sẽ có tác động rất lớn đến bối cảnh, có thể tạo nên năng lượng tiêu cực cho khu vực (trên thực tế, vẫn có thể xây dựng một công trình lớn, nhưng không hề tác động xấu đến khu vực xung quanh, nhưng nó cần sự nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng của kiến trúc sư).
Còn công tác quản lý thì sao?
Chúng ta còn đang khá cứng nhắc và không có tính mở. Nhiều nước, họ có ban chuyên môn hiểu sâu về kiến trúc, khi quy hoạch khu vực có mô tả đa chiều, thậm chí mô tả về mặt thẩm mỹ. Trong khi ở ta mới chỉ tập trung quy định chiều cao công trình, mật độ xây dựng và áp dụng tương đối máy móc. Tôi lấy ví dụ, tôi có miếng đất 200 m2, theo luật thì mật độ chỉ chiếm một phần diện tích, nhưng theo tôi, nếu xây nhà vài tầng thì quy định đó có thể là hợp lý, còn nếu xây 1 tầng và xen kẽ là vườn cây thì xây hết cũng không sao cả.
Câu chuyện quy hoạch nội đô lịch sử vẫn luôn gây ra không ít tranh cãi. Quan điểm của ông về quy hoạch với khu vực này ra sao, nhất là về kiến trúc các công trình?
“Tín hiệu” của khu vực nội đô lịch sử Hà Nội không phải là một đô thị cao tầng. Chúng ta phải tôn trọng “tín hiệu” đó và không nên phá vỡ nó. Phải đảm bảo phát triển để không mất đi “tín hiệu” của nội đô, về mật độ công trình, dân số, về khoảng lùi, về cây xanh…
Với các khu đô thị mới hay vùng ven thì có thể xây cao tầng thoải mái để đáp ứng tốt hơn các nhu cầu, công năng mang tính thời đại. Tôi nói đơn cử, Hà Nội là đô thị mà người dân là những người sử dụng chính khu vực trung tâm, phố cổ. Do đó, với các tòa nhà cao tầng làm văn phòng, cần tập trung phát triển ở bên ngoài, có thể là các quận như Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân…, vì dù không hình thành đơn vị ở, nhưng lại tạo nên áp lực về giao thông, hạ tầng.
Có vẻ với nhiều người trong chúng ta, hiểu biết về kiến trúc còn sơ sài?
Đúng vậy. Nhiều người chưa hiểu kỹ, còn mơ hồ, thậm chí chưa đánh giá đúng vai trò của các kiến trúc sư trong việc đóng góp vào các công trình vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa đáp ứng được tốt các nhu cầu mới.
Theo tôi, phong cách kiến trúc gì không quá quan trọng, quan trọng nhất là giữ được tín hiệu, tinh thần, lối sống văn hóa của người dân trong đó, chứ không phải chỉ về mặt hình ảnh, dáng dấp công trình.