Trong phiên giao dịch ngay sau kỳ nghỉ lễ, thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp có thông tin tích cực chia sẻ tại đại hội cổ đông diễn ra vào cuối tháng 4 đều có diễn biến tích cực. Chẳng hạn, MSH của CTCP May Sông Hồng đóng cửa ở mức 44.600 đồng/cổ phiếu, tăng 3,24%; DPG của CTCP Đạt Phương đóng cửa ở mức 43.600 đồng/cổ phiếu, tăng 1,86%; PC1 của CTCP Tập đoàn PC1 đạt 26.250 đồng/cổ phiếu, tăng 1,55%; VCG của Tổng công ty Vinaconex đạt 23.000 đồng/cổ phiếu, tăng 3,84%...
Tại đại hội cổ đông diễn ra vào ngày 27/4, HĐQT May Sông Hồng đã trình kế hoạch kinh doanh 2024, với mục tiêu mang về 5.200 tỷ đồng doanh thu và 370 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng 14,5% và 20,5% so với năm 2023; dự kiến cổ tức 20 - 40%. Cổ đông đánh giá cao mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận lớn hơn nhiều so với tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp. Nói về vấn đề này, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cho biết, kế hoạch kinh doanh được xây dựng tương đối an toàn, trên cơ sở tỷ trọng hàng FOB quay lại và chiếm tỷ lệ 85 - 90%.
Theo lãnh đạo May Sông Hồng, các cuộc khủng hoảng trên thế giới chưa kết thúc (chiến tranh Nga - Ukraine và mới đây là xung đột biển Đỏ), nên các thị trường vẫn còn bất ổn. Các công ty Mỹ, châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn và gây sức ép lên giá, một số thương hiệu đang phải tái cấu trúc như Express, Nike, Adidas. Tuy vậy, dự kiến tình hình đơn hàng năm 2024 khá hơn năm 2023 và sẽ bình phục vào năm 2025.
Tháng 3/2022, May Sông Hồng đã đưa Nhà máy May Sông Hồng 10 vào hoạt động với công suất trên 40 chuyền may. Đến nay, Nhà máy đã hoạt động 100% công suất thiết kế. Đây là nhà máy chuyên sản xuất đơn hàng xuất khẩu, các đơn hàng FOB cho các đối tác lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao với biên lợi nhuận hấp dẫn. Quý IV/2023 vừa qua, Công ty đã khởi công Nhà máy Xuân Trường 2, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024, đầu năm 2025. Sau khi hai nhà máy mới hoạt động hết công suất, quy mô sản xuất của Công ty sẽ đạt khoảng 255 chuyền may, với gần 15.000 lao động, nâng tổng công suất lên 17%.
Cuối tháng 1/2024, HĐQT May Sông Hồng đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập liên doanh tại Ai Cập. May Sông Hồng là công ty thứ hai của Việt Nam và là công ty đầu tiên trong ngành dệt may Việt Nam đầu tư tại Ai Cập. Lý do khiến May Sông Hồng quyết tâm đầu tư tại đây: Ai Cập là nước có nền văn minh lâu đời, chi phí nhân công thấp hơn nhiều so với Việt Nam; có hiệp định thương mại tự do ký với Israel, cho phép hàng xuất đi Mỹ được miễn thuế 100%, thời gian vận chuyển đường biển sang châu Âu và Mỹ gần; nhiều nước đã và đang đầu tư vào Ai Cập và đầu tư nhiều như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.
“Đầu tư vào môi trường mới luôn có rủi ro, nhưng cơ hội cũng rất nhiều, đặc biệt là chi phí nhân công thấp so với mặt bằng chi phí hiện tại và trong tương lai ở Việt Nam. Để giảm thiểu rủi ro, Công ty đầu tư quy mô nhỏ và cử người sang vận hành.Việc mở rộng quy mô sẽ được quyết định tuỳ vào thực tế. Quyết định đầu tư tại Ai Cập cho phép tạo sự linh hoạt, tạo lợi thế cạnh tranh cho Công ty”, lãnh đạo May Sông Hồng chia sẻ.
Trong khi đó, “mảng miếng” mới của CTCP Tập đoàn Đạt Phương là lĩnh vực sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, đã hoàn thành pháp lý thành lập doanh nghiệp. Tập đoàn sẽ đẩy nhanh thủ tục đầu tư, đáp ứng tiến độ khởi công Nhà máy trong quý I/2025. Theo ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Đạt Phương, qua nghiên cứu, Tập đoàn thấy mảng kính rất tiềm năng (kính dùng trong pin năng lượng mặt trời, định hướng xuất khẩu), đồng thời nhà máy đặt tại mỏ nguyên liệu dồi dào, nên đây sẽ là mảng mới được Tập đoàn tập trung trong thời gian tới.
Tại PC1, Tập đoàn sẵn sàng khởi công hai dự án Thuỷ điện Bảo Lạc A và Thuỷ điện Thượng Hà khi đủ điều kiện, cũng như nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong thời gian tới. Với khối bất động sản khu công nghiệp, tại dự án Khu công nghiệp Nomura giai đoạn 2 (quy mô khoảng 200 ha), PC1 sẽ đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý và hoàn thành thiết kế, xin phê duyệt quy hoạch 1/2000. Dự án này sẽ được phát triển theo mô hình khu công nghiệp sinh thái. PC1 sẽ tham gia quản lý và cùng thúc đẩy tiến độ, hiệu quả đầu tư các dự án tại CTCP Western Pacific (PC1 nắm 30,8% vốn). Đồng thời, tập đoàn này tiếp tục thúc đẩy đổi mới quản lý vận hành khu công nghiệp tại Công ty Phát triển khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng (NHIZ). Mảng sản xuất niken đang được triển khai theo kế hoạch, thông qua việc hợp tác bán hàng cho các tập đoàn lớn trên thế giới và chuẩn bị các điều kiện cho việc đầu tư giai đoạn 2.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn nhưng nét chung ở các doanh nghiệp duy trì được đà tăng trưởng là luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực mới, dự án mới. Theo như chia sẻ của lãnh đạo PC1 với cổ đông, “nếu không có đầu tư sẽ không có tăng trưởng”.