Nhóm cổ phiếu blue-chip, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng đã trở lại xu thế lình xình sau phiên bùng nổ ngày 4/5. Liệu nhóm cổ phiếu “vua” có bật dậy trở lại để làm điểm tựa cho thị trường trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Việt Cường
(Phó giám đốc VinaCapital)
Theo quan sát của chúng tôi thì các NĐT cá nhân trên TTCK đang tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu có mức vốn hóa nhỏ (dưới 20 triệu USD) và mức cổ tức cao cùng với chỉ số P/E thấp. Đây là nguyên nhân chính khiến các cổ phiếu nhỏ có mức tăng giá cao hơn thị trường trong thời gian qua. Đối với các cổ phiếu có mức vốn hóa lớn, vốn là mục tiêu đầu tư của các NĐT tổ chức, thì mức độ tăng giá phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh doanh của DN trong thời gian sắp tới nhiều hơn là sự tăng trưởng tín dụng. Chính tình hình sản xuất - kinh doanh của các công ty lớn sẽ quyết định xu hướng thị trường trong trung và dài hạn.
Như chúng ta thấy, NĐT nước ngoài mua vào rất nhiều thời gian qua do tác động tích cực từ sự hồi phục của nền kinh tế toàn cầu và sự tăng điểm của TTCK thế giới trong quý I/2010. Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng chuyển biến tích cực theo xu hướng ổn định và tăng trưởng, thể hiện qua tốc độ lạm phát trong tầm kiểm soát và tỷ lệ tăng GDP năm 2010 vẫn được kỳ vọng ở mức cao so với các nước trong khu vực, đồng thời chỉ số P/E của TTCK Việt Nam còn rẻ so với các thị trường mới nổi khác.
Theo dự báo của VinaCapital, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng 6 - 6,5% trong năm 2010 và lạm phát sẽ xoay quanh mức 10%, đồng thời tỷ giá VND/USD sẽ không biến động lớn so với hiện nay. Điều này sẽ có thể tương đương với mức VN-Index từ 600 - 650 điểm vào cuối năm 2010 hoặc quý I/2011. Dòng tiền đầu tư mới ước tính sẽ quay lại TTCK từ khoảng tháng 9/2010, sau khi có những thông tin tốt về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm của DN niêm yết, cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô khả quan.
Theo tôi, dòng tiền sẽ đến cả từ các NĐT trong nước và các tổ chức đầu tư nước ngoài với mức độ kỳ vọng cao hơn so với năm 2009. Khi đó, các cổ phiếu lớn, có tính thanh khoản cao sẽ là mục tiêu thu hút đầu tư.
Ông Võ Văn Minh
(Trưởng phòng Phân tích, CTCK SHS)
Nhìn vào diễn biến thị trường gần đây, có thể thấy nhóm cổ phiếu blue-chip đang thắng thế. Tuy nhiên, có khả năng mức tăng của nhóm cổ phiếu này sẽ không dài bởi áp lực chốt lãi của NĐT trong những phiên tới. VN-Index đang ở ngưỡng 550 điểm có thể xem là ngưỡng kháng cự. Nhóm cổ phiếu nhỏ trong thời gian qua cũng đã có mức tăng cao nên sẽ khó có sự đột biến trong thời gian tới, ngoại trừ một số mã đầu cơ.
Tuy nhiên, có thể thấy, thông tin vĩ mô gần đây hỗ trợ rất tốt cho thị trường, như lãi suất giảm, CPI tháng 4 chỉ tăng 0,12%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng giá bình quân trong tháng 4 của 10 năm trở lại đây là 0,65%. Kỳ vọng lạm phát thấp giúp gia tăng nguồn tiền huy động vào hệ thống ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Và thực tế, hiện các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay xuống khoảng 14 - 15%/năm. Luồng tín dụng được lưu thông với chi phí hợp lý giúp NĐT tin tưởng hơn vào sự phục hồi của thị trường, mạnh dạn mua vào những mã cổ phiếu blue-chip với nền tảng cơ bản tốt.
Trong xu hướng tăng trưởng trung dài hạn của thị trường, quan điểm đầu tư của NĐT thường tập trung vào những cổ phiếu tốt, chú trọng yếu tố cơ bản và tiềm năng tăng trưởng. Nhóm ngành bất động sản, vật liệu cơ bản, vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục được quan tâm trong thời gian tới.
Ông Tống Minh Tuấn
(Phó phòng Phân tích, CTCK Ngân hàng đầu tư (BSC))
Thị trường đang trong trạng thái chờ đợi những đợt bùng nổ. Hầu hết yếu tố vĩ mô đang rất ủng hộ cho một xu hướng tăng điểm. Các thông tin về lạm phát thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư nước ngoài tăng… đang phản ánh dần vào quyết định của NĐT. Tuy nhiên, mức tăng của các blue-chip hiện vẫn rất hạn chế. Tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn tiền vẫn chưa đủ mạnh. Mặt khác, một cách trực tiếp hơn là có một lượng tiền lớn vẫn đang "mắc kẹt" tại HNX trong đợt tăng của các cổ phiếu nóng vừa qua. Mặc dù các cổ phiếu nóng ngày 4/5 ghi nhận sự lên điểm trở lại ở một số mã, chúng tôi vẫn cho rằng, rủi ro đối với nhóm này là rất cao.
Trong khi đó, các blue-chip đang hội tụ rất nhiều lợi thế trong thời gian tới. Nổi bật có thể kể đến một số yếu tố như sức cầu của NĐT nước ngoài: Với việc VND ổn định, lạm phát thấp, đầu tư vào Việt Nam hiện đang rất hấp dẫn. Các yếu tố gần đây như ngoại hối ổn định, tỷ giá giảm, giải ngân FDI tốt… đang phản ánh sự gia tăng vị thế của NĐT nước ngoài tại Việt Nam.
Lãi suất đang trên đà giảm với xu thế nới lỏng tiền tệ: Yếu tố thanh khoản sẽ quyết định sự tăng điểm mạnh mẽ của thị trường trong tháng 5/2010. Tôi cho rằng, thời gian này đủ để nguồn tiền có thể ngấm vào thị trường khi mặt bằng lãi suất hạ dần. Theo thống kê ban đầu, tháng 4/2010, nguồn huy động vốn VND của các ngân hàng tăng rất mạnh so với tháng 3. Tuy nhiên, tín dụng vẫn chưa tăng kịp theo huy động. Điều này cho thấy, "room" để bơm tiền là khá nhiều trong thời gian tới. Khi nguồn thanh khoản được cải thiện, sẽ là thời kỳ của các cổ phiếu blue-chip. Do vậy, động lực lên điểm là lớn. Nếu có ý kiến cho rằng, blue-chip tăng giá sẽ bị chốt lời mạnh, thì có thể thấy hầu hết NĐT đang nắm blue-chip đều chưa có lợi nhuận đáng kể, do nhóm này hầu như không tăng điểm trong thời gian vừa qua.
Từ nhận định trên, tôi cho rằng, việc nghiên cứu và lựa chọn các blue-chip tiềm năng là chiến lược đầu tư hợp lý trong thời điểm này.
Ông Nguyễn Việt Quang
(Phó phòng Phân tích Đầu tư, CTCK VNDIRECT)
Thời gian vừa qua, nhiều cổ phiếu tăng mạnh hơn so với Index do dòng tiền đang đổ vào các cổ phiếu có mức giá thấp và trung bình. Các cổ phiếu blue-chip muốn bứt phá thì cần dòng tiền mới đổ vào thị trường.
Có thể nói, xu hướng tăng điểm có thể sẽ còn kéo dài khi dòng tiền đổ vào các cổ phiếu có mức giá trung bình chưa chấm dứt. Việc một số DN công bố kế hoạch kinh doanh thấp không tác động nhiều tâm lý NĐT, trong khi kết quả kinh doanh quý I của đa số DN cũng khá tốt. Room tăng trưởng tín dụng cho quý II còn khá lớn, NĐT nước ngoài tích cực giải ngân. Thị trường đang đi vào giai đoạn tăng trưởng khi 540 điểm trở thành ngưỡng hỗ trợ khá mạnh. Tính từ mốc 480 điểm, VN-Index có thể tăng trưởng 20% (khoảng 580 - 600 điểm) trong tháng 6/2010.
Tuy nhiên, hiện có một số yếu tố bất ổn như áp lực tỷ giá vẫn còn, dòng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài chủ yếu đổ vào thị trường bất động sản, có khả năng đẩy giá bất động sản lên cao, tạo ra bong bóng tài sản. Lãi suất cho vay tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn khá cao…