Phối cảnh dự án Cát Bà Amatina

Phối cảnh dự án Cát Bà Amatina

Đi tìm cổ phiếu xây dựng, bất động sản tiềm năng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong nhóm cổ phiếu bất động sản, VCG của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được đánh giá còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, với tài sản và quỹ đất hàng nghìn ha.

Vinaconex đang sở hữu những tài sản nào?

Tại thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của Vinaconex đạt 30.840 tỷ đồng, tăng tới 57% so với đầu năm. Dù vậy, khối tài sản mà Vinaconex tích lũy được sau nhiều năm hoạt động trên thị trường được giới phân tích đánh giá có thể cao hơn nhiều so với giá trị sổ sách.

Phân tích sâu hoạt động doanh nghiệp có thể thấy, tài sản của Vinaconex rất giá trị và có tiềm năng sinh lời cao. Chẳng hạn, VCG có vốn đầu tư chi phối vào các lĩnh vực như Thủy điện (nhà máy thủy điện Ngòi Phát với công ty Nedi2 – tổng công suất 84 mw, và thủy điện Đăk Ba – Quảng Ngãi – công suất 30 mw).

Lĩnh vực giáo dục vốn là con gà đẻ trứng vàng của nhiều tập đoàn cũng là thế mạnh của Vinaconex với hệ thống giáo dục Lý Thái Tổ gồm 4.000 học sinh, với 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 Trường THCS &THPT do VCG sở hữu 100%, trên diện tích 2,4 ha đất tại Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Hà Nội). Đặc biệt, Vinaconex còn có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp nước sạch với Công ty cổ phần Viwaco và Dung Quất có tổng sản lượng bán lẻ 200.000 m3/ngày đêm…

Xét về bất động sản, VCG hiện là một trong những doanh nghiệp có tiềm lực lớn nhất hiện nay khi sở hữu hàng loạt dự án đang khai thác cho thuê như tòa nhà văn phòng hạng A 34 Láng Hạ (Hà Nội), 47 Điện Biên Phủ (TP.HCM), Vinata Tower, tòa nhà Vinaconex Chợ Mơ, N05, các khu bất động sản tại Trung Hòa Nhân Chính, các bất động sản có giá trị tại TP.HCM... Các công ty con của VCG cũng sở hữu nhiều bất động sản có giá trị tại các tỉnh, thành trên khắp cả nước.

Với tầm nhìn dài hạn cùng định hướng phát triển dự án lớn, Vinaconex đã tích lũy được quỹ đất lên tới 2.000 ha tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên… Trong đó, có dự án Khu đô thị du lịch Cát Bà - Amatina quy mô 172 ha tại đảo ngọc Cát Bà (Hải Phòng) có tổng mức đầu tư gần 6 tỷ USD; tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond tại Láng Hạ (Hà Nội), khu đô thị đại lộ Hoà Bình kéo dài, khu dân cư đô thị tại Km3 - Km4 ở Móng Cái (Quảng Ninh)., khu đô thị Kim Văn Kim Lũ, khu du lịch Phú Yên – Quảng Nam.... Trong chiến lược và kế hoạch đang triển khai, VCG dự kiến nâng quỹ đất lên 5.000 ha vào năm 2025.

Điều đáng nói là Vinconex hiện là một trong những nhà thầu top đầu Việt Nam, sở hữu năng lực xây lắp vượt trội. Không những vậy, Tổng công ty còn được đánh giá cao ở năng lực phát triển dự án bất động sản qua những dự án thực tế, có quy mô lớn tại Hà Nội.

Trong đó, có thể kể đến Dự án Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính có tổng diện tích đất trên 30 ha, tổng mức đầu tư 273.624 tỷ đồng và là khu dân cư được quy hoạch đồng bộ, chất lượng cao cho khoảng 15.000 người sinh sống. Khu chung cư cao cấp N05 (Trung Hòa Nhân Chính) hay Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh có diện tích lên tới 264,13 ha tại huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội cũng là những dự án nổi bật tại Hà Nội.

Với thương hiệu và uy tín đã được khẳng định ở các dự án lớn, năng lực và kinh nghiệm triển khai các dự án bất động sản của Vinaconex được tin tưởng sẽ đem đến chất lượng sống mới cho các khu vực mà dự án có mặt, đồng thời tạo ra hiệu quả cao cho các dự án mà Tổng công ty đầu tư.

Doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách đầu tư công

Bên cạnh mảng đầu tư với những dự án nổi bật và nhiều tiềm năng như trên, năng lực nhà thầu xây lắp hàng đầu Việt Nam trong cả 3 mảng lớn gồm giao thông, công nghiệp và dân dụng, đem đến nguồn việc dồi dào cho Vinaconex khi Chính phủ chủ trương dành nguồn lực lớn cho đầu tư hạ tầng như đường giao thông, cầu cảng, sân bay...

Cho đến nay, giá trị các hợp đồng xây lắp mà Tổng công ty ký được lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó có nhiều dự án đầu tư công trọng điểm quốc gia như các gói thầu lớn của dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020: Phan Thiết - Dầu giây; Phan Thiết Vĩnh Hảo; Mai Sơn - QL 45; Nghi Sơn - QL 45; dự án đầu tư xây dựng Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 – Hà Nội, một số gói thầu của các dự án xây dựng sân bay Long Thành, Phú Bài, Đà Nẵng...

Theo Vinaconex, doanh thu từ lĩnh vực xây lắp dự kiến tăng trưởng khoảng 20%/năm, từ 2021 trở đi. Ngoài đội ngũ kỹ sư tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, việc tập trung đầu tư cho công nghệ và hệ thống quản trị hiện đại, đã giúp Vinaconex cải thiện biên lợi nhuận gộp trong lĩnh vực xây lắp đạt 9%, cao hơn 30% so với trung bình ngành.

Với định hướng tái thiết lại nền kinh tế sau đại dịch, Chính phủ đã công bố một số gói kích cầu cho lĩnh vực đầu tư công, xây dựng, bất động sản và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến việc triển khai thực hiện các dự án trong lĩnh vực này. Nhờ vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, BĐS được hưởng lợi và được nhận định có nhiều tiềm năng sinh lời từ các dự án đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới.

Ngoài khối tài sản khổng lồ đã tích lũy được qua hàng chục năm hoạt động, Vinaconex gần đây còn được đánh giá cao ở việc tái cấu trúc mạnh mẽ theo chiến lược đã đề ra. Cụ thể, VCG đã và đang thu gọn lại danh mục đầu tư với chiến lược không dàn trải, bán hoặc thoái các doanh nghiệp yếu kém, tập trung tài chính cho 3 trụ cột mũi nhọn là mảng Xây dựng, BĐS và Đầu tư tài chính.

Tới đây, VCG sẽ tiếp tục tiến hành tái cấu trúc phần vốn tại Nhà máy Xi măng Cẩm Phả, EVN quốc tế, một số dự án BOT để tạo nguồn lực, thực hiện M&A các dự án bất động sản đã cơ bản hoàn thiện thủ tục pháp lý để vừa triển khai thực hiện trong năm, vừa tạo quỹ đất dự trữ cho các năm tiếp theo, từng bước nâng cao tỷ trọng giá trị đầu tư trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Vinaconex.

Dự kiến quy mô đầu tư vốn của Vinaconex vào các dự án trong thời gian tới sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhất là các dự án hạ tầng có nhiều tiềm năng. Đơn cử như dự án cảng biển quốc tế Vạn Ninh tại Quảng Ninh mà tổng công ty góp 40% vốn và là tổng thầu xây lắp của dự án, mới được khởi công cuối tháng 10 vừa qua.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/11, cổ phiếu VCG đạt 45.800 đồng/cổ phần. Có thể thấy, nếu so với tổng tài sản và tiềm năng thực của doanh nghiệp, cũng như so sánh với các doanh nghiệp trong ngành, thị giá cổ phiếu VCG đang ở mức hấp dẫn để đầu tư, xét cả ngắn và trung hạn.

Tin bài liên quan