Khi giá cổ phiếu tăng tốc nhờ cơn sốt của ngành công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), giới chuyên gia dự báo tài chính ở Phố Wall vẫn đang tiếp tục tìm hiểu vì sao thị trường thách thức mọi dự báo bi quan của họ trong nhiều tháng trước đây.
Chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 16%, một mức tăng dường như không thể có trong năm nay. Việc dự báo bi quan và sai lầm đang gây hoang mang cho những người được trả tiền để dự đoán hướng đi thị trường chứng khoán.
Sau khi bất ngờ trước khả năng chống chịu của nền kinh tế Mỹ cho đến nay, những chuyên gia của thị trường gấu vẫn bất đồng quan điểm về triển vọng của thị trường.
David Kostin, Giám đốc chiến lược cổ phần của Goldman Sachs kỳ vọng chứng khoán Mỹ sẽ tăng tiếp. Trong khi đó, Mike Wilson, Giám đốc đầu tư của ngân hàng Morgan Stanley và Marko Kolanovic, Giám đốc chiến lược các thị trường toàn cầu của ngân hàng JPMorgan cảnh báo các nhà đầu tư nên tránh xa chứng khoán.
Ngân hàng Bank of America chứng kiến sự bất đồng nội bộ. Savita Subramanian, chuyên gia chiến lược cổ phần hàng đầu của ngân hàng này là một trong những tiếng nói lạc quan nhất của thị trường, nhưng người đồng nghiệp, Michael Hartnett cảnh báo chứng khoán Mỹ bước vào đợt sụp đổ mới.
Có một điều chắc chắn là hiện nay, chỉ số S&P 500 đã vượt qua mức trung bình trong các dự báo của chỉ số này vào cuối năm. Các nhà chiến lược ở các ngân hàng đầu tư kỳ vọng chỉ số S&P 500 kết thúc năm 2023 dưới 4.100 điểm, tuy nhiên, chỉ số này đã đóng cửa ngày 30/6 tại mức 4.450,38 điểm, cao hơn 8,5% so dự báo của họ vào cuối năm.
Không có gì ngạc nhiên khi một số chuyên gia phân tích chứng khoán tỏ ra thận trọng. Họ hy vọng những dự đoán của họ sẽ sớm được chứng minh là đúng khi chính sách diều hâu của Cục Dự trữ liên Mỹ (Fed) bắt đầu có tác động rõ rệt.
Những chuyên gia phân tích khác đang thay đổi quan điểm và điều chỉnh dự báo mục tiêu của chỉ số S&P 500 vào cuối năm khi họ nhận thấy cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ hưởng lợi nhờ trí tuệ nhân tạo AI còn dư địa để tăng giá cao hơn.
Những người theo chủ nghĩa hoài nghi có một số lo ngại lớn. Đó là đà tăng giá cổ phiếu chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ của các cổ phiếu công nghệ lớn, rủi ro kinh tế suy thoái và việc các doanh nghiệp điều chỉnh dự báo thu nhập đi xuống. Tuy nhiên, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, thị trường tiếp tục tăng cao hơn và dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ thể tránh được suy thoái.
Scott Chronert, chuyên gia của ngân hàng Citigroup quyết định không tăng mục tiêu dự báo đối với chỉ số S&P 500 vì cho rằng các doanh nghiệp không điều chỉnh tăng dự báo thu nhập của họ.
Trong thời kỳ hậu đại dịch, với chu kỳ kinh tế và thị trường đi ngược lại sự khôn ngoan thông thường, một số chuyên gia tài chính có vẻ là thiên tài, có nguy cơ trở thành những kẻ ngớ ngẩn. Trong khi đó, những người trở nên nổi tiếng khi đặt cược vào cơn bùng nổ của ngành công nghệ AI có vẻ sẽ hoang tưởng với dự báo quá lạc quan nếu thị trường chứng khoán lao dốc trong những tháng tới.
Theo Adam Parker, cựu giám đốc chiến lược của ngân hàng Morgan Stanley, khi nói đến các dự báo trên thị trường chứng khoán sẽ có 4 trường phái là tăng, giảm, đúng và sai.
"Điều tồi tệ nhất là khi bạn làm việc tại một trong những công ty dự báo cổ phiếu giảm giá vì bạn đã không thực sự giúp khách hàng nắm bắt được xu hướng tăng giá của cổ phiếu", Parker, người hiện đứng đầu Trivariate Research nói.
Michael Kantrowitz, Giám đốc chiến lược của Piper Sandler, vẫn dự báo chỉ số S&P 500 giảm xuống 3.225 điểm vào cuối năm nay, một dự báo ảm đạm nhất hiện nay.
Adam Parker cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu thận trọng hơn so với 7 tháng trước, do chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh và tín dụng đang xấu đi. Nhưng việc thay đổi quan điểm một cách đột ngột có nguy cơ làm giảm độ tin cậy của nhà chiến lược.
"Tôi không nghĩ rằng bạn muốn giữ một quan điểm định cố định vì dữ liệu luôn thay đổi. Tôi nghĩ bạn phải phản ứng và tiếp thu dữ liệu mới, rồi điều chỉnh luận điểm của mình sao cho phù hợp", ông nói.