Đi đường vòng để tạo hiệu quả tăng trưởng tốt hơn

Đi đường vòng để tạo hiệu quả tăng trưởng tốt hơn

(ĐTCK) Doanh nghiệp Nhà nước đang trì trệ như hòn đá tảng, nếu không vượt qua được thì nên đi vòng qua khối DN tư nhân, sẽ đạt hiệu quả tăng trưởng tốt hơn.  

Tại Hội thảo khoa học Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014 với chủ đề “Cộng hưởng hiệu ứng chính sách” do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (NCEIF) tổ chức mới đây, ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần có chính sách phát huy hiệu quả đồng vốn, hơn là tìm mọi cách để huy động vốn.

“1 vốn 4 lời”?

Theo bà Mai Thị Thu, Giám đốc NCEIF, năm 2014, nền kinh tế Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi nhiều cơ chế, chính sách đồng thời phát huy tác dụng.

“Về cơ bản, các DN đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất là năm 2012, 2013 để tiếp tục hoạt động đã chứng minh được nguồn lực, cũng như tính khả thi trong hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Vì vậy, khi Chính phủ kiên định thực hiện các chính sách hỗ trợ DN trong năm 2014, sẽ là cơ hội lớn cho các DN tăng trưởng”, bà Thu nói và cho rằng, các cơ chế, chính sách ban hành trong các năm qua, đặc biệt là năm 2013, đã vượt qua độ trễ về thời gian, tổ chức thực hiện, phản hồi và điều chỉnh, để có thể áp dụng trơn tru trong năm 2014.

Các chính sách giải quyết khó khăn căn bản như vấn đề hàng tồn kho, nợ xấu ngân hàng... đã dần đi vào cuộc sống và nhận được sự đồng thuận của xã hội.

Cũng theo bà Thu, năm 2014 sẽ là năm “tăng tốc” phát triển để đạt các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Do vậy, dự báo Chính phủ sẽ có những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng và cải cách nền kinh tế, mà trọng tâm là phát triển DN, thay vì sử dụng công cụ đầu tư công làm động lực chủ yếu cho tăng trưởng như trước đây.

Ngoài ra, “cú hích” gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài, cộng thêm đẩy mạnh cải cách khối DNNN sẽ phá vỡ vòng bó buộc và tạo đột biến cho DN trong nước tăng sức cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đánh giá cao những nhận định của NCEIF, ông Bá cho rằng, điểm mà nền kinh tế cần là phải có những chính sách phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư, thay vì tìm mọi cách để huy động vốn.

“Các cụ nói làm ăn phải 1 vốn 4 lời, trong khi chúng ta chỉ có 1 vốn 1 lời, thậm chí có khi chỉ 0,5 lời, nên dù chúng ta có huy động được cả tỷ USD từ ODA, FDI hay phát hành trái phiếu chính phủ cũng không mang lại hiệu quả nhiều cho sự phát triển”, ông Bá nói.

 

Đi đường vòng nhanh hơn

Dẫn lại lời của chuyên gia kinh tế nước ngoài khi ví nền kinh tế Việt Nam phát triển nhờ 4 động cơ chính là nông nghiệp, DNNN, DN tư nhân và DN FDI, GS. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư cho rằng, hiện chỉ có 1 động cơ là DN FDI chạy tốt. Do đó, GS. Mại kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy hoạt động của khối DN này hơn nữa, tạo sức lan tỏa sang các khối DN khác.

Theo GS. Mại, khối DNNN và nông nghiệp sẽ khó tăng trưởng ngay trong ngắn hạn, vì vậy cũng cần có chính sách vực dậy hoạt động cho khối DN tư nhân trước.

“DNNN đang trì trệ như hòn đá tảng, nếu không vượt qua được thì nên đi vòng qua khối DN tư nhân, sẽ đạt hiệu quả tăng trưởng tốt hơn”, GS. Mại nhìn nhận.

Cùng quan điểm, ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Đổi mới DN thuộc CIEM cũng cho rằng, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là quá trình tái cơ cấu khối DNNN diễn ra chậm chạp và về cơ bản vẫn theo phương cách cũ. Còn nhận định về kinh tế Việt Nam 2014, theo ông Cường, trong trung và dài hạn còn nhiều nút “thắt cổ chai” đối với sự chuyển đổi về chất của nền kinh tế, như năng suất, sức cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục, cơ sở hạ tầng đô thị,… Nếu những vấn đề này không được giải quyết triệt để, nền kinh tế Việt Nam dễ có nguy cơ rơi vào tình trạng đi ngang trong nhiều năm. Và hệ quả là Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Chia sẻ với những kiến nghị trên, ông Bá cho rằng, nền kinh tế đang rất cần những chính sách phát triển cả trong ngắn hạn và dài hạn. Đôi khi, những chính sách này có sự đối nghịch, như mục tiêu kiềm chế lạm phát so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vì thế, rất cần đến một nghệ thuật để kết hợp một cách hài hòa giữa các chính sách.