ĐHĐCĐ VietinBank (CTG): Mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 15%, chia cổ tức tỷ lệ 11,85%

ĐHĐCĐ VietinBank (CTG): Mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 15%, chia cổ tức tỷ lệ 11,85%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sáng 29/4, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã chứng khoán CTG - sàn HOSE) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.

Tại ĐHĐCĐ 2022 của VietinBank cho biết, công tác quản trị điều hành của VietinBank có những thay đổi mạnh mẽ nên năm 2021 đã đạt được những kết quả tích cực cả về quy mô và hiệu quả, hoàn thành và vượt các mục tiêu kế hoạch.

Cụ thể, thứ nhất, tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, hiệu quả, tăng trưởng vào các khu vực địa bàn trọng tâm, trọng điểm, các ngành, lĩnh vực có tiềm năng. Dư nợ tín dụng tại thời điểm 31/12/2021 đạt hơn 1,14 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2020. Trong đó, dư nợ tăng trưởng tập trung vào các phân khúc khách hàng có tỷ suất sinh lời cao, tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục được cải thiện.

Thứ hai, thực hiện cân đối vốn hiệu quả, điều hành tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng trên cơ sở đảm bảo các hệ số an toàn thanh khoản, tối ưu hóa cơ cấu vốn để kiểm soát chi phí, nâng cao hiệu quả thu nhập lãi thuần. Kết thúc năm 2021, nguồn vốn huy động thị trường I hợp nhất đạt 1,16 triệu tỷ đồng, tăng hơn 17,3% so với năm 2020. Nguồn vốn CASA thị trường I tiếp tục được cải thiện, tăng hơn 20% so với năm 2020.

Thứ ba, đa dạng hóa cơ cấu thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Theo đó, tỷ lệ thu ngoài lãi năm 2021 đạt 21,4%, trong đó tăng trưởng thu phí tài trợ thương mại, phí bảo lãnh, lợi nhuận hoạt động kinh doanh ngoại tệ của ngân hàng rất tích cực. VietinBank tiếp tục đứng top đầu về cả doanh số và thị phần kinh doanh ngoại tệ trên thị trường, góp phần cải thiện cơ cấu thu nhập của VietinBank theo hướng bền vững.

Thứ tư, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nợ, thu hồi nợ xấu, nợ xử lý rủi ro đạt kết quả ấn tượng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức khoảng 1,26%. VietinBank chủ động tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, tỷ lệ bao nợ xấu hợp nhất tại 31/12/2021 đạt 180,4%.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả sử dụng, quản trị chi phí. VietinBank đạt hiệu quả sử dụng, quản trị chi phí đạt mức tốt nhất trong nhiều năm qua. Tỷ lệ CIR được kiểm soát tốt, ở mức 32,3%.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị thành viên. Năm 2021, các công ty con, ngân hàng con và công ty liên kết hoạt động hiệu quả, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 22% so với năm 2020.

Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình phát biểu tại ĐHĐCĐ 2022

Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình phát biểu tại ĐHĐCĐ 2022

Đặc biệt, tháng 7/2021, VietinBank đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức tiền mặt các năm 2017 - 2019 và hiện là ngân hàng lớn thứ hai trong ngành về vốn điều lệ. Qua đó tạo tiền đề giúp VietinBank nâng cao năng lực tài chính, tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng cường khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế.

Trong năm 2021, VietinBank chủ động cắt giảm hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí, thoái lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VietinBank năm 2021 đạt 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2020.

Tại Đại hội, VietinBank cũng đã thông qua các chỉ tiêu tài chính năm 2022 với chỉ tiêu tổng tài sản tăng trưởng từ 5 - 10%; dư nợ tín dụng được thực hiện theo phê duyệt của NHNN (Mức tăng trưởng cụ thể theo điều hành chính sách tiền tệ, chỉ tiêu do NHNN giao và nhu cầu cần thiết của nền kinh tế); nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng 8 - 10%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng theo Thông tư 02 dưới 1,8%.

Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ dự kiến tăng trưởng 15% và được điều chỉnh theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (VietinBank tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh, thực hiện tốt vai trò ngân hàng chủ lực, trụ cột và chủ đạo của nền kinh tế). Tỷ lệ chi trả cổ tức và cơ cấu chi trả cổ tức (tiền mặt, cổ phiếu) thực hiện theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và tuân thủ quy định của pháp luật; Các tỷ lệ an toàn hoạt động tuân thủ quy định của NHNN.

ĐHCĐ Ngân hàng cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.751 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020. Cụ thể, VietinBank sẽ phát hành hơn 569 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương đương tỷ lệ 11,85%.

Liên quan đến vấn đề nhân sự, với sự nhất trí cao Đại hội đã thông qua bầu bổ sung ông Nguyễn Đức Thành, Phó tổng giám đốc giữ chức vụ Thành viên HĐQT VietinBank nhiệm kỳ 2019 - 2024.

Quy mô tổng tài sản Vietinbank tại thời điểm 31/3/2022 là 1.663.730 tỷ đồng, tăng 8,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng trưởng tích cực, tập trung vào các phân khúc khách hàng có tỷ suất sinh lời cao, tỷ trọng dư nợ bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục được cải thiện.

Tiền gửi của khách hàng đạt 1.213 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cuối năm ngoái, nguồn vốn được cân đối phù hợp với tăng trưởng dư nợ tín dụng, chú trọng gia tăng tiền gửi thanh toán, tiền gửi có kỳ hạn ngắn. Quy mô và tỷ trọng tiền gửi CASA tiếp tục tăng trưởng…

Thu nhập hoạt động tăng trưởng 8,9% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là thu xử lý rủi ro và thu kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng tương ứng 163% và 130% so với cùng kỳ 2021.

Lãi thuần từ hoạt động khác đạt 1.877 tỷ đồng, tăng trưởng 328% so cùng kỳ 2021. Chi phí hoạt động tiếp tục được kiểm soát và nâng cao hiệu quả, ưu tiên chi phí cho các hoạt động trực tiếp phục vụ hoạt động kinh doanh, các hoạt động chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng nhân sự để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngân hàng.

Chi phí DPRR tín dụng trong quý I/2022 khoảng 4,4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 nghìn tỷ đồng (tương đương tăng 228%) so với cùng kỳ năm trước do VietinBank luôn chủ động nhận diện rủi ro và chuyển nhóm nợ phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng; đồng thời thực hiện trích lập DPRR đầy đủ theo đúng quy định của NHNN.

Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 180% năm 2021 lên hơn 190%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I/2022 đạt hơn 5,8 nghìn tỷ đồng.

Tin bài liên quan