Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - mã chứng khoán: VCB) diễn ra sáng nay, ngày 26/6, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, trong năm 2018, Vietcombank tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc và đạt những kết quả ấn tượng trên hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động; đạt và vượt các chỉ tiêu ĐHĐCĐ giao.
Cụ thể, tổng tài sản đến 31/12/2018 đạt 1.074.027 tỷ đồng, tăng 3,7% so với 31/12/2017. Tổng huy động vốn năm 2018 đạt 823.390 tỷ đồng, tăng 13,3% so với 2017. Dư nợ tín dụng đạt 639.370 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2017, nằm trong mức trần định hướng tăng trưởng tín dụng của Thống đốc NHNN giao.
Trong năm 2018, Vietcombank tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Dư nợ nhóm 2 là 3.781 tỷ đồng, giảm 1.002 tỷ đồng so với năm 2017. Tỷ lệ nợ nhóm 2 chỉ còn ở mức 0,59%.
Kể từ khi cổ phần hóa, năm 2018 là năm đầu tiên Vietcombank đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 1%. Dư nợ xấu nội bảng là 6.223 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 0,97%, trong khi dư quỹ dự phòng rủi ro ở mức 10.294 tỷ đồng. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng là 165%, đạt mức cao nhất trong hoạt động của Ngân hàng.
Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 3.272 tỷ đồng, hoàn thành 116,8% kế hoạch HĐQT giao. Lợi nhuận trước thuế đạt 18.269 tỷ đồng, tăng 61,1% so cùng kỳ, đạt 137% kế hoạch năm 2018 do Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) giao.
Trong năm 2019, Vietcombank sẽ tập trung nguồn lực, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà ĐHĐCĐ giao, đưa Vietcombank phát triển hơn nữa và tiến gần hơn tới mục tiêu chiến lược là trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng hàng đầu khu vực, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, được quản trị theo các thông lệ tốt nhất.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank phát biểu tại Đại hội.
Về chỉ tiêu năm 2019, dự kiến tổng tài sản Ngân hàng sẽ tăng thêm 12% đạt hơn 1.202.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng 15% đạt hơn 735.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 913.000 - 930.000 tỷ đồng, tăng từ 11 - 13%.
Ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất đạt 20.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2018, lợi nhuận riêng của ngân hàng mẹ đạt 19.500 tỷ đồng tăng 8,3%.
Bên cạnh đó, trong năm nay, số lao động của ngân hàng dự kiến sẽ tăng không quá 12%. Đồng thời, chi phí lương sẽ chiếm khoảng 37% lợi nhuận chưa bao gồm lương. Số chi nhánh dự kiến tăng thêm 5 và nếu được cơ quan quản lý chấp thuận, thì sẽ mở rộng thêm 1 chi nhánh ở Úc tức tổng cộng tăng thêm 6.
Theo đó, điểm đáng chú ý trong nội dung được trình ĐHĐCĐ hôm nay, lợi nhuận của Vietcombank thấp hơn so với con số 20.500 tỷ mà ngân hàng đã gửi tới cổ đông trước đó.
Trước câu hỏi của cổ đông về vấn đề điều chỉnh giảm lợi nhuận, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, trước khi ĐHĐCĐ, cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng phải rà soát lại kế hoạch kinh doanh, đặc biệt là việc trích lập dự phòng đầy đủ, nhất là các khoản nợ đã bán cho VAMC. Nếu các ngân hàng đã trích lập đủ rồi thì yêu cầu chia sẻ với doanh nghiệp, tức là chia sẻ lợi nhuận bằng việc giảm lãi suất và Vietcombank rơi vào trường hợp thứ hai.
Ông Thành cho biết thêm, hiện Vietcombank có tỷ lệ bao nợ xấu gần 170% - cao nhất trong số các TCTD, tức là 100 đồng nợ xấu thì dự phòng đến 170 đồng. Vietcombank đã rất thận trọng, an toàn theo chuẩn mực quốc tế và không còn nợ xấu ở VAMC.
Ban lãnh đạo ngân hàng cũng có rà soát và điều chỉnh giảm lợi nhuận để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sử dụng trọn gói các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Song ông Thành cũng cam kết với cổ đông lợi nhuận năm 2019 sẽ vượt 20.000 tỷ đồng, mức 20.000 tỷ đồng trong tờ tình gửi ĐHĐCD là mức tối thiểu.
Đối với việc góp vốn vào MB, Eximbank, Vietnam Airlines, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, hoạt động thoái vốn đã đạt hơn 1.600 tỷ đóng góp vào lợi nhuận năm 2018. Hiện nay, còn một số khoản đầu tư lớn ở MB và Eximbank, khoảng 4,5% ở mỗi đơn vị này, ngoài ra còn Vietnam Airlines cũng là khoản đầu tư lớn. Nếu định giá thị trường đến ngày hôm nay thì Vietcombank có lãi khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ vào hoạt động kinh doanh 2019, sẽ có kế hoạch thoái vốn hiệu quả nhất. Hiện ngân hàng không có sức ép thoái vốn, vì đều đã đáp ứng các yêu cầu về sở hữu.
Liên quan đến vấn đề tăng vốn bằng phát hành riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu và cổ đông mới, ông Dũng thông tin, việc tăng vốn từ 2 cấu phần là chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ.
Đối với việc phát hành riêng lẻ, đây là phương án tiếp theo của kế hoạch phát hành năm trước đã thực hiện (mới làm được hơn 3%) cho GIC, sẽ phát hành tiếp hơn 6% trong năm nay.
Song hình thức tăng vốn năm nay sẽ khác, bao gồm phát hành cho cổ đông hiện hữu và cổ đông mới chứ không chỉ riêng cổ đông mới như năm ngoái, việc này HĐQT sẽ thực hiện sau khi cổ đông thông qua.
“Vietcombank tiếp cận với các nhà đầu tư lớn và có nhiều nhà đầu tư cũng muốn tham gia vào Vietcombank, nên khả năng đợt tăng vốn tới sẽ có sự tham gia của các cổ đông này”, ông Dũng nói.
Được biết, đoạn 2019 - 2020, Vietcombank dự kiến tăng vốn lên gần 55.300 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu. Đợt 1, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận giữ lại với tỷ lệ 40% (chia cổ tức bằng cổ phiếu).
Nếu phát hành thành công, số vốn dự kiến tăng thêm là gần 14.835 tỷ đồng lên 51.924 tỷ đồng. Nguồn phát hành từ lợi nhuận giữ lại tích lũy. Thời gian phát hành dự kiến là trong năm 2019 và ủy quyền cho HĐQT quyết định thời gian cụ thể.
Đợt 2, sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành ra công chúng với tỉ lệ 6,5%, tương đương 337,5 triệu cổ phần. Số vốn dự kiến tăng thêm tối đa là 3.375 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau khi phát hành đạt 55.299 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2020 và ủy quyền cho HĐQT quyết định thời gian cụ thể.
Kế hoạch sử dụng vốn tăng thêm, ngân hàng sẽ dùng 500 tỷ đồng để xây dựng trụ sở chính, đầu tư tài sản cố định và cơ sở vật chất. Số vốn còn lại sẽ được dùng để tài trợ hoạt động cho vay của ngân hàng.