ĐHĐCĐ VietABank (VAB): Sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong năm 2024

ĐHĐCĐ VietABank (VAB): Sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hồ sơ lên HOSE đã được Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank, mã VAB - UPCoM) chuẩn bị sẵn sàng để khi ĐHĐCĐ thông qua sẽ tiến hành hoàn thiện thủ tục sớm nhất.

Trước câu hỏi của cổ đông về kết quả kinh doanh quý I/2024, ông Nguyễn Văn Trọng, quyền Tổng giám đốc VietABank cho biết, lợi nhuận khoảng 258 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch kinh doanh 2024.

Đối với vấn đề nợ xấu, VietABank có tăng lượng trích lập dự phòng liên quan đến việc NHNN cho phép giãn nợ đầu năm, ông Trọng cho biết, tính đến thời điểm 31/3/2024, tỷ lệ nợ xấu là 2,54% vẫn trong tầm kiểm soát và Ngân hàng sẽ luôn duy trì mức độ nợ xấu dưới 3%.

Liên quan vấn đề này, ông Phương Thành Long, Chủ tịch HĐQT VietABank chia sẻ thêm: “Tỷ lệ tăng trưởng nợ xấu nếu thay đổi không đáng kể và kiểm soát nợ xấu là trách nhiệm của Ngân hàng phải đưa lên hàng đầu”.

Trước băn khoăn của cổ đông về tỷ lệ Casa của Ngân hàng còn thấp, ông Trọng thừa nhận, hệ thống công nghệ của Ngân hàng trước đây khá cũ đã khiến tỷ lệ CASA thấp. Nhưng từ năm 2023, VietABank đã hoàn thành nâng cấp core banking, phiên bản mới nhất trên thị trường đã được áp dụng. Dự báo, đây sẽ là thế mạnh cạnh tranh liên quan tới khách hàng của Ngân hàng trong thời gian tới.

“Từ năm 2023 đến nay, tỷ lệ CASA chưa lớn nhưng đã bắt đầu liên tục thay đổi so với các năm trước, ví dụ như năm 2023, CASA đã trên 4% so với năm 2022. Dự kiến từ năm 2024 trở đi CASA sẽ ở mức 8%, dù chưa phải là cao nhưng mục tiêu này đã được cải thiện tốt hơn so với các năm trước vốn chỉ có 2%. CASA cao sẽ giúp Ngân hàng giảm chi phí giá vốn, giúp giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng trong năm 2024”, ông Trọng nói.

Đáng chú ý tại ĐHCĐ, ông Trọng đã chia sẻ kế hoạch niêm yết trong năm 2024. Hiện tại Viet A Bank đang trên UpCom và mục tiêu năm 2024 sẽ niêm yết trên HoSE. Hồ sơ đã được Ngân hàng chuẩn bị sẵn sàng để khi ĐHĐCĐ thông qua sẽ tiến hành hoàn thiện thủ tục sớm nhất.

Đối với chất vấn của cổ đông về room thù lao cho HĐQT tại sao tăng từ 9 tỷ đồng lên 12 tỷ đồng, tương đương 30% trong khi các chỉ tiêu kinh doanh mức tăng trưởng không như vậy? Chủ tịch Phương Thành Long chia sẻ, thù lao cho HĐQT của VietABank khá thấp so với mặt bằng chung trên thị trường, trong đó đã nhiều năm không tăng, cụ thể từ năm 2016 đến năm 2023.

Việc tăng thù lao dựa trên việc đóng góp công sức, thời gian bỏ ra, nhưng thực tế tăng như nào chúng tôi sẽ nghiên cứu cụ thể để phù hợp với diễn biến kinh doanh của Ngân hàng. Có thể con số cụ thể sẽ không tăng tới 30% như tờ trình, con số tuyệt đối có thể không cao quá 10 tỷ đồng nên mong cổ đông chia sẽ với Ngân hàng. Trên thị trường ngân hàng, đối với biến động nhân sự cấp cao, việc tìm kiếm nhân sự thay thế rất khó và để giữ chân nhân sự thì quyền lợi, tiền lương phải có để tạo động lực làm việc, gắn bó”, ông Long nói.

Chủ tịch VietABank chia sẻ thêm, vốn điều lệ VietABank hiện đang khoảng top 20 trên thị trường ngân hàng niêm yết. Năm 2024, Ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ lên trên 7.500 tỷ đồng trên cơ sở phát hành cổ phiếu thưởng. Còn kế hoạch tăng vốn cho cổ đông riêng lẻ hay hiện hữu cần phải bàn bạc, nghiên cứu thêm.

"Với diễn biến tình hình kinh tế hiện nay, năm 2024 VietABank chưa đề xuất phương án này, nhưng lộ trình năm 2025, Ngân hàng sẽ cố gắng tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và đề xuất với ĐHĐCĐ", ông Long nói.

Theo báo cáo được gửi đến các cổ đông cho biết, nhằm củng cố nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng mạng lưới, phát triển kinh doanh, VietABank tăng vốn điều lệ thêm 2.106 tỷ đồng, tương đương 39% thông qua phát hành cổ phiếu để chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tính đến 31/12/2023. Thời gian phát hành cổ phiếu sẽ được quyết định sau khi nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, VietABank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.058 tỷ đồng, tăng 15,4% so với kết quả năm 2023; tổng tài sản tăng 4,3% lên gần 117.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 12,36% lên 77.741 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến sẽ tăng 5,6% lên 92.027 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Kết thúc năm 2023, tổng tài sản của VietABank đạt 112.196 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 69.190 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2022. Tiền gửi khách hàng ở mức gần 87.181 tỷ đồng, tăng 23,9%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 917 tỷ đồng. Nợ xấu ở mức 1,59%.

Tin bài liên quan