EPS của ngân hàng tăng trưởng mạnh gần 70%
Theo báo cáo tại ĐHĐCĐ, năm 2018, hệ số ROE của TPBank được cải thiện qua từng năm, từ 15,6% năm 2017 lên 20,8% năm 2018.
Sau 1 năm niêm yết trên sàn chứng khoán (mã TPB), chỉ số EPS (lãi trên một cổ phiếu) của Ngân hàng có sự tăng trưởng mạnh, từ 1.717 đồng cuối năm 2017 lên 2.911 đồng cuối năm 2018, tương đương tăng gần 70%. Năm 2018, TPBank phát hành 856.589.206 cổ phiếu với mệnh giá lưu hành 10.000/cổ phiếu, tăng 47% so với năm 2017.
Năm 2018, lợi nhuận TPBank tăng gấp 6 lần so với năm 2013 và là năm đạt lợi nhuận cao nhất của TPBank từ trước tới nay.
Năm 2019, TPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng, tăng 41% so với 2018. Tổng tài sản đạt 158.000 tỷ đồng, vốn điều lệ tăng lên 10.000 tỷ đồng. Nhà băng cũng đặt mục tiêu huy động trên 142.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt trên 101.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 2%.
Tại Đại hội, HĐQT TPBank cũng đệ trình ĐHĐCĐ thông qua định hướng chiến lược phát triển của Ngân hàng với mục tiêu trở thành top 10 ngân hàng hoạt động hiệu quả trong giai đoạn 2018 - 2022.
2019 là năm then chốt với mục tiêu phát triển bền vững và hiệu quả, bên cạnh việc tiếp tục củng cố các yếu tố nền tảng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của ngân hàng, đảm bảo đúng chuẩn Basel II…
Nhà băng dự kiến mở thêm 100 điểm LiveBank mới, nâng tổng số lượng mô hình này lên 200 điểm trên toàn quốc. Đồng thời, ngân hàng tiếp tục đa dạng hóa và hoàn thiện các chính sách nhằm ưu tiên phát triển các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Mới đây, TPBank đã trở thành một trong số ít các ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam được NHNN công nhận tuân thủ sớm Basel II, điều này cho thấy nhà băng đã có hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.
Phát hành trái phiếu và niêm yết tại Singapore
Trả lời chất vấn cổ đông về kế hoạch chia cổ tức về phần lợi nhuận năm 2018, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú cho biết, lợi nhuận chưa phân phối năm 2018 (1.527 tỷ đồng) sẽ được sử dụng để mua lại công ty tài chính và mở thêm công ty AMC, phần còn lại sẽ chia cho các cổ đông nhưng bằng cổ phiếu và phải căn cứ vào tình hình cụ thể để có phương án.
Ngân hàng có kế hoạch tăng vốn thêm gần 1.500 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng nhưng chỉ mới có phương án phát hành 100 triệu cp, tương đương tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.
Đối với phương án tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng, ông Đỗ Minh Phú cho biết, ngân hàng có các nguồn để tăng như sau: nguồn lợi nhuận để lại sau khi đã thực hiện các mục tiêu đã nói ở trên; phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu; thặng dư vốn khi phát hành riêng lẻ.
Ông Phú cho rằng, với mức giá hiện tại thì cổ đông yên tâm sẽ đạt được mức thặng dư cần thiết để tăng vốn.
Liên quan đến câu chuyện tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng là 11,2% trong quý I/2019, sát mức phê duyệt của NHNN là 13%, với mức tăng trưởng mạnh như vậy, trong thời gian tới TPBank có chiến lược kinh doanh như thế nào?
Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng nói: “TPBank đã hoàn thành trước hạn Thông tư 41 và theo chủ trương của NHNN sẽ được ưu tiên tăng trưởng tín dụng cao hơn. Chúng tôi tin là sẽ được tăng thêm và đã xin luôn rồi. Tôi cho rằng, mức 20% là mức trong tầm tay".
Chia sẻ thêm về chiến lược phát triển khi hạn mức tăng trưởng tín dụng đã sát mức trần được duyệt, ông Đỗ Minh Phú cho biết, Ngân hàng đã chuyển sang hướng là tăng lợi nhuận từ khách hàng, phát triển tăng thu từ phí dịch vụ khác chứ không chỉ phụ thuộc vào lãi từ tín dụng.
Về thông tin “hot” phát hành trái phiếu và niêm yết tại Singapore, ông Nguyễn Hưng chia sẻ: “Phát hành 200 triệu USD trái phiếu là trái phiếu thường, ngân hàng đang trong quá trình đàm phán. Trái phiếu phát hành được tính vào vốn cấp 2, sử dụng vốn vào mục đích kinh doanh không phải trái phiếu chuyển đổi”.
Thông tin tại ĐHCĐ cho biết, hệ số CAR theo quy định cũ là 10,41% và theo tiêu chuẩn Basel II mới là 9,6%. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại TPBank là kịch trần 30%. Hiện tại, ngân hàng đang trong quá trình xem xét một số công ty tài chính để mua và mở thêm công ty AMC.