Trong Đại hội cổ đông 2022 Công ty Chứng khoán SSI (mã SSI) diễn ra 8/5, ông Nguyễn Hồng Nam đưa ra góc nhìn trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, và với mức so sánh thấp giai đoạn 2020 - 2021, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022.
Mức dự báo trong kịch bản tích cực này cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 của Chính phủ trong khoảng 6-6,5%.
Theo ông Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý 3/2022, do nền thấp của năm 2021 nên tốc độ tăng trưởng có thể đạt 2 chữ số.
Động lực tăng trưởng bên cạnh rủi ro giãn cách xã hội toàn diện giảm bớt, tăng trưởng kinh tế toàn cầu cải thiện, thì còn đến từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, sẽ mang lại đa dạng hoá chuỗi cung ứng cho Việt Nam.
Dựa trên triển vọng hồi phục khả quan của kinh tế Việt Nam, SSI có quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán năm 2022. Trong nửa đầu năm, thị trường có diễn biến thận trọng do ảnh hưởng từ các lo ngại về lạm phát cao, lãi suất tăng, rủi ro về địa chính trị trên thế giới, tiêu dùng nội địa yếu và tăng trưởng lợi nhuận thấp.
Yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường, theo ông Nam, chính là gói kích thích kinh tế. Ngay trong nửa đầu năm 2022, SSI dự báo vẫn có thể có một số ngành có thể tăng trưởng vượt trội bất chấp khó khăn như xuất khẩu, một số loại hàng hóa hay các ngành hưởng lợi từ đầu tư công.
Nửa cuối năm 2022 sẽ là thời điểm rõ ràng hơn về triển vọng của thị trường. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm do mức so sánh thấp của năm 2021, được hỗ trợ bởi cầu tiêu dùng trong nước hồi phục và tốc độ giải ngân đầu tư công nhanh hơn so với nửa đầu năm.
Các sáng kiến phát triển thị trường vốn, chẳng hạn triển khai mô hình bù trừ thanh toán trung tâm – CCP, dự kiến cũng sẽ là các yếu tố chính thúc đẩy thị trường trong năm 2022.
"Theo kịch bản tốt nhất, việc triển khai CCP có thể hỗ trợ cho xác suất nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi theo đánh giá của FTSE Russell Index được công bố vào tháng 9/2022", ông Nam chia sẻ.
Với các nhận định này, SSI đặt kế hoạch kinh doanh tiếp tục tăng trưởng 30% so với thực hiện năm 2021- năm kỷ lục về hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, doanh thu hợp nhất 10.330 tỷ đồng, tăng 31%, lợi nhuận trước thuế 4.370 tỷ đồng, tăng 30% so với thực hiện 2021.
ĐHCĐ SSI cũng thông qua kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông với tổng số lượng dự kiến là hơn 104 triệu cổ phiếu. Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Các cổ phiếu trong đợt phát hành này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thời gian dự kiến chào bán trong năm 2022-2023, hoặc thời gian khác do HĐQT SSI quyết định.
Trước đó, tháng 1/2022, SSI thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên xấp xỉ 15.000 tỷ đồng thông qua chào bán 497,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền 2:1, giá chào bán 15.000 đồng/cp. Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá tối đa đạt xấp xỉ 4.974 tỷ đồng.
Đợt chào bán này hiện vẫn chưa được tiến hành.
Nếu phát hành thành công 2 đợt nêu trên, vốn điều lệ của SSI sẽ tăng lên mức hơn 15.961 tỷ đồng.
SSI cũng dự kiến trình cổ đông về việc phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Thời gian thực hiện dự án là vào năm 2022 hoặc thời gian khác do HĐQT công ty quyết định.
Số lượng cổ phiếu ESOP này sẽ chỉ được chuyển nhượng 50% sau 2 năm và 50% còn lại sau 3 năm.
Ông Trần Duy Hưng trả lời cổ đông trong phần thảo luận tại Đại hội.
SSI tham gia kinh doanh trái phiếu có vẻ muộn, mà thị trường này đang biến động, ông có đánh giá gì và tác động ra sao với SSI?
SSI tham gia mảng trái phiếu sớm, nhưng có thể tham gia với quy mô vừa phải, từng bước. Tôi cho rằng, bất cứ sản phẩm tài chính nào đều có 2 mặt, nếu làm tốt và đúng quy trình pháp luật, có khả năng đảm bảo an toàn cho trái phiếu, công ty phát hành không vượt quá mức chi trả, khả năng sinh lời của công ty vượt lợi tức trái phiếu trả cho nhà đầu tư thì tốt. Nhưng cái gì làm quá lên, lạm dụng, thì đều trở thành nguy cơ cho nền kinh tế, cho hệ thống tài chính ngân hàng. Và khi trở thành nguy cơ, cơ quan quản lý nhà nước siết lại là dễ hiểu.
Còn SSI thì làm mọi thứ về trái phiếu đều đúng quy định, có tài sản đảm bảo, khả năng chi trả của DN đầy đủ, nhưng lượng trái tại SSI không lớn.
Năm 2020-2021 dòng tiền nhà đầu tư cá nhân nâng đỡ thị trường thì 2022 đâu là điểm tựa cho thị trường, có nghi ngại dòng tiền rút bớt khỏi thị trường hay không?
Thị trường chứng khoán có 2 chức năng là huy động vốn cho nền kinh tế và tổ chức giao dịch, tăng thanh khoản thị trường để nhà đầu tư được chủ động với tài sản của mình. Trên thị trường thứ cấp, nếu người này mua rẻ tức có người bán rẻ, ngược lại, có người mua đắt vì có người bán đắt, bản thân thị trường chứng khoán thứ cấp không sinh ra tiền.
Thị trường sẽ có các chu kỳ, chu kỳ thứ nhất là khi tiền rẻ được bơm vào nhiều, thì tất cả người chấp nhận rủi ro đầu cơ tài sản thì thu lợi nhiều. Khi lượng tiền rẻ giảm, thì những tài sản có khả năng sinh lời sẽ trở thành điểm quan trọng trong thị trường tài chính.
Tôi cho rằng, khi vốn trong nước trở nên đắt, thị trường chứng khoán giảm là cơ hội cho dòng tiền nước ngoài vào tham gia kinh doanh tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tất cả phụ thuộc vào khả năng quản trị rủi ro và khả năng nhận định của mỗi nhà đầu tư, cũng chính vì vậy nên mới có người mua – bán, chứ cùng nhận định chắc không ai mua bán. Tôi cho rằng, cơ hội của năm 2022 là cơ hội của nhà đầu tư có tiền không vay mượn để mua các tài sản ở mức độ giá có thể thu lời trong tương lai, và an toàn hơn nhiều so với đu đỉnh – mua chờ lên mà không biết vì sao lên, vì sao xuống.
Sau 2 năm bùng nổ dòng tiền nhà đầu tư cá nhân thì nay đã hạ nhiệt, thanh khoản giảm về 14.000-17.000 tỷ đồng, có ảnh hưởng như thế nào tới ngành chứng khoán và SSI nói riêng?
Cuối 2021 đầu 2022 là những phiên giao dịch trong mơ của ngành chứng khoán, khi mà chỉ 1 năm mà ta đạt mức 14.000-17.000 tỷ đồng/phiên đã là mơ ước. Vậy cho nên, khi có những phiên 30.000-40.000 tỷ đồng nay còn 15.000 tỷ đồng thì thấy giảm khủng khiếp. Nhưng thực sự, thanh khoản 14.000 - 17.000 tỷ đồng với nền kinh tế Việt Nam 300 tỷ USD GDP, là lý tưởng.
Dĩ nhiên kế hoạch kinh doanh, cơ hội của CTCK sẽ giảm khi thanh khoản giảm, nhưng không thể áp dụng một điều kiện trong mơ để áp mãi cho thực tại.
Thực tế 14.000-17.000 tỷ đồng/phiên đã là rất lý tưởng với người làm tài chính.
Với SSI, điều kiện này thì chưa cần điều chỉnh kế hoạch, vẫn đạt tăng trưởng 30% so với năm 2021- năm đỉnh cao trong 21 năm hoạt động. Nếu có thay đổi lớn hơn, sẽ có điều chỉnh và công bố với cổ đông.
Ông có đánh giá gì về xu hướng thị trường gần đây và tương lai gần, nhiều nhà đầu tư lo ngại thời kỳ thị trường 2018 trở lại?
Trong kinh doanh chứng khoán mà cứ dự báo những xu hướng ngắn hạn thì những người làm vĩ mô như tôi không quá quan tâm, mà quan tâm hơn tới nền tảng dài hạn của nền kinh tế và đánh giá cơ hội thị trường.
Những biến đổi bên ngoài mà ta không kiểm soát được, như xung đột Nga - Ukraina,…hay tăng giá vận chuyển, hay lương thực thực phẩm khan hiếm lại là cơ hội cho ta, như quý 1 nông sản Việt Nam đang rất tốt. Đâu đó vẫn luôn có cơ hội và ta phải thích nghi.
Về dài hạn, những biến đổi ngắn hạn làm cho nhiều nhà đầu tư mất tiền, nhưng nếu chỉ nhìn vào biến đổi ngắn hạn để quyết định đầu tư thì thua thiệt. Còn nhìn dài hạn, như vĩ mô, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, hay tại SSI vay tín chấp quốc tế rất dễ - đây là cơ hội cho SSI.
Với bối cảnh thị trường hiện nay, kế hoạch lợi nhuận có khả thi?
Rất khó nói với cổ đông chúng tôi làm kế hoạch ít hơn, khi mà quý 1 chúng ta đang vượt nhiều, những điều gì xấu đều đã xảy ra như covid, chiến sự… mà doanh thu quý 1 SSI vẫn tăng nhiều. Nếu đặt vấn đề kế hoạch tham vọng nọ kia, mà giờ hạ xuống thì cũng thấy có lỗi với cổ đông, tôi là cổ đông lớn thì tôi cũng không đồng ý với ban điều hành và nhân viên SSI. Nên kế hoạch đặt ra là kế hoạch nhắm đến để đạt được.
Hiện tôi chưa thấy cần thay đổi kế hoạch, tình hình không bi đát như ta đang nhìn nhận.
Ông đánh giá TTCK Việt Nam thời gian tới, yếu tố đáng lưu ý là gì?
Các yếu tố vĩ mô như lãi suất, triển vọng tăng trưởng, hay các yếu tố mang tính toàn cầu hơn như chiến sự, chính sách zero covid của Trung Quốc… vẫn là các yếu tố ảnh hưởng của thị trường. Do thị trường chứng khoán là thị trường của niềm tin, nên khi nhìn các yếu tố không kiểm soát được thì ta hoang mang.
Nhưng các chính sách có thể nhìn thấy triển vọng về dài hạn là thanh lọc thị trường, minh bạch thị trường. Kinh nghiệm 20 năm thì đây không phải lần đầu tiên TTCK điều chỉnh kéo dài như thế này. Các yếu tố vĩ mô đến 2025 tôi cho là thuận lợi cho thị trường vốn.
Ngành bất động sản dự báo khó khăn khi tín dụng cùng trái phiếu doanh nghiệp siết lại, SSI chia sẻ việc cấp margin với cổ phiếu bất động sản ra sao?
Bất động sản không xấu, nhưng mỗi tổ chức có một năng khiếu riêng. Với SSI thường xem xét các cổ phiếu cũng như nguồn funding cho bất động sản tương đối khắt khe.
Rõ ràng nếu siết tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, cổ phiếu bất động sản. Với SSI không ảnh hưởng nhiều vì không tham gia nhiều mảng này.
Nhưng phải nhìn nhận rằng, bất động sản rất quan trọng với nền kinh tế, không chỉ Việt Nam mà cả châu Á. Vì dân châu Á thích đầu tư những thứ nắm được, sờ được, đặc biệt cực kỳ thích sở hữu nhà. Cho tới khi nào họ còn tiền mua đất, mua nhà, có khi không dùng cho thế hệ mình mà dành cho con cháu thì họ vẫn còn thích đất.
Hiện chưa đánh giá ngay về việc siết tín dụng bất động sản, hay siết trái phiếu doanh nghiệp, khi nào chính thức có Nghị định thì mới đánh giá được. Là một thành viên của thị trường, SSI tham gia tích cực cho việc đóng góp ý kiến, hoàn thành dự thảo để cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, minh bạch, là kênh huy động vốn tốt. Nếu như cứ nhìn vài chỗ không tốt, hay trái phiếu doanh nghiệp bất động sản thì tôi thấy đâu đấy không công bằng với trái phiếu doanh nghiệp và không công bằng với doanh nghiệp bất động sản.
Vì sao cổ phiếu SSI giảm liên tục khi kết quả kinh doanh tốt?
Đây là điều tôi đau nhất và khó khăn nhất với tôi. Mọi người có thể kiểm soát về việc, tôi và gia đình tôi không bao giờ mua bán bất cứ 1 cổ phiếu SSI nào mà không công bố, không tham gia bất cứ game nào đánh lên đánh xuống. Nếu tôi có thì mọi người dò hết ra ngay.
Tôi chỉ làm cho công ty phát triển tốt nhất, minh bạch nhất, an toàn nhất. Còn giá cổ phiếu thì do thị trường định đoạt, tôi cũng thích giá cổ phiếu lên vì tài sản mình tăng, nhưng ngoài khả năng tôi và ban điều hành SSI, mà do thị trường quyết định.
Chia sẻ thêm về vị thế cạnh tranh sau tăng vốn?
Khi làm CTCK thì trở thành tổ chức trung gian để huy động vốn cho DN, cho nhà đầu tư có thể giao dịch, xây dựng nơi tin cậy để nhà đầu tư có thể đặt tài sản của mình, với những gì SSI làm thời gian qua, thì có lúc này lúc khác, hay như nay thị phần môi giới VPS có chiến lược riêng vươn lên số 1.
Tôi cho rằng, buôn có bạn bán có phường, mọi sự cạnh tranh lành mạnh đều tốt, không có cạnh tranh không có động lực phát triển. Còn SSI làm tốt nhất mà thị trường cần, với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn xem SSI là nơi tin cậy, là đối tác để kinh doanh tài tài chính ở Việt Nam.
Khi nào thị trường cần nguồn tiền, thì SSI đứng ra đàm phán với tổ chức quốc tế thì họ đều sẵn sàng xem xét và cấp tín chấp để đưa vốn vào thị trường Việt Nam.
Kế hoạch tăng vốn đã thông qua lần trước thì khi nào triển khai?
Đang nộp hồ sơ bổ sung và SSI vẫn đang chờ cơ quan chức năng phản hồi.
SSI có thoái vốn PAN năm nay?
Không, thậm chí muốn mua thêm nhưng phải chào mua công khai – có thể tác động tới giá cổ phiếu PAN, nên muốn mua nhưng chưa thực hiện.
Ông Nguyễn Quốc Cường là người có kinh nghiệm về ngoại giao, nhưng không liên quan kinh tế, vai trò của ông là gì khi tham gia HĐQT SSI?
Ông Cường tham gia HĐQT với vai trò là thành viên hội động quản trị độc lập. Ông là người có uy tín với doanh nhân Mỹ, Nhật, và được giới doanh nhân thân thiện, quý mến, nên có được ông Cường tham gia HĐQT là đặc ân với SSI, giúp SSI vốn thân thiết thì nay càng thân thiết với các đối tác nước ngoài này.
SSI là công ty đầu ngành mà giá cổ phiếu thấp nhất ngành, vì sao?
Thấp hay không thấp phải dùng chỉ số định giá, như PE để so sánh, như ta có trong túi 2 tờ 500, và 5 tờ 200 thì tổng vẫn là 1 triệu, không thể nói mệnh giá cổ phiếu để so sánh thấp hay cao được.
Tôi không kinh doanh mua bán kiếm lợi trên cổ phiếu chính mình, tôi giữ cổ phiếu SSI từ ngày đầu thành lập tới giờ.
- Ông Nguyễn Duy Hưng
Giá cổ phiếu khó nói, và không chỉ SSI giảm, mà thị trường chứng khoán giảm, thanh khoản giảm, rất nhiều nhà đầu tư cho rằng cổ phiếu ngành chứng khoán hết cơ hội rồi. Nhưng như đã thấy, SSI vẫn đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng 30% so với năm kỷ lục 2021, cơ sở đều dựa trên định lượng, ra con số, không cảm hứng từng thời điểm.
Việc phát triển khách hàng của SSI thế nào?
Vẫn định hướng làm dịch vụ để mở rộng khách hàng cá nhân và tổ chức. Trong đó khách hàng cá nhân chia thành 2 nhánh là môi giới truyền thống được take care đầy đủ, và 2 là qua online, digital.
Chiến lược khách hàng không chỉ đơn thuần khách hàng với môi giới, mà còn chiến lược với các tổ chức phát hành, các nhà đầu tư chuyên nghiệp…, SSI luôn bám sát DN hàng đầu, có nền tảng, đồng thời có các đối tác chuyên nghiệp nước ngoài để kết nối họ với nhau. Trong thời gian gần đây, các deal M&A, IPO bán vốn nước ngoài thực hiện nhiều qua SSI và thành công.
Nếu do thị trường thì cổ phiếu SSI có đáng đầu tư không?
Câu hỏi này nên để nhà đầu tư tự quyết định, với vai trò là Chủ tịch thì tôi rất khó để nói có đáng đầu tư hay không. Tôi chỉ có thể bằng mọi nỗ lực để SSI phát triển, minh bạch.
CTCK có mấy nghiệp vụ môi giới, IB, kinh doanh nguồn vốn, cho vay, thu xếp vốn, thoái vốn, quản lý quỹ, thanh khoản… các cơ cấu doanh thu rất chi tiết, rõ ràng. Trong bối cảnh thanh khoản giảm, dòng tiền ngoại gần đây đang mua ròng, và tại SSI, tỷ lệ sở hữu khối ngoại là 37,34% - là mức quý cho doanh nghiệp trong nước.
Đánh giá bức tranh ngành chứng khoán hiện nay?
Ngành chứng khoán có rất nhiều trường phái, cơ bản là cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư theo trường phái giá trị và cho nhà đầu tư thích đầu cơ. Với trường phái đầu tư cơ bản thì giúp người có vốn, kiểm soát an toàn, đi lâu dài. Khi thị trường vốn rẻ thì ông đầu cơ kiếm ăn rất tốt.
Cạnh tranh cũng vậy thôi, với mỗi mô tip trên thị trường thì có đối thủ khác nhau, cạnh tranh luôn có trong kinh doanh.
Mỗi công ty có chiến lược riêng và quan trọng hơn cạnh tranh với chính mình để tăng trưởng hàng năm, và cạnh tranh với đối thủ cũng quan trọng nhưng phải lành mạnh và trên cùng concept.
Quỹ SSIAM là quỹ top đầu trong nước, nhưng nếu so với các quỹ của Dragon Capital (DC) có lợi thế hút vốn ngoại, như Thái Lan, thì SSIAM có lợi thế gì?
Tất cả nằm trong concept, như DC có mạng lưới nhà đầu tư nước ngoài tốt, họ cũng làm tốt trong ngành tài chính Việt Nam.
Còn thuần tuý là quản lý quỹ trong nước thì SSIAM không công ty nào vượt, bản thân quỹ Finlead thì năm rồi tăng trưởng quy mô và lợi nhuận rất tốt và hiếm công ty nào làm được.
Không phải cái gì ta cũng nhao lên hàng đầu, chỉ cần Á hậu mà duy trì được liên tục cũng là tốt quá rồi, không nhất thiết cái gì cũng nhất. Mỗi bên có chiến lược riêng, chỉ cần nhìn vào tăng trưởng quy mô và lợi nhuận của quỹ hàng năm đi lên.
Tăng lãi suất có ảnh hưởng gì nguồn và chi phí nguồn của CTCK không?
Không ảnh hưởng là nói dối, đều ảnh hưởng tới tất cả lĩnh vực kinh doanh tài chính nhất định. SSI có lợi thế vốn sở hữu lớn - rất quan trọng, thứ hai là uy tín cũng như định mức tín nhiệm cao, nên nguồn vay ngân hàng nước ngoài với chi phí thấp 4-4,5%/năm - là lợi thế cạnh tranh rất quan trọng trong thị trường này.
Chi phí vốn bình quân hiện nay chưa bị ảnh hưởng, vì vậy, SSI vẫn duy trì chính sách margin thay vì thu hẹp, dù trong nước lãi suất đang có biến động. Dĩ nhiên, SSI tuân thủ quản trị rủi ro, nên danh mục và tỷ lệ được kiểm soát tốt.
Mảng IB của SSI có giá trị hợp đồng đã ký bao nhiêu, xu hướng tư vấn năm nay là gì, IPO, M&A, huy động vốn chủ, vốn nợ…?
Tổng giá trị thương vụ tư vấn năm 2021 của mảng IB là 1,5 tỷ USD (khoảng 30.000 tỷ đồng), gần đây thì đang kiểm soát, cấp phép IPO chặt chẽ, chậm hơn, nên cũng làm giảm tốc độ thực hiện thương vụ.
Dòng vốn rẻ, làm cho huy động vốn đơn giản hơn, ví dụ trái phiếu chỉ cần cạnh tranh bằng lãi suất, thậm chí bán trên facebook trong năm 2021. Sang năm 2022 thì không đơn giản, dòng vốn rẻ giảm, còn DN lúc nào cũng cần vốn nên vốn chuyên nghiệp có cơ hội. Nên giá trị hợp đồng của SSI thì không giảm, vì kế hoạch đặt ra cho mảng IB cũng tăng trưởng hơn 30%.
Hoạt động đầu tư trái phiếu chưa niêm yết của SSI tăng mạnh, vì sao?
SSI đầu tư các sản phẩm tài chính, và thường bị nói kỹ quá, chắc quá, nên như đầu tư trái phiếu thì phải có tài sản đảm bảo, có ràng buộc, không bị mất vốn trong bất cứ hòan cảnh nào.
Mảng trái phiếu có ghi nhận gì kế hoạch tạm ngừng của tổ chức phát hành nào không và SSI, có gặp tình huống trái chủ rút tiền trước hạn với trái phiếu mà SSI phân phối không?
Do vấn đề liên quan đến khách hàng nên tôi xin từ chối trả lời, vì họ là khách hàng, có tài sản đảm bảo, các vấn đề về kế hoạch của khách hàng thì họ sẽ có công bố thông tin trên kênh chính thống.
Mỗi công ty có chiến lược kinh doanh riêng, có cách phục vụ riêng, VPS tôi cho là họ triển khai tốt, phù hợp với tiêu chí của họ. Còn với những tiêu chí đó, thì khả năng SSI không giỏi những vấn đề này và không phù hợp với concept của SSI.
- Ông Nguyễn Duy Hưng
Còn nói về trái phiếu doanh nghiệp, là công cụ hữu hiệu để DN huy động vốn, nhưng đưa ra giải pháp để kiểm soát mà không lạm dụng là cần thiết, không nên nhìn cực đoan trái phiếu doanh nghiệp là nguy hiểm, rủi ro.
Việc trái chủ, thì ở SSI mọi thứ rất rõ, những trái phiếu mà SSI tham gia thì chưa thấy ai đến xin rút trước kỳ hạn.
Về thị trường, trái phiếu doanh nghiệp nếu được kiểm soát tốt thì nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư vào trái phiếu rất nhiều. Không có nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu chính phủ, nhưng sẵn sàng mua trái phiếu doanh nghiệp rất nhiều. Cứ có nhu cầu là SSI phục vụ, vậy vấn đề là làm sao đó để tổ chức phát hành không làm bậy, không minh bạch – thì đó là công việc của cơ quan nhà nước, cũng như việc vai trò của CTCK, hay tổ chức tín nhiệm.
Tôi cho rằng, vai trò và trách nhiệm phải được quy định rõ, mới tạo được thị trường mua bán trái phiếu thứ cấp, tạo thanh khoản cho nhà đầu tư tham gia trái phiếu, thì đó mới là mục tiêu hướng đến.
Trong ĐHCĐ 2021, ông có nói về chính sách môi giới của SSI sẽ có thay đổi lớn, một chiến lược lớn của công ty, vậy kết quả của thay đổi lớn này tới nay có kết quả ra sao?
Số lượng môi giới tăng 40%, AUM khách hàng lên 250.000 tỷ đồng. Đây là điều mà SSI đã nói năm trước, tức chính sách thu hút nhân sự, giữ người tài, giữ lại những tài khoản chất lượng, phục vụ khách hàng theo góc nhìn riêng của mình…
Phần chưa tốt sẽ tiếp tục tốt là mảng kinh doanh online để phục vụ nhà đầu tư thế hệ gen Z với tuổi trẻ hơn, sống nhanh hơn, làm nhanh hơn.
Ông có nhận định gì về nâng hạng thị trường?
Câu hỏi được đặt nhiều lần, nhưng năm nay có khác, đó là Thủ tướng chỉ đạo năm nay mục tiêu là nâng hạng, thì các cơ quan liên quan sẽ phải ráo riết rà soát các tiêu chí chưa đạt, và cơ quan ban ngành nào chịu trách nhiệm tiêu chí nào, và tuân thủ tốt chỉ đạo Thủ tướng thì tôi tin là sẽ sớm nâng hạng được.
Vì sao giá cổ phiếu giảm mà Chủ tịch không mua thêm?
Tôi không kinh doanh mua bán kiếm lợi trên cổ phiếu chính mình, tôi giữ cổ phiếu SSI từ ngày đầu thành lập tới giờ.
Nguyên nhân nào SSI rớt hạng top đầu thị phần, bằng cách nào lấy lại thị phần từ VPS?
Mỗi công ty có chiến lược kinh doanh riêng, có cách phục vụ riêng, VPS tôi cho là họ triển khai tốt, phù hợp với tiêu chí của họ. Còn với những tiêu chí đó, thì khả năng SSI không giỏi những vấn đề này và không phù hợp với concept của SSI.
Chúng tôi không đi lấy thị phần của công ty nào, mà tập trung phục vụ cho khách hàng của mình, mở rộng thị phần của mình vì còn nhiều dư địa.
Kế hoạch phát hành riêng lẻ của SSI ra sao?
Đang làm giấy phép và gặp các nhà đầu tư. SSI có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm để đầu tư.
Phát hành cổ phiếu có e ngại pha loãng?
Việc phát hành quan trọng là dùng vốn cho việc gì, phát triển ra sao, khi cổ phiếu giảm thì mọi người lại hay nói về pha loãng, tôi cho rằng đặc hay loãng không quan trọng, mà là hiệu quả sử dụng vốn. Nhiều năm nay, SSI sử dụng vốn hiệu quả, không mất vốn và mang lại tăng trưởng cho DN.
Ông đánh giá gì về việc siết quy định về nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu?
SSI với vai trò là thành viên thị trường, thì những gì giúp thị trường minh bạch, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nhưng không phải bằng biện pháp hành chính, trong tư duy làm luật là bảo vệ lợi ích và quyền chủ động của nhà đầu tư trong việc đầu tư, chứ không phải không cho người ta tham gia đầu tư.