Tại Đại hội, các cổ đông đã biểu quyết thông qua phương án và kế hoạch của HĐQT SHB về việc tăng vốn điều lệ lên 17.570 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 5.534 tỷ đồng từ việc phân phối cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Trong đó, chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là 21% với tỷ lệ chia cổ tức 10% cho năm 2017 và 11% cho năm 2018. Việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để ngân hàng tăng nguồn vốn mở rộng quy mô cho vay, tập trung ở khách hàng cá nhân, doanh nghiệp SME, đầu tư vào công nghệ thông tin, sẵn sàng cho hành trình chuyển đổi số và trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại, đa năng.
Đáng chú ý, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.068 tỷ đồng, tăng 46,51% so với năm 2018 – một bước tiến mạnh mẽ và quyết liệt của SHB.
Trước câu hỏi của cổ đông có nhất thiết phải trả toàn bộ cổ tức năm 2017 - 2018 bằng cổ phiếu hay không vì hệ số CAR của ngân hàng năm 2018 đạt 11,79% (cao hơn mức qui định 9% của NHNN), ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, trong quá trình xử lý nợ xấu Habubank có nợ của Vinashin, theo đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt, riêng khoản nợ của Vinashin bán cho VAMC có thời gian trích lập là 8 năm. Mặt khác, NHNN có Thông tư 08 có quy định, những TCTD có trái phiếu VAMC trên 5 năm sẽ không được chia cổ tức.
Đến tháng 10 có thể chốt danh sách chia cổ tức, thì từ nay đến tháng 9, ban điều hành sẽ trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu, giảm thời hạn trái phiếu này xuống 5 năm để đủ điều kiện chia cổ tức.
Đây cũng là thời điểm mà SHB có thể thực hiện quá trình tăng vốn. Tất cả các ngân hàng đang hướng tới Basel II để nâng cao năng lực tài chính, quyết tâm đến 2020 SHB đạt chuẩn Basel II, một trong đó là phải tăng vốn. SHB cũng đang phát triển hệ sinh thái qua công ty tài chính tiêu dùng và mở ngân hàng con tại Bờ Biển Ngà.
“Tôi tôn trọng tất cả quyền lợi của các cổ đông, đặc biệt các cổ đông nhỏ lẻ, nhưng các cổ đông cũng cần phải chia sẻ với ngân hàng để có thể phát triển bền vững. Mặc dù không chia cổ tức nhưng lợi nhuận giữ lại vẫn thuộc về cổ đông. Tôi cũng là cổ đông, quý vị cũng là cổ đông. Chúng ta đều nên quan tâm đến đứa con của mình, muốn cho nó khoẻ mạnh, thành công và phát triển”, ông Hiển nói.
Một nội dung đáng chú ý khác tại ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT SHB trình các cổ đông thông qua việc thành lập ngân hàng con 100% vốn đầu tư của SHB hoặc góp vốn đầu tư vào một tổ chức tín dụng tại Bờ Biển Ngà để mở rộng sự hiện diện của SHB vào thị trường châu Phi. Đồng thời, giao cho HĐQT quyết định hình thức đầu tư, mức vốn đầu tư và thời gian đầu tư tại Bờ Biển Ngà.
Giải trình về đề xuất trên, lãnh đạo ngân hàng cho biết, hiện nay, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Bờ Biển Ngà không ngừng tăng lên, chủ yếu là các dự án xây dựng nhà máy chế biến phục vụ xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Do đó, nhu cầu về vốn và các hoạt động thanh toán quốc tế cũng tăng lên nhanh chóng, trong khi đó sự hiện diện của các tổ chức tín dụng Việt Nam tại khu vực này chưa có. Vì vậy, sự xuất hiện của SHB tại thị trường Bờ Biển Ngà không chỉ hỗ trợ tốt khách hàng là các nhà xuất nhập khẩu, nhà đầu tư Việt Nam tại đây mà còn phục vụ cả khách hàng và nhà đầu tư đến từ các nước khác.
Với nền tảng hoạt động bền vững, ổn định, SHB đã đề ra kế hoạch kinh doanh 2019 và được ĐHĐCĐ thông qua như sau: Tổng tài sản đạt 372.917 tỷ đồng, tăng 15,36%; Vốn điều lệ đạt 17.571 tỷ đồng, tăng 45,97%; Huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 283.922 tỷ đồng, tăng 16,64%; Số dư cấp tín dụng đạt 261.592 tỷ đồng, tăng 13%; Lợi nhuận trước thuế đạt 3.068 tỷ đồng, tăng 46,51%; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; tỷ lệ an toàn vốn trên 9%; ROA và ROE lần lượt là 0,87% và 16,9%.
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB đã báo cáo tại ĐHĐCĐ
Trước đó, đại diện Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB đã báo cáo với các cổ đông về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2018 với quy mô tổng tài sản đạt 323.276 tỷ đồng tăng trưởng 13%, tổng nguồn vốn huy động đạt 300.565 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 231.474 tỷ đồng, tăng trưởng 15%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.094 tỷ đồng.
Bên cạnh việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đã đề ra, SHB tiếp tục ứng dụng công nghệ mới nhất trong phát triển sản phẩm, dịch vụ để gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng.
Xác định mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại hàng đầu Việt Nam, SHB đã xây dựng lộ trình chuyển đổi trở thành một ngân hàng số toàn diện, hiệu quả và năng động.
Theo lộ trình này, trong vòng 05 năm, SHB sẽ tập trung vào triển khai các dự án theo các nhóm lĩnh vực Hướng tới khách hàng (Customer Centricity), Dữ liệu lớn (Big Data), Số hóa (Digital), Tối ưu hóa quy trình (Process Optimization), Hạ tầng công nghệ (Technology), Mô hình quản trị Công nghệ thông tin (IT Operating model). Để thực thi lộ trình chiến lược CNTT, ngay trong năm 2018, SHB đã bắt đầu khởi động các dự án trải đều ở các nhóm lĩnh vực.
Hướng tới mục tiêu TOP 3 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất tại Việt Nam, SHB xác định tiếp tục nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro; đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển mạnh mẽ hoạt động cho vay tiêu dùng khách hàng cá nhân nhằm tăng nguồn lợi nhuận đáng kể, đóng góp vào kết quả hoạt động kinh doanh thông qua Công ty tài chính tiêu dùng SHB (SHB FC); nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như đảm bảo các chỉ tiêu tài chính theo chuẩn mực quốc tế và yêu cầu của Ủy ban Basel và mục tiêu năm 2020, SHB triển khai thành công và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo Basel II.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ SHB
Các cổ đông tham dự đại hội đã nhất trí thông qua tất cả các nội dung. Đại diện SHB, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển cam kết: SHB sẽ nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt các mục tiêu Đại hội đồng cổ đông đề ra, khẳng định vị thế, uy tín trong nước và quốc tế, vì lợi ích của các cổ đông cũng như thương hiệu SHB trên thị trường tài chính – tiền tệ.